Khi Frederic Leighton trưng bày bức Tháng sáu cháy bỏng vào năm 1895 tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh ở London, các nhà phê bình đánh giá đây là một trong những tác phẩm xuất sắc của ông.
Tuy nhiên, trong suốt thế kỷ 20, bức tranh có phần lu mờ khi các phong cách nghệ thuật khác thống trị. Giờ đây, gần 130 năm sau, bức tranh đã lấy lại địa vị xưa, nhận được nhiều lời ca ngợi của các chuyên gia nghệ thuật trên Washington Post, Wall Street Journal và NBC.
Ẩn ý từ nhành hoa trúc đào
Cô gái trong bức tranh đang ngủ trưa trên sân thượng trong một ngày hè nóng nực. Ý tưởng lấy cảm hứng từ bức tượng Đêm của Michelangelo. Nhân vật gần như chiếm trọn cả bức tranh cao 1,2m với khung vàng hoành tráng. Khung hiện tại là bản tái tạo của bản gốc đã bị thất lạc.
Leighton khẳng định dáng vẻ của nhân vật lấy cảm hứng từ một người mẫu mệt mỏi trong studio của ông. Nhưng đó không phải là tư thế có thể giữ được lâu. Cô gái nằm cuộn xoắn ốc rõ ràng là chủ ý tạo nên bố cục hình tròn bên trong hình chữ nhật của bức tranh.
Đặc điểm bắt mắt và đáng nhớ nhất của tác phẩm là chiếc váy rực rỡ của người mẫu. Trang phục và mái tóc của cô hòa quyện thành làn sóng xoáy màu cam - nâu đất ấm nóng lan tỏa ra khung hình. Khuôn mặt cô ửng đỏ, má hằn rõ vết nắng nóng mà chắc hẳn do tiếp xúc trước đó. Cơ thể của cô lấp gần kín bức tranh, bất động và tĩnh lặng, kiệt sức vì oi bức.
Phía trên bức tranh, người xem có thể nhìn một thoáng không gian bên ngoài mà chắc hẳn cô gái đã ngắm nhìn. Mặt biển lấp loáng như dát vàng do ánh nắng phản chiếu.
Nhưng liệu khung cảnh trên có thực sự tràn ngập sự bình yên, thư giãn? Theo Daily Art, một chi tiết nhỏ ở góc trên bên phải bức tranh khiến các chuyên gia thấy bất an cho cô gái. Đó là một nhành trúc đào có độc, ám chỉ mối liên hệ giữa giấc ngủ mê mệt và cái chết.
Trúc đào được trồng làm cảnh nhiều do hoa đẹp sặc sỡ, nở rộ cùng lúc, dễ trồng. Tuy nhiên, toàn cây đều có nhựa màu trắng sữa rất độc, gây ra các phản ứng có hại cho sức khỏe. Pháp đã ghi nhận trường hợp ngộ độc vì ăn chả nướng xiên bằng cành trúc đào và uống nước đựng trong chai nút bằng gỗ trúc đào. Hoa tuy ít độc hơn nhưng nếu rơi vào nước vẫn khiến nước nhiễm độc.
Đây là một trong số những tác phẩm mà Leighton đã gửi cho cuộc triển lãm của Học viện Hoàng gia. Trước đó, ông tổ chức một buổi xem tranh nhỏ trong xưởng vẽ cá nhân.
Lấy lại vinh quang sau thăng trầm
Leighton là một trong những họa sĩ người Anh nổi tiếng nhất trong thời đại của mình. Ông sinh ra ở Scarborough, Vương quốc Anh vào năm 1830, nhưng từ năm 1840, sống cùng gia đình ở lục địa châu Âu. Nền giáo dục nghệ thuật của Leighton mang đậm chất châu Âu. Ông học ở Berlin, Frankfurt (Đức), Florence (Italy) và sống vài năm ở Paris (Pháp). Đến năm 1860, ông trở về sống ở London (Anh).
Phong cách của ông rất phù hợp với thị hiếu của giới thượng lưu văn hóa Anh lúc bấy giờ. Năm 1878, ông trở thành Chủ tịch Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh và nắm giữ cương vị này suốt 18 năm.
Cái chết của Leighton vào năm 1896 báo trước sự kết thúc của một kỷ nguyên. Khi Chủ nghĩa Ấn tượng, Chủ nghĩa Hậu Ấn tượng và Chủ nghĩa Trừu tượng trở nên nổi tiếng ở châu Âu và Mỹ, tầm nhìn nghệ thuật của Leighton bị nhiều học giả và nhà phê bình coi là lỗi thời và đa cảm. Tháng sáu cháy bỏng bị chê hời hợt và nhạt nhẽo. Bức tranh rơi vào lãng quên.
Không ai biết sáng tác của Leighton ở đâu từ năm 1930-1960. Tranh được tìm thấy trên ống khói của một ngôi nhà ở Battersea. Luis A. Ferré mua lại tác phẩm vào năm 1963 với giá 5.600 USD. Trong khi đó, bức Những người đi tắm của Cézanne được bán cùng năm với giá 105.000 USD.
Ferré, người thành lập Bảo tàng Nghệ thuật Ponce (Puerto Rico) tìm kiếm những viên ngọc ẩn mình để củng cố bộ sưu tập của mình. Ông đã nhanh chóng mua lại Tháng sáu cháy bỏng và dự liệu rằng bức tranh sẽ đứng vững trước thử thách của thời gian. Tiên đoán đó của Ferré đã đúng.
Khi thị hiếu trở nên cởi mở, phong cách hội họa truyền thống đã lấy lại được vị thế. Hình ảnh về vẻ đẹp sang trọng và lý tưởng hóa có ở khắp mọi nơi. Với sự thay đổi này, Tháng sáu cháy bỏng một lần nữa lên ngôi: Là tác phẩm được yêu thích, đại sứ hình ảnh của Bảo tàng Ponce, được ngưỡng mộ trên toàn cầu và liên tục được mượn để triển lãm trên thế giới.