Không chỉ vượt qua thử ngoạn mục ở độ tuổi 40, anh Hoàng Kiên Cường còn đại diện cho phong trào rèn luyện vì sức khỏe và cống hiến mà hàng ngàn người lao động PV GAS đang nỗ lực thực hiện và hướng tới.
Sau dịch, quyết tâm làm điều mình thích
Chơi chung nhóm bơi - đạp - chạy, anh Cường cùng anh Đỗ Lam Sơn (43 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) và một số người bạn lên kế hoạch đạp xe xuyên Việt. Đến hẹn, một số người là F0 nên chỉ có hai anh cùng một thành viên đi xe bán tải, chở xe đạp từ TP.HCM xuống Cà Mau. Để đảm bảo an toàn cho chuyến đi, đoàn thuê một xe bán tải vừa để vận chuyển, vừa tiếp thức ăn, nước uống và chở hành lý. Xuất phát từ Cà Mau đến Cà Ná, một người phát hiện là F0, hành trình xuyên Việt chỉ còn lại 2 thành viên.
Anh Cường tâm sự, qua mùa dịch Covid-19, nhìn nhiều người đứng giữa lằn ranh sinh tử, anh và nhóm bạn đam mê thể thao quyết định thích gì thì nên làm đó. Với nền tảng sức khỏe sẵn có do chơi 3 môn thể thao bơi, đạp xe, chạy bộ thường xuyên, mọi người không mất quá nhiều thời gian để quyết định lên đường. Hành trình bắt đầu từ mũi Cà Mau.
“Trong một ngày, chúng tôi đạp từ 3 giờ sáng đến khoảng 12 - 13 giờ trưa là nghỉ. Thời gian còn lại, chúng tôi giải quyết công việc hoặc gặp gỡ những anh em cùng chung sở thích ở địa phương. Những ngày sau đó, vì ngược gió, chúng tôi đạp chừng 160 - 180 km rồi nghỉ ngơi. Ở Quy Nhơn hai anh em ở lại 3 ngày để bơi, đạp, chạy cùng các bạn ở địa phương”, anh Sơn kể.
Anh Cường bộc bạch, từ trước Tết anh đã xin lãnh đạo PV GAS sau Tết được nghỉ dài ngày để đạp xe xuyên Việt. “Sếp” đồng ý, gia đình người ủng hộ, người khuyên can, nhưng anh vẫn quyết tâm làm điều mình mong muốn. “Từ Cà Mau đến Quy Nhơn ngược gió, nắng rát, có những hôm tới điểm dừng chân nhìn chiếc xe đạp dưới nắng mà rùng cả mình. Vậy nhưng hôm sau vẫn dậy từ 3 giờ, ăn gói mì rồi tiếp tục”, anh Cường nhớ lại.
Trải nghiệm quý của cuộc đời
Đúng 20 ngày ngược từ km số 3260 Cà Mau - cực Nam của Tổ quốc ra tới cột mốc 0km ở Tràng Vĩ (Quảng Ninh), sau đó về lại TP.HCM, tổng chi phí cho cả chuyến đi khoảng 150 triệu đồng. Đôi bạn thân nhận xét đây là một mức chi phí vừa phải vì hai anh ưu tiên sự an toàn, đảm bảo sức khỏe cho cả hành trình.
Anh Cường cho biết đã nhiều lần đi từ Nam ra Bắc bằng ô tô nhưng đây là lần đầu anh đi bằng xe đạp, tận mắt nhìn cảnh vật bên đường thay đổi ra sao, tính cách người dân từng địa phương thế nào… Anh vẫn nhớ cảm giác ngồi uống cà phê ở Tràng An, do không có hàng quán nên hai anh kê bàn, trải ghế ngồi vừa uống cà phê vừa ngắm cảnh. Anh chia sẻ: “Đi tới đâu tôi đăng ảnh lên Facebook tới đó. Bạn bè bình luận bảo đi nhanh về nhanh đi chứ, vào like ảnh hoài mệt quá, rồi cười. Mọi người ai cũng động viên chúng tôi cố gắng hoàn thành chặng đường”.
Khó khăn nhất trong hành trình có lẽ là chặng ngày cuối ở Quảng Ninh. Trời mưa tầm tã, nhiệt độ thấp, cả hai khoác áo mưa mỏng co ro đạp trong mưa. “Quan trọng nhất khi đạp xuyên Việt chính là thể lực và ý chí của mình. Tôi khuyên những ai đang đạp xe hàng ngày mà thích đi xuyên Việt thì cứ đạp ngay đi, tùy sức ngày đạp vài chục cây rồi cũng tới. Giờ về giải quyết công việc bù ngày nghỉ, dù bận hơn nhưng vẫn rất vui”, anh Cường kể.
Với anh Sơn, chuyến đạp xe xuyên Việt là những trải nghiệm tuyệt vời của cuộc đời. Nhiều chặng có những người bạn cùng đam mê đạp chung một đoạn động viên, mời ăn uống, cà phê. Suốt 2.400 km, cả hai xe phải thay ruột đôi ba lần vì bể bánh, nhưng điều thú vị nhất là có bạn đồng hành nên cả hai như được tiếp thêm động lực.
“Anh em tôi nghĩ rằng hoàn thành cung đường xuyên Việt sẽ xúc động lắm, nhưng tới khi xong thì chỉ thấy lạnh vì hôm đó mưa nguyên ngày. Đây sẽ không phải là thử thách cuối cùng. Chúng tôi đã quyết vậy và tiếp tục với những kế hoạch rèn luyện thể lực trong thời gian tới”, đó là điều đôi bạn chia sẻ về những ngày mai cùng nhau.
Doãn Phong