- Chia sẻ với VietNamNet suy nghĩ, tình cảm khi nghe tin dữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, từ người lính già đến người bạn trẻ, và cả người từng ở chiến tuyến đối lập, đều ngưỡng mộ nhân cách vĩ đại của ông.

>> Những sắc lệnh tối mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Lương Thanh Sơn (Nhân Thịnh, Lý Nhân, Hà Nam), cựu chiến binh của cả hai cuộc kháng chiến: Thực sự tôi rất thương nhớ Đại tướng. Là người anh cả, Đại tướng đã giáo dục rèn luyện chúng tôi thành những sĩ quan trưởng thành, biết hóa đau khổ thành sức mạnh chống lại kẻ thù. Chúng tôi luôn tin tưởng vào Đại tướng.

Nhớ lại những ngày tháng trong quân ngũ, tôi thấy được hết sự thao lược tài giỏi của vị tướng kiệt xuất này. Năm 1972, sau trận Điện Biên Phủ trên không, Đại tướng đã trực tiếp gọi điện thoại xuống các sư đoàn bộ đội Phòng không Hà Nội để khen ngợi quân ta đánh tốt, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của nhân dân.

Đại tướng nói: ''Cả nước đang hướng về, toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi chặt chẽ cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội". Đó là niềm tự hào khôn tả của những chiến sĩ trẻ ngày ấy.

Mùa xuân 1975, hàng loạt chiến dịch mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, với lời hịch "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được toàn dân tin tưởng và hưởng ứng. Công lao của Đại tướng trong chiến thắng lịch sử ấy chính là nằm ở lòng tin mà ông có được ở toàn quân, toàn dân.

Ông Lưu Phương Bình, 58 tuổi, nguyên chiến sĩ hải quân, hiện công tác ở Hà Nội: Người dân Việt Nam thì bất cứ ai, kể cả những người từng ở phía bên kia, từng rời bỏ đất nước, mà tôi đã gặp ở Mỹ hay ở Úc, đều ca ngợi ông Giáp. Theo tôi điều này là có lý do. Một người muốn nổi tiếng thì có thể tạo nên sự kiện vĩ đại, nhưng để sống mãi, người đó còn phải có nhân cách vĩ đại. Ông Giáp có cả hai điều đó.

{keywords}

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ sống mãi với hình ảnh như thế này - một vị tướng, một nhân cách, một Con Người. Ảnh Đại tướng gặp phóng viên ảnh chiến trường báo QĐND Bùi Duy Ly, trưng bày tại triển lãm ảnh tháng 8/2013

Tôi nhớ năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng đã nhắc đến tất cả những người cán bộ đã từng là cộng sự của ông trong chiến dịch này, không quên một cái tên nào, không kể khi đó thân phận của họ là một vị tướng hay là một cán bộ rất bình thường. Đó chính là một nhân cách vĩ đại.

Thế nên, cũng như mọi người Việt Nam, khi nghe tin này, tôi có cảm giác ông cụ không chết. Quy luật của tự nhiên thì không ai chống lại được, nhưng một tên tuổi như vậy thì không bao giờ có thể chết được, sẽ sống mãi. Cả thế giới còn không quên ông, dân tộc Việt Nam sẽ mãi ghi tên ông.

Tôi lạc quan vào thế hệ sau, những người trẻ tuổi, sẽ tiếp tục giữ gìn tên tuổi ông sống mãi. Dù họ không được may mắn như thế hệ chúng tôi là được gần gũi hơn với Đại tướng, nhưng giới trẻ giờ đây ngày càng thông minh, ngày càng giỏi, với nhận thức theo kịp thời đại, họ sẽ làm được những việc mà các thế hệ trước không làm được. Tôi tin đó cũng là điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghĩ về những thế hệ sau.

Lưu Trọng Hiếu, 28 tuổi, quản lý dự án IT, người coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thần tượng quân sự lớn nhất đời mình: Khi nghe tin Đại tướng qua đời, cảm giác đầu tiên của tôi là rất tiếc nuối. Một người vĩ đại của dân tộc đã ra đi.

Trước đây tôi được xem một bộ phim tài liệu của Pháp về Đại tướng và cảm nhận rõ ràng chính những người phỏng vấn Đại tướng cũng yêu mến ông thật lòng. Giờ đây khi ông mất, thế giới cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông dù chỉ là qua những mẩu tin ngắn trên các trang báo nước ngoài mà tôi đọc được.

Đại tướng là người tôi rất ngưỡng mộ, ngưỡng mộ thực sự, từ tài năng tới nhân cách và cuộc sống. Điều tôi ngưỡng mộ nhất về Đại tướng có lẽ là những gì Đại tướng đã cống hiến cho dân tộc và đất nước. Câu nói "Tôi còn sống ngày nào, cũng là vì dân vì nước ngày đó" có lẽ là câu nói mà những người ở thế hệ trẻ như tôi thấy ý nghĩa nhất.

Đại tướng đối với tôi không chỉ là một nhà chiến lược quân sự tài năng, tôi còn coi ông là một nhà lãnh đạo. Người lãnh đạo, ngoài những quyết định sáng suốt để dẫn dắt, chắc chắn còn có một tố chất vô hình lôi cuốn những người xung quanh. Đại tướng chính là hình mẫu người lãnh đạo mà tôi muốn học hỏi trong công việc, sự nghiệp của mình.

Bác sĩ John Fisher, cưu chiến binh Mỹ, thành viên tổ chức Trái tim người lính (Soldier's Heart): Tôi đã rất buồn khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Ông chắc chắn là một trong những nhà lãnh đạo quân sự tài tình nhất thế kỷ 20 và có lẽ là của mọi thời đại.

Ở tuổi 102, ông đã sống một cuộc đời tuyệt vời, chưa từng thất bại trong một chiến dịch nào mà ông cầm quân, và đã đóng góp rất nhiều cho đất nước của mình. Ông là vị tướng của các vị tướng, và sẽ sống mãi trong tâm trí người Việt Nam và nhân dân thế giới.

Từng là một người lính Mỹ trẻ tuổi, tôi đã ở phía bên kia chiến tuyến đối với ông. Những chiến lược khôn khéo của Đại tướng đã gây ra biết bao nhiêu cuộc chiến bại nặng nề trong đời tôi, đặc biệt là Tết Mậu Thân năm 1968. Những người lính Mỹ sống sót như chúng tôi đều vô cùng kính trọng sự quyết liệt, tinh thần cống hiến của ông.

Những năm sau này, tôi rất muốn được gặp Tướng Giáp một lần, nhưng chưa bao giờ có cơ hội. Ông ấy đã giang rộng vòng tay với rất nhiều đồng hương của tôi sau chiến tranh, và tôi biết về ông bằng rất nhiều cách, trừ một cuộc gặp mặt.

Có những vị anh hùng mà cả đời tôi kính mến, quý trọng. Hai người trong số họ lại từng là "kẻ thù", Hồ Chí Minh và Tướng Giáp. Tôi đã đọc tiểu sử và những câu chuyện về họ, trong lòng tôi chỉ có duy nhất sự kính trọng cao nhất đối với sự tận tâm của họ việc giành độc lập, tự do cho đất nước, giống như ông cha chúng tôi đã làm trong thế kỷ 18.

Người dân Việt Nam sẽ nhớ thương ông rất nhiều, cả thế giới sẽ ca ngợi ông vì những điều ông đã làm được. Tôi chia buồn và kính cẩn trước ông như một người đồng chí.

Chung Hoàng - Hồng Nhì