Tối 14/10, nhạc sĩ Giáng Sol thể hiện sự búc xúc khi bị khiếu nại bản quyền trên YouTube một nhạc phẩm do chính chị sáng tác. Cụ thể gần đây, chị có nhờ một nhóm bạn trẻ lập kênh YouTube đăng những video nhạc phẩm do mình sáng tác, trong đó có Giấc mơ trưa. Sau khi video Giấc mơ trưa do ca sĩ Khánh Linh thể hiện được đăng tải, kênh của Giáng Sol nhận thông báo khiếu nại bản quyền từ BH Media.
Nhạc sĩ Giáng Sol. |
Qua tìm hiểu, nhạc sĩ biết chuyện nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh từng xin bản phối Giấc mơ trưa từ chị để đi diễn. Sau đó, nghệ sĩ này thu hòa tấu đàn nhị Giấc mơ trưa thành CD và phát hành bởi Hồ Gươm Video Audio. Hiện tại, giấy phép bản quyền bản ghi âm Giấc mơ trưa của Dương Thùy Anh trên YouTube được ghi rõ thuộc về BH Media (đại diện Hồ Gươm Audio Video) và 3 Hiệp hội bảo vệ quyền âm nhạc.
"Tôi vô cùng sốc. Giống như con mình đẻ ra mà lại bị kiện vậy. Xin hỏi BH Media là bên nào mà làm ăn như vậy?", chị viết.
VietNamNet liên hệ BH Media về vụ việc, đại diện truyền thông cho biết BH Media hiện quản lý độc quyền một số bản ghi âm, ghi hình (sau đây gọi tắt là bản ghi) hoặc nhận ủy quyền từ các đối tác là chủ sở hữu bản ghi. Khi có kênh bất kỳ đăng video có nội dung trùng khớp với nội dung mà BH Media quản lý hoặc nhận ủy quyền, hệ thống tự động sẽ gửi thông báo cho chủ kênh về việc phát hiện nội dung trùng khớp. Đơn vị này nhấn mạnh: "Đây là vấn đề về quyền liên quan đến quyền tác giả, cụ thể đối tượng là bản ghi âm, ghi hình, không phải về quyền tác giả của nhạc sĩ Giáng Sol".
Về bản cover Giấc mơ trưa của ca sĩ Khánh Linh và bản ghi Giấc mơ trưa của Dương Thùy Anh, BH Media cung cấp số liệu do hệ thống YouTube phân tích cho thấy chỉ giống nhau vài % nhất định nên "không có chuyện chúng tôi lấy beat gốc của chị Sol".
"Chúng tôi không hề kiện chị Giáng Sol. Vụ việc đơn giản là bản cover Giấc mơ trưa của ca sĩ Khánh Linh bị hệ thống của YouTube xác định là có nội dung trùng khớp với bản ghi âm mà chúng tôi đang quản lý. Cách xử lý đáng lẽ ra cũng rất đơn giản là gỡ khiếu nại ấy đi trong một thao tác", người này nói.
Hệ thống trên YouTube phân tích dữ liệu trùng khớp giữa hai bản ghi rồi gửi thông báo khiếu nại bản quyền cho kênh của Giáng Sol. Ảnh: BH Media cung cấp |
Sau khi Giáng Sol thể hiện thái độ không hài lòng trên trang cá nhân, phía BH Media liên hệ giải quyết vụ việc nhưng nhạc sĩ đã từ chối trao đổi.
BH Media thông tin thêm, những tác giả như nhạc sĩ Giáng Sol ủy quyền cho VCPMC - Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam khai thác quyền tác giả của mình. Một trong những nguồn thu về phí tác quyền là từ các video do các đơn vị phát hành như BH Media đăng tải. "Nói cách khác, chị Sol luôn nhận về tiền tác quyền từ các video do chúng tôi đăng lên thông qua VCPMC", đại diện truyền thông nói.
Về hướng giải quyết, BH Media mong được trao đổi trực tiếp với nhạc sĩ Giáng Sol để tháo gỡ khúc mắc. Người này cho biết: "Chúng tôi chưa từng xảy ra vấn đề gì với chị Giáng Sol nên mong khép lại vụ này nhanh chóng".
Liên hệ nhạc sĩ Giáng Sol, chị cho hay: "Bản Giấc mơ trưa Khánh Linh của tôi không phải là cover mà là bản gốc, được phối khí riêng để không trùng với ai và được phát hành năm 2007. Bản đàn Nhị mới là cover vì lấy bản phối của tôi và phát hành sau đó năm 2017. Vì vậy bên BH không có quyền gì mà tuýt còi tôi cả!". Nhạc sĩ sẽ ủy quyền toàn bộ xử lý tiếp theo cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam.
Gia Bảo
VCPMC thu hơn 150 tỷ tiền bản quyền âm nhạc năm 2020
Tích cực áp dụng công nghệ 4.0 và các phần mềm quốc tế vào mọi hoạt động, trong năm 2020, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thu được hơn 150 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả.