LTS: Kinh tế khó khăn, cuộc sống ngộp thở với mức leo thang của giá cả trong khi đồng lương chưa được cải thiện, văn hóa - đạo đức xã hội xuống cấp... Tỷ lệ nhiều trí thức mắc chứng trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, hoang tưởng tự cao… phải vào viện tâm thần để điều trị đang tăng cao đột biến trong thời gian gần đây. Chuyên đề "Trí thức tâm thần" hé mở phần nào về bức tranh màu xám này với mong muốn cung cấp thông tin và những kỹ năng cần thiết cho độc giả xây dựng một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.
Nữ thạc sĩ nhập viện tâm thần vì ế chồng
PGĐ Sở Giáo dục phát điên vì... quá giỏi!
Không chỉ những người không kiếm được việc làm, mà cả những trí thức có vị trí
cao trong các công ty, nhưng khi đứng trước những khủng hoảng về kinh tế, áp lực
công việc, áp lực gia đình đè nặng lên vai, không ít người cũng đã phải ngậm
ngùi vào... viện tâm thần.
Chồng bỏ, con quên vì áp lực công việc
Có mặt tại bệnh viện Tâm thần Mai Hương vào một buổi sáng cuối tháng 4, cô y tá
tên Hương dẫn tôi đến trước cửa phòng điều trị tâm lý cho các bệnh nhân tâm thần
để giới thiệu về những trường hợp bệnh nhân trí thức đang được điều trị tại đây.
Ảnh minh họa. |
Lúc này là 9h sáng, căn phòng có khoảng 15 bệnh nhân đang ngồi học thiền. Quá nửa số đó là bệnh nhân có tuổi đời rất trẻ, ước chừng chỉ nằm trong độ tuổi 15 - 35.
Trong số những bệnh nhân đang ngồi trước mặt, tôi đặc biệt để ý đến một người phụ nữ chừng hơn 30 tuổi, có dáng người cao, khuôn mặt ưa nhìn và đặc biệt là đôi mắt rất thông minh.
Suốt buổi tập, trong khi các bệnh nhân khác tranh thủ buôn chuyện, thì người phụ nữ này vẫn miệt mài với từng động tác, và răm rắp tuân theo mọi sự điều hành của bác sỹ quản lý.
Đến giờ giải lao, thấy tôi là người lạ, chị chủ động ra hỏi chuyện, rồi khi đã cảm thấy tin tưởng chị mới tâm sự nhiều hơn về mình.
Chị bảo, chị tên Huyền, 35 tuổi, trước khi vào viện, chị vốn là một nhân viên marketing của một công ty kinh doanh. Là người năng động, lại nói tiếng Anh tốt và khá thành thạo về công nghệ thông tin nên công việc của Huyền gặp khá nhiều thuận lợi. Thu nhập hàng tháng của chị cũng ngót nghét 20 đến 25 triệu.
Đến năm 2010, do ảnh hưởng bởi khủng hoảng của nền kinh tế trên thế giới, công ty của Huyền làm ăn thua lỗ, doanh thu không đủ trả lương nhân viên. Thế là áp lực tăng doanh thu bằng mọi giá đè nặng lên vai nhân viên, nhất là những nhân viên marketing như Huyền.
Khi không đủ chỉ tiêu doanh thu theo quy định mới của công ty, Huyền đứng trước nguy cơ mất việc. Trong khi đó, công ty của chồng Huyền cũng đang gặp phải khó khăn khiến Huyền bị stress nặng nề suốt một thời gian dài.
Lúc này, càng cố gắng làm việc, thì đầu óc Huyền càng trở nên mụ mị, trí nhớ bị giảm sút. Và càng ngày Huyền càng nên ít nói. Có khi cả ngày, Huyền chẳng nói chẳng rằng, chỉ dán mắt vào cái tivi hoặc một khoảng không vô định nào đó. Cả đứa con mới sinh được hơn 1 tuổi cũng bị Huyền bỏ bê, không quan tâm cho dù con có kêu khóc đòi ăn... Đấy là còn chưa kể, không ít lần, Huyền có ý định tìm đến cái chết để kết liễu cuộc đời mình.
Thấy Huyền như vậy, gia đình mới đưa Huyền vào bệnh viện tâm thần Bạch Mai để khám.
Nhưng vì không quyết tâm điều trị nên chỉ một thời gian ngắn sau thì bệnh tình của Huyền lại càng trở nên nặng hơn nên Huyền được đưa trở lại bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương.
Sau 3 tháng điều trị với sự quyết tâm và chăm chỉ, Huyền bảo “mình đã khá hơn nhiều rồi, bây giờ nói chuyện cũng nhiều hơn, thích tâm sự với mọi người, và trí nhớ cũng đang dần phục hồi”.
Chính người nhà khiến bệnh nhân mắc bệnh nặng hơn
Theo bác sỹ Bế Thị Hiển, trưởng khoa Lâm sàng, bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), phần lớn các bệnh nhân nhập viện mấy năm trở lại đây, đều là dân trí thức, công chức, và những người trẻ tuổi. Đặc biệt là những người làm việc trong những ngành nghề chịu áp lực cao như công an, bác sĩ, luật sư, kinh doanh…
Nguyên nhân khiến cho nhóm đối tượng này mắc bệnh là do thường xuyên bị stress trong công việc. Cộng thêm áp lực công việc quá cao, người bệnh lại không biết điều chỉnh chế độ làm việc hợp lý, nên lâu ngày thành bệnh.
Bác sỹ Bế Thị Hiển, trưởng khoa Lâm sàng, bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương. |
Theo bác sỹ Hiển, việc điều trị cho những bệnh nhân trí thức bao giờ cũng khó hơn những bệnh nhân bình thường. Tuy nhiên, phần lớn những người bệnh này lại chỉ được người nhà đưa vào viện khi đã ở giai đoạn muộn, đã có những hành động vượt quá giới hạn bình thường, thậm chí có người còn nhiều lần tìm đến cái chết nhưng không thành...
Ngoài ra, tâm lý kỳ thị những người bị tâm thần cũng khiến cho nhiều bệnh nhân, người nhà e ngại khi xuất hiện tại những bệnh viện tâm thần để khám và điều trị khi mới chớm phát hiện bệnh.
Nhiều trường hợp, người nhà còn đưa bệnh nhân đến khám rồi nhận thuốc mang về nhà điều trị. Nhưng những người thân này lại nói với người bị bệnh đó là thuốc chữa bệnh điên, nên bệnh nhân không chịu uống thuốc.
“Do đó, để bệnh nhân có thể nhanh chóng phục hồi thì người nhà đóng một vai trò rất quan trọng. Không những thế, họ còn phải thật tinh tế để sớm phát hiện ra những dấu hiện bất thường của người thân để có những phương pháp điều trị sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra" - Một bác sĩ của bệnh viện tâm thần Mai Hương cho biết.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố năm 2011. Trung bình mỗi năm, cả thế giới có 850.000 người thiệt mạng do hội chứng trầm cảm. Dự đoán, đến năm 2020, bệnh trầm cảm sẽ đứng thứ 2 trong số các bệnh phổ biến toàn cầu, ước tính 121 triệu người mắc bệnh. |
Vũ Lụa
(còn nữa)