- 24/7 là ngày sinh nhật nhạc sĩ Hoàng Vân. Con gái Tiến sĩ Y Linh và nhạc trưởng Lê Phi Phi đã chọn ngày đặc biệt này để làm những việc ý nghĩa dành tặng cho người bố kính yêu của mình.
Những năm trước vào tháng 7 anh và chị hay về Việt Nam vì đó là tháng sinh nhật của bố anh, chị và năm nay anh Lê Phi Phi cũng đang có mặt tại Việt Nam nhưng bố thì không còn nữa...
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Đúng như bạn nói, thường bao giờ tôi cũng bố trí tháng 7 là có mặt ở Việt Nam, vừa công việc vừa được nghỉ hè và đặc biệt là ngày sinh nhật của bố tôi - 24/7. Năm nay là sinh nhật đầu tiên không có ông. Những sinh nhật trước của bố gia đình tôi không bao giờ tổ chức hoành tráng vì ông là người không thích bày vẽ mà thường chỉ làm một bữa cơm ăn ở nhà hay kéo nhau ra quán ông ưa thích.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi và bố nhạc sĩ Hoàng Vân. |
Thậm chí năm 2015 khi ông bị ốm nặng thì sinh nhật trong bệnh viện. Tôi đặt bánh gato bạn bè, gia đình đến chúc mừng, hát Happy Birthday ngay tại giường bệnh. Mỗi một năm sinh nhật là một kỷ niệm. Năm nay vắng ông, gia đình lấy ngày sinh nhật của ông để khởi công, xây mộ cho ông có một căn nhà mới. Tôi đang tiến hành làm mẫu mã bia và thỏa thuận những điều kiện cần thiết xung quanh việc chuẩn bị đó. Trước đó, gia đình cũng đã hoàn thiện và cập nhật các bài viết, bài hát của ông trên trang web riêng của nhạc sĩ Hoàng Vân: http://hoangvan.org/
Tiến sĩ Y Linh: Bố tôi nhạc sĩ Hoàng Vân đã sống cả cuộc đời trước hết và duy nhất với sứ mệnh sáng tác âm nhạc dường như được chỉ định từ trước khi sinh ra, và ông đã rất tự hào đã hoàn thành sứ mệnh ấy. Nhớ đến bố, điều tôi nhớ đầu tiên bao trùm tất cả là tính lạc quan và hoài vọng chân, thiện, mỹ. Âm nhạc của ông được mọi người yêu thích cũng bởi tính lạc quan, những chủ đề tuổi trẻ, mùa xuân, đất nước, con người… được hát lên bởi những giai điệu đẹp không bao giờ quên được.
Kể từ khi bố rời xa, mỗi lần nhớ ông tôi nghe lại "Khi những đàn chim én ríu rít tung bay trên nền trời nắng đẹp", "Mùa xuân tới chim én ơi, mùa xuân tới rồi chim én ơi, chào xuân mới bay khắp nơi, chào xuân mới lượn bay khắp nơi..". Và dù đôi khi tôi vẫn không kìm được nước mắt, nhưng không rơi vào bi lụy trầm cảm, đó cũng chính là sức mạnh bố để lại cho mẹ, em trai và tôi...
Anh và chị gái Y Linh cùng bác gái đã có sự bàn bạc nào khi đưa ra quyết định chọn câu hát nào, bài hát nào để khắc lên bia mộ của nhạc sĩ Hoàng Vân bởi ông có vô vàn các tác phẩm nổi tiếng để chọn một bài quả là quá khó?
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Khi quyết đinh làm bia mộ cho bố, gia đình tôi đã suy nghĩ rất nhiều vì một người như ông quá nhiều dữ liệu để gói trọn trong một tấm bia. Nhưng gia đình kết luận là "simply the best", tức là càng đơn giản càng thoáng đẹp và sang trọng. Mặt trước rất đơn giản nhạc sĩ Hoàng Vân, năm sinh năm mất và có trích 1 cái lời bài hát "cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau", trích từ "Bài ca xây dựng". Bài hát đó có ý nghĩa nhân văn, rộng rãi hơn vì không chỉ đơn thuần là bài hát mà những tác phẩm của ông sẽ cho ngày nay, cho ngày mai và vĩnh viễn.
Mặt sau của bia, gia đình đã chọn trích đoạn hợp xướng thiếu nhi trong bài "Hồi tưởng" của ông. Tác phẩm của ông quá nhiều nhưng vì ông là người rất quý trẻ con và ngoài những tác phẩm khán giả đã biết thì những ca khúc thiếu nhi của ông cũng để lại dấu ấn đặc biệt. Theo tôi cuộc sống chúng ta luôn luôn phải đề cao thế hệ trẻ, luôn hướng về tương lai, vì vậy nên phải chọn 1 ca khúc viết về thiếu nhi, ca khúc đó cũng rất nổi tiếng. Tôi nghĩ mình khắc chính những bút tích của ông, chứ không phải bản nhạc ghi. Vì vậy bút tích của ông cũng sẽ lưu giữ luôn trên đó.
Tiến sĩ Y Linh: Cách đây chưa lâu chúng tôi tiễn bố bằng âm nhạc của ông trong ngày tang lễ. Vậy nên ngôi nhà mới của bố cũng bao bọc bằng âm nhạc. Chúng tôi gửi ông trích đoạn hợp xướng cho thiếu nhi trong bản đại hợp xướng "Hồi tưởng" mang nhiều ý nghĩa, nhắc nhủ cho cả một thế hệ chúng tôi những kỷ niệm thời ấu thơ hạnh phúc với bố mẹ trên một giai điệu tuyệt đẹp. Bài hát vừa gần vừa thân thương, mở đầu cho một đại hợp xướng hùng tráng và bác học, tượng trưng được kho tàng sáng tác đồ sộ của ông trong vòng hơn nửa thế kỷ.
Trong một cuộc đời, làm gì cũng phải nghĩ đến tương lai, dù gần hay xa, thì mới có được một cuộc đời hữu ích. Bao nhiêu tinh hoa của kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam mà bố vẫn dạy dỗ chúng tôi hàng ngày ngay cả khi chúng tôi đã trưởng thành được đúc kết trên phiên bản hiện đại này. Hữu ích cho người khác là thỏa mãn cho cá nhân mình, tôi tạm bình lời cha dặn như vậy. Và lời dặn này chúng tôi gửi trên bia mộ ông để nói với ông rằng mãi mãi chúng tôi sẽ sống theo như ông dạy dỗ.
S.Hà
Tình yêu đặc biệt nhạc trưởng Lê Phi Phi dành cho cha mẹ
Làm việc ở Macedonia nhưng từ nhiều năm nay, mùa Thu nào, nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng trở về Việt Nam để tham gia chương trình hòa nhạc Điều còn mãi do báo VietNamNet tổ chức.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi: 'Muốn bay cao, bay xa hơn nữa trên sân khấu thế giới'
Để hoàn thiện một chương trình âm nhạc, phần âm thanh cần phải được đặc biệt chú trọng, đó là điều mà nhạc trưởng Lê Phi Phi rất lưu ý khi chia sẻ với VietNamNet
Nhạc trưởng Lê Phi Phi tập cùng dàn nhạc 'Điều còn mãi'
Để chuẩn bị cho các tiết mục tham gia biểu diễn tại Điều còn mãi 2016, nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng các nghệ sĩ trong Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đang gấp rút tập luyện cho buổi diễn duy nhất vào 14h ngày 2/9.
Chuyện chưa kể về nhạc trưởng nổi tiếng Lê Phi Phi
Là con trai của nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc trưởng Lê Phi Phi hiện là hiện là một trong những nghệ sĩ âm nhạc cổ điển Việt thành danh ở châu Âu. Chuyên mục Hotface có cuộc trò chuyện với nhạc trưởng Lê Phi Phi.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy tác phẩm nổi tiếng viết về Mẹ
Nhạc trưởng Lê Phi Phi trở về Việt Nam để tham gia chỉ huy chương trình đặc biệt “Stabat Mater dolorosa” (Người mẹ đứng tiếc thương người con trai) ngày 29, 30/7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.