Với dự án thoát nước Hà Nội đang triển khai, nhiều chuyên gia đô thị cho rằng đã… lỗi thời.
Cơn mưa đầu mùa đêm 24/5, rạng sáng 25/5 đã khiến nhiều tuyến phố Hà Nội bị chìm sâu trong biển nước. Để kịp giờ làm, giờ học, nhiều người đã phải thuê xe tải, xe ba bánh thậm chí là máy xúc để vượt qua vùng ngập nước.
Bơi thuyền trên phố
Là trục giao thông hướng tâm nối quận Hà Đông với trung tâm Hà Nội nhưng sáng qua, đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông) bị nước cắt thành nhiều đoạn. Riêng đoạn từ Ba La đến bến xe Yên Nghĩa chỉ có cầu vượt đường sắt nằm trên trục đường này là không bị ngập và trở thành địa điểm “gom người” tránh ngập. Các đoạn còn lại, từ lòng đường đến vỉa hè tuyến đường này bị ngập sâu trong nước từ 40 đến 60 cm.
Tại nút giao thông Trung Hòa, thời điểm 7h sáng hằng ngày, phương tiện thường ken đặc kín, nhưng sáng qua, toàn bộ các đảo cỏ và ngả đường dẫn đến nút giao thông này chìm sâu trong biển nước.
Trên tuyến đường Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng, hôm qua ngập úng sáng sớm đến tận 11 giờ; riêng đoạn trước bến xe Mỹ Đình, thời điểm 9 giờ sáng, mức nước ngập cao gần hết bánh xe máy, các dòng phương tiện đều phải kéo lên dải phân cách đường Vành đai 3 và vỉa hè để tránh nước.
Thời điểm này, một người nước ngoài đã mang thuyền bơi ra di chuyển trên mặt nước đường Phạm Hùng. Tại khu đô thị Resco, Bắc Từ Liêm, sợ muộn giờ đi làm, một số người dân đã “cưỡi” máy xúc để đi qua đoạn đường ngập.
Vào lúc 7h30’ sáng ngày 25/5/2016, sau trận mưa lớn ban đêm, khu tập thể trường Đại học Hà Nội đã ngập sâu hàng mét. Cháu Minh Vũ đã dùng chiếc thuyền phao của mình lần lượt chở các em bé từ ngoài vào lớp học của trường Mầm non Hoa Như Ý trong khu tập thể (ảnh lớn); Ngõ 165 Thái Hà sáng 25/5 (ảnh nhỏ). Ảnh: Ngô Huyền Thanh - ManhDucPhung/otofun. |
Sáng qua, khu vực Cầu Giấy có hàng chục điểm ngập úng nặng, trong đó có các tuyến phố như Nguyễn Phong Sắc, đoạn qua Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đường Trần Thái Tông giao với Tôn Thất Thuyết; phố Duy Tân; trên đường Dương Đình Nghệ… Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trên đường Nguyễn Phong Sắc, gần như cả khuôn viên trường bị ngập nước đến đầu gối.
Cạnh đó, phố Duy Tân đoạn trước tòa nhà FPT cũng bị ngập nặng, nước rút rất chậm. Anh Mẫn Đức Hiếu, một người dân lưu thông trên phố Duy Tân cho biết, xe ô tô của anh bị chết máy, gọi thợ sửa chữa cả tiếng đồng hồ nhưng không thấy xuất hiện. Chị Bùi Thị Tám (Chương Mỹ, Hà Nội), đưa bố chồng đi chạy thận, do muốn đến bệnh viện đúng giờ, chị đành phải gửi xe bên đường Phạm Hùng để lội bộ dìu bố đi trong nước.
Nhiều điểm ngập không có trong dự báo
Trao đổi với Tiền Phong, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, lượng mưa lớn dao động từ 180mm đến 277mm trong 5 giờ khiến hệ thống thoát nước nhiều khu vực quá tải, tê liệt. Với lượng mưa cao bất thường như vậy, mọi kế hoạch tiêu thoát nước đều rơi vào tình trạng quá tải.
Mặt khác, việc có một số dự án thoát nước đang trong giai đoạn hoàn thiện cũng là nguyên nhân khiến khối lượng nước tiêu thoát bị ảnh hưởng. “Sau trận mưa này, Cty Thoát nước sẽ có báo cáo gửi thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng, kiến nghị đẩy nhanh tốc độ thi công các dự án thoát nước còn dang dở, đồng thời ưu tiên đầu tư cho những khu vực ngập sâu nhằm giảm thiểu rủi ro trong mùa mưa bão…”, ông Hùng nói.
Trước đó ngày 26/4, tại cuộc họp giao ban thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về công tác thoát nước 2016. Theo đó, trên địa bàn thành phố còn 16 điểm úng ngập khi lượng mưa từ 50mm - 100mm/2h.
Trong đó có các điểm như: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, đường Lê Duẩn (trước cửa Ga Hà Nội), phố Cao Bá Quát (đoạn trước cửa Công ty Môi trường Đô thị), phố Đội Cấn (số 209 - chùa Bát Tháp), đường Trường Chinh…
Chị Bùi Thị Tám dìu bố chồng lội bộ đến bệnh viện. Ảnh: Trường Phong. |
Tuy nhiên theo khảo sát của PV Tiền Phong, các điểm ngập nặng trên địa bàn Hà Nội hôm qua như Khuất Duy Tiến, nút giao thông Trung Hòa, đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ… không nằm trong danh sách các điểm được lên danh sách trên. Lý giải việc này, ông Võ Tiến Hùng cho rằng, lượng mưa tấp cập trong một thời gian ngắn vượt quá khả năng của hệ thống hạ tầng thoát nước của thành phố.
Theo ông, hệ thống hạ tầng thành phố Hà Nội hiện nay chỉ có thể tiêu thoát tốt với các trận mưa có lưu lượng 50 đến 100mm/2 giờ. Với những trận mưa có lưu lượng từ 180mm đến 277mm thì hạ tầng thoát nước của thành phố bị quá sức.
Ông Hùng nói thêm, các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án thoát nước giai đoạn 2 đang thi công dở dang như mương Vĩnh Tuy, mương Thụy Khuê, mương Nghĩa Đô, mương Tây Sơn, mương Trắng Chẹm, mương Y Khoa, mương Phương Mai, mương/hồ Tân Mai, (mương N1, mương N2 lưu vực Ba Xã)… cũng là nguyên nhân làm việc tiêu thoát nước bị chậm.
Dự án thoát nước nghìn tỷ bị “nhấn chìm”
Được khởi công năm 1998 và có tiến độ hoàn thành năm 2013, sau khi hoàn thành, dự án thoát nước Hà Nội có công suất tiêu thoát với những trận mưa có cường độ 310 mm/2 ngày.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, thời điểm hoàn thành, dự án đã qua gần 3 năm và dự án có mức tổng đầu tư ban đầu hơn 6.000 tỷ đồng, nay đội giá lên 8.000 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa thi công xong.
Nhiều hạng mục quan trọng liên quan đến thoát nước như xây dựng, cải tạo hệ thống sông, hồ điều hòa vẫn dở dang. Riêng hạng mục cải tạo hệ thống thoát nước trên các tuyến phố trong giai đoạn 1 đã xong, nhưng nhiều tuyến phố đã được cải tạo như Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng… vẫn cứ mưa là ngập nặng.
Một số chuyên gia đô thị cho rằng, quy hoạch và thiết kế dự án thoát nước Hà Nội có nhiều điều phải bàn. Đơn cử, lượng mưa ở Hà Nội thời gian qua chủ yếu từ 100mm đến trên 200mm/2 giờ, tuy nhiên thiết kế công suất của dự án sau khi hoàn thành chỉ có thể tiêu nước với các trận mưa có cường độ 310mm/ 2 ngày, tương đương 25,8mm/2 giờ. Như vậy dự án chưa xong nhưng đã lỗi thời và không còn phù hợp với thực tế mưa hiện nay.
Hàng nghìn hécta lúa và hoa màu bị ngập úng Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Hà Nội, tính đến 9h ngày 25/5, trên địa bàn thành phố đã có 1.606 ha diện tích canh tác lúa, hoa màu của bà con nông dân khu vực ngoại thành chìm sâu trong nước. Trong đó tập trung ở các huyện như Phúc Thọ 105ha; Quốc Oai 132ha; Thanh Oai 1.200ha… |
Theo Tiền phong