Dù đang làm quản lí tại một trung tâm dạy nghề về Nha khoa ở Hà Nội nhưng chị Linh vẫn tìm cách kinh doanh thêm để trang trải cuộc sống. Từ ý tưởng đơn giản ban đầu là bán bánh mì cay – một đặc sản của quê hương, đến nay, chị đã có một sự nghiệp kinh doanh dù nhỏ thôi, nhưng tạm thời ổn định.

Chị Đỗ Phi Linh (Phương Mai – Hà Nội) từng trăn trở, suy nghĩ rất nhiều để có thêm thu nhập trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Con chị còn bé, mức thu nhập của một nhân viên văn phòng liệu có thể đảm bảo cho cháu một tương lai vững chắc? Đó là câu hỏi khiến chị phải “đau đầu”. Bản tính năng động, sáng tạo, chị quyết phải “làm gì đó”.

Đầu năm 2012, chị nhập được mối hàng quần áo Quảng Châu và mở shop online. Công việc không dễ dàng, tốn nhiều thời gian và thị trường tương đối bão hòa, xác định khó trụ lại nên chị đổi hướng kinh doanh. Thế rồi, xuất phát từ những lần mang “đặc sản” quê nhà lên cho bạn bè, đồng nghiệp, chỉ này ra ý định kinh doanh mới.

Chị chia sẻ: “Tôi để ý, mỗi lần về quê, bạn bè đồng nghiệp lại nhờ gửi mua giúp một số đặc sản ngon từ Hải Phòng lên, trong đó có bánh mì que. Ý tưởng kinh doanh đặc sản quê hương của tôi xuất phát từ đó”.

Nghỉ bán quần áo không bao lâu, chị mở cửa hàng bán đồ ăn sẵn online, mặt hàng chủ yếu là các đặc sản từ Hải Phòng, trong đó sản phẩm chủ đạo là bánh mì cay Hải Phòng.

Với loại hình kinh doanh này, chị không tốn quá nhiều vốn, rủi ro không cao. Chị nhập bánh mì, cá thu, mực mai từ quê mỗi ngày và tự chế biến pate, chả mực, chả cá mang đậm hương vị Hải Phòng. Ngoài ra, mùa hè này chị có thêm món đá me – đặc sản của đất Sài thành để phục vụ bạn bè gần xa. Căn bếp nhà chị bây giờ gần như một “xưởng” sản xuất mi-ni.

{keywords}

Chị Phi Linh hạnh phúc bên con trai

Một nhân viên văn phòng không có nhiều thời gian rảnh trong giờ hành chính nên chị phải tranh thủ buổi trưa và tối thậm chí là ban đêm để quảng bá món ngon của chị đến với bạn bè trên mạng qua facebook, các website bán hàng online. Chỉ sau mấy tháng, công việc kinh doanh của chị đã có những tín hiệu tốt lành. Ban đầu, cửa hàng chị chỉ phục vụ khách hàng ở Hà Nội thì bây giờ món ăn của chị đã được đi xa hơn: Từ các tỉnh miền núi Sơn La, Lạng Sơn đến các tỉnh miền biển như Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình thậm chí sau khi chế biến, món ăn của chị lại được ngược về Hải Phòng. Tiếng lành đồn xa, món ăn của chị đã được chu du đến miền Trung và miền Nam.

“Khách hàng đông hơn, hàng bán chạy hơn. vất vả hơn nhưng mình cũng tạm hài lòng vì đã có khách quen, có thị trường tốt và tương lai có thể mở rộng được thị trường hơn nữa. Cuộc sống của hai mẹ con cũng đỡ vất vả hơn” – chị Linh tâm sự.

Nhịp sống hằng ngày thêm bận rộn, bớt đơn điệu, đồng thời kinh tế gia đình cũng tạm ổn định. Những chiếc bánh mì quê, những món ngon quê chị đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống của chị, đôi khi, nó còn là một cách để chị và con gần gũi, chia sẻ với nhau.

“Cháu mới học lớp 1 nhưng đã biết giúp mẹ, nhiều khi thấy mẹ vào bếp là sán lại làm cùng. Khách điện thoại đến, không có người lớn ở đấy là biết nghe điện thoại, trả lời với khách chững chạc đến mức tôi ngạc nhiên!” – chị vui vẻ cho biết.

Chia sẻ về bí quyết kinh doanh của mình, chị nói: “Nếu bạn có được một ý tưởng hãy mạnh dạn thực hiện nó. Nếu xác định theo đuổi một công việc kinh doanh riêng để làm thêm thì trước hết bạn phải đảm bảo làm tốt công việc chính của mình, sắp xếp thời gian thật hợp lí để cân đối cuộc sống gia đình – công việc. Kinh doanh không dễ, nhưng đừng vội nản. Và nếu đã bắt tay vào việc thì làm ăn chân chính, đảm bảo chất lượng và uy tín với khách hàng là bí quyết quan trọng nhất để từng bước phát triển thị trường”.

Hỏi chị, là nhân viên văn phòng mà lại… đi bán hàng, chị có e ngại gì không, chị Linh chỉ cười xòa: Không những không ngại, mà còn tự hào nữa! Tự hào vì mình được tự làm điều mình thích, tìm thấy đam mê của mình và được kiếm tiền một cách chân chính bằng đam mê ấy.

“Nhiều lúc cũng mệt, cũng lo lắng, nhưng cái khó ló cái khôn… Cứ làm hết sức mình, cuộc đời sẽ mỉm cười với mình” – chị Linh tâm sự.

Dịu Anh

DIỄN ĐÀN: SỐNG SÓT TRONG KHỦNG HOẢNG: