- "Nhiều DN vay ngân hàng đầu tư xe đang hoạt động ổn định tại bến Mỹ Đình, nếu bây giờ bắt chuyển đi ngay sẽ rất khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản” – đại diện DN vận tải Nghệ An cho biết.

Điều chuyển để giảm ùn tắc giao thông

Sáng nay (29/6), Sở GTVT Hà Nội đã làm việc với các DN vận tải và Bến xe về thực hiện chỉ đạo điều chuyển các tuyến xe Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Gia Lai từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm.

Theo phương án được Sở GTVT đưa ra, trong giai đoạn 1 sở này sẽ điều chỉnh các tuyến từ bến xe Mỹ Đình đi các bến xe Nghệ An (66 lượt xe/ ngày), Hà Tĩnh (5 lượt xe/ ngày), Gia Lai (1 lượt xe/ ngày), Đắk Lắk (4 lượt xe/ ngày) về bến xe Nước Ngầm.

Giai đoạn 2 điều chỉnh các tuyến từ bến Mỹ Đình đi các bến xe tỉnh Thanh Hóa (68 lượt xe/ ngày) về bến Nước Ngầm….

{keywords}
Hà Nội đang lên kế hoạch điều chuyển một số tuyến xe phía Nam từ bến Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm (Ảnh: Dân Việt)

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Việc điều chuyển này dựa trên cơ sở tổ chức giao thông TP Hà Nội, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT và thực hiện giảm mật độ xe đi lại qua trục đường xuyên tâm (vành đai 3) của thành phố.

“TP rất quyết liệt việc điều chuyển này, bởi theo quy định xe khách tuyến phía Nam phải đi đường Phạm Hùng lên trên đường vành đai 3, nhưng thực tế nhiều xe đi sai lộ trình xuống bên dưới vòng vo bắt khách, thậm chí bắt khách cả trên đường trên cao gây bức xúc cho người tham gia giao thông”, ông Linh nói.

Trước phương án điều chỉnh này, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nghệ An cho rằng, hiện nay bến xe Mỹ Đình không còn ùn tắc cả trong và ngoài bến.

"Nhiều DN vay ngân hàng đầu tư xe đang hoạt động ổn định giờ nếu bắt chuyển đi ngay sẽ rất khó khăn và có nguy cơ phá sản. Do vậy chúng tôi mong thành phố xem xét kéo dài thời gian điều chuyển để DN giảm bớt khó khăn”, ông Hùng kiến nghị.

Đại diện DN vận tải Đức Bình chạy tuyến Nghệ An – Mỹ Đình cho rằng, các DN vòng vo bắt khách nếu vi phạm Hà Nội có thể xử lý nghiêm, thậm chí cắt lốt và yêu cầu dừng hoạt động; không nên vì một một vài DN hoạt động bát nháo rồi điều chuyển cả tuyến.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho rằng: Hiện nay bến xe đã được mở rộng và không còn tình trạng ùn tắc và quá tải như trước đây.

Do vậy bến xe đề nghị Sở GTVT giữ nguyên các tuyến xe phía Nam đang hoạt động ổn định tại bến Mỹ Đình, tránh gây khó khăn cho các DN vận tải.

Điều chuyển đúng luật?

Chia sẻ khó khăn với DN, ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, việc DN vận tải vay ngân hàng mua xe và phải trả lãi hàng tháng chúng tôi rất hiểu, nhưng ngược lại cơ quan quản lý nhà nước cũng có khó khăn trong công tác quản lý cần được chia sẻ.

Đồng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, việc các xe phía Nam chạy xuyên tâm đón khách dọc đường đang gây khó khăn cho lực lượng chức năng làm nhiềm vụ trên đường. Do vậy, việc điều chuyển các xe phía Nam từ bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm là hoàn toàn phù hợp, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT.

Trong khi đó, đại diện Vụ Vận tải (Tổng Cục đường bộ VN) nói rõ, luật giao thông đường bộ quy định Chủ tịch tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, do vậy việc TP Hà Nội điều chuyển xe từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm để giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT là hoàn toàn phù hợp với quy định.

Do vậy, đại diện Vụ Vận tải yêu cầu Sở GTVT cần sớm có điều chỉnh bổ sung để Tổng Cục đường bộ báo cáo Bộ GTVT trước 15/7 tới.

Kết thúc hội nghị, Phó giám đốc Sở Nguyễn Hoàng Linh yêu cầu phòng vận tải nghiên cứu biểu đồ, sắp xếp hợp lý sau khi điều chuyển. Tổng hợp ý kiến của các DN, báo cáo UBND TP trước ngày 30/6.

Vũ Điệp