Nhìn vào số lượng các cuộc thi ca nhạc như Vietnam’s Got Talent (Tìm kiếm tài năng Việt Nam), Sao Mai điểm hẹn, Sao Mai, Vietnam Idol, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường..., nhiều người nghĩ rằng đời sống âm nhạc nước nhà đang khởi sắc mà ít ai thấy được thực tế ngày càng hiếm hơn các tài năng âm nhạc thực thụ.

Trông người mà ngẫm

Nhìn vào kết quả cuộc thi Vietnam’s Got Talent, có đến 9/14 tiết mục ca nhạc lọt vào 2 đêm chung kết và 3/4 số tiết mục ca nhạc lọt vào đêm Gala, một số lượng áp đảo so với các thể loại khác. Tuy nhiên, ngôi vị Quán quân của nó lại thuộc về Đăng Quân và Bảo Ngọc, một cặp nhảy nhí duy nhất của Gala. Từ kết quả này, nhiều người tỏ ra nghi ngại và đặt câu hỏi phải chăng làng ca nhạc Việt chưa quan tâm đúng mức đến việc trồng cây nên ngày càng thiếu vắng những mùa quả ngọt?


Hương Thảo tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng 2012.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng 2/3 trong số 10.000 thí sinh trên khắp mọi miền đất nước với đủ mọi lứa tuổi tham gia cuộc thi Vietnam’s Got Talent vừa rồi bằng các tiết mục ca nhạc. Một trong số các tiết mục dự thi lọt vào chung kết là giọng ca đa sắc, có chiều sâu của Hương Thảo nhưng Hương Thảo không phải là “gà nòi” bước ra từ một trường đào tạo về âm nhạc.

Và tất nhiên Hương Thảo dù nhận được sự đánh giá rất cao của Ban giám khảo cũng như của công chúng, cô chưa phải là một tài năng âm nhạc thực thụ nên đành dành ngôi Quán quân cho cặp nhảy nhí. Còn lại cũng có những tiết mục khác do các thí sinh từ các lò đào tạo âm nhạc tham gia nhưng đều bị loại từ vòng ngoài. Điều ấy cho thấy một thực tế là tài năng âm nhạc hiện nay của nước ta còn rất hiếm.

Còn ở nước ngoài, chẳng hạn như Quán quân American Idol 2002 là Kelly Clarkson, ngay sau khi đăng quang, album đầu tay của cô Thankful (2003) đã nhanh chóng chiếm vị trí cao nhất trong US Billboard Hot 200. Sau đấy 1 năm, 2004, album Breakaway nhanh chóng chiếm vị trí thứ 3 trong Billboard Hot 200 và đã nhận được nhiều khen ngợi từ giới chuyên môn. Từ trước, trong và sau khi đăng quang, Kelly Clarkson đã đạt được rất nhiều giải thưởng âm nhạc, trong đó có giải thưởng dành cho đĩa đơn của năm, “Billboard Music Awards 2002” và Nữ nghệ sĩ trình diễn nhạc pop xuất sắc nhất giải Grammy 2006.

Hiện tượng gần đây là Susan Boyle đoạt giải Quán quân cuộc thi Britain’s Got Talent 2009 với bài hát nổi tiếng I Dreamed A Dream đã gây được sự chú ý của giới hâm mộ trên toàn thế giới trong suốt một thời gian dài và ngay sau khi bài hát này được tung lên mạng YouTube đã được đánh giá là “hay đến bất ngờ”. Chỉ trong một tuần, bài hát đã đạt gần 50 triệu lượt “hit” (tạm dịch: lời khen ngợi). Ngay sau đấy, nữ hoàng nhạc pop này đã trở thành một gương mặt hot nhất trong làng âm nhạc thế giới cũng như xuất hiện trên nhiều tạp chí, chương trình truyền hình nổi tiếng thế giới.

Điều ấy có lẽ mãi còn là một giấc mơ “xa xỉ” của làng nhạc Việt, mặc dù cùng một format chương trình như họ.

Trồng cây nào hái quả ấy

Có thể nói, làng nhạc Việt có quá nhiều người chỉ quen đi “hái quả” mà lại có quá ít người để tâm đến việc “trồng cây”. Ngày càng có quá nhiều cuộc “càn quét” khu vườn âm nhạc vốn đã không chọn được giống tốt, lại chăm bón không đến nơi đến chốn. Trừ Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn là hai cuộc thi dành riêng cho ca nhạc, còn Vietnam Idol, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường, Vietnam’s Got Talent… đều là những cuộc thi có quy mô toàn quốc và đều có những thí sinh tham gia thể loại ca nhạc.

Tuy vậy, căn bệnh trầm kha của làng nhạc Việt đang bộc lộ những điểm yếu cố hữu là chất lượng các cuộc thi ca nhạc năm sau luôn thấp hơn năm trước, dường như để tìm cho được tài năng thực thụ như trước đây là điều quá khó đối với các cuộc thi âm nhạc hiện nay. Chỉ riêng Vietnam Idol, suốt trong 3 mùa giải thì Phương Vy đoạt ngôi vị Quán quân lần thứ nhất xong rồi “lặn một hơi không sủi tăm”, còn mùa thứ hai là ai cũng chẳng mấy người còn nhớ nữa. Duy còn lại chỉ có Uyên Linh, thời gian đầu tạo được ấn tượng tốt nhưng dường như còn thiếu một điều gì đó để có thể vượt lên chính cái bóng của mình.

Có thể lý giải phần nào điều này ở thực tế đào tạo âm nhạc ở nước ta. Hiện nay, cả hệ thống đào tạo ca hát chuyên nghiệp của nước ta chưa có nơi nào có khoa nhạc nhẹ đúng nghĩa mà chỉ có khoa thanh nhạc nói chung. Trong khi đó, nhạc nhẹ là dòng nhạc đang rất thịnh hành trong đời sống âm nhạc hiện nay, nhất là đối với giới trẻ.


Nhạc Việt khởi sắc nhưng vẫn thiếu tài năng.

Ngay từ bậc học phổ thông, hệ thống đào tạo âm nhạc đại trà đều chưa hoàn thiện. Người ta ít dạy cho các em biết thưởng thức âm nhạc sao cho đúng cách, mà chỉ dạy cho chúng biết hát nghêu ngao vài câu và vài ba ký âm về các nốt nhạc.

Mặt khác, trên thị trường âm nhạc tràn lan những giai điệu cũ mòn và vô cảm, ca sĩ bước ra sân khấu thì chỉ tìm cách tạo sự chú ý cho mọi người bằng việc ăn mặc hở hang.

Có người lo ngại rằng với một “phong trào” ca hát như hiện nay thì khó lòng có thể xuất hiện những tài năng ca hát thực thụ.

Nhạc sĩ Dương Thụ tỏ ra rất có lý khi ông cho rằng bây giờ có quá nhiều cuộc thi ca nhạc là do có nhiều người cần quảng cáo. Các nhà sản xuất thực hiện chương trình văn hóa với mục đích kiếm tiền, với những format của nước ngoài có sẵn, không phải lao tâm khổ tứ xây dựng kịch bản. Vì kiếm tiền bằng văn hóa nên nhiều khi yếu tố văn hóa bị xem nhẹ. Ngay cả những ca sĩ nổi tiếng được huy động tham gia chương trình cũng chỉ vì giá catsê cao ngất ngưởng chứ không vì mục đích nghệ thuật.

Một khi văn hóa bị đối xử như một kẻ nô lệ cho đồng tiền thì tìm đâu ra tài năng ca hát đích thực. Đấy là điều chẳng còn phải nghi ngờ!

Theo SK&ĐS