Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng hơn khi 14 nhà hoạt động Trung Quốc đến từ Hong Kong đã bị bắt giữ.

>> Nhật báo động vì tàu TQ ra quần đảo tranh chấp
>> Trung Quốc 'dọa' dùng vũ lực với Nhật Bản

Ảnh do lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật cung cấp về một tàu cá Hong Kong ở vùng nước phía tây quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 15/8. Ảnh: AP

Theo cảnh sát Okinawa, vào lúc 5h31 chiều 15/8, 7 nhà hoạt động đã tới hòn đảo nhỏ Uotsuri nằm trong quần đảo tranh chấp Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông và đụng độ 30 thành viên của lực lượng phòng vệ bờ biển, cảnh sát và nhân viên cơ quan nhập cư Nhật Bản. 2 trong số 7 người trở về tàu trong khi 5 người khác bị các nhân viên nhập cư thẩm vấn và bắt giữ vì tình nghi xâm nhập trái phép. 

Ít giờ sau đó, thêm 9 nhà hoạt động có mặt trên tàu, gồm các thành viên cơ quan truyền thông Hong Kong cũng bị bắt giữ với lý do tương tự, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật cho biết.

Các nhà hoạt động người Trung Quốc sẽ được đưa tới đảo Okinawa để thẩm vấn kỹ hơn. Sau đó, cảnh sát Nhật sẽ quyết định giao họ cho các công tố viên hay cơ quan nhập cư để trục xuất.

Theo Tân hoa xã, hiện chính phủ Trung Quốc đang “sắp xếp” cách thức phản đối Nhật Bản. Các nhà hoạt động từ Hong Kong, Macau và Thâm Quyến đã tới Senkaku/Điếu Ngư trên một tàu cá nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo nằm dưới sự kiểm soát của Nhật.

Vụ việc xảy ra giữa lúc chính quyền thành phố Tokyo lên kế hoạch mua lại một số đảo trong nhóm đảo tranh chấp bao gồm cả đảo nhỏ Uotsuri từ một doanh nhân Nhật. Kế hoạch này do Thị trưởng Shintaro Ishihara khởi xướng.

Với thông tin về hành động của các nhà hoạt động Trung Quốc, một quan chức Tokyo bày tỏ tin tưởng rằng, quá trình mua đảo sẽ được xúc tiến theo đúng lịch trình. "Càng có nhiều hoạt động của các nhà hoạt động nước ngoài, thì người dân càng nhanh chóng ủng hộ để chúng tôi hoàn thành việc mua đảo”, vị này nhấn mạnh. "Đây cũng là phép thử với chính quyền trung ương về việc họ có thực sự quan tâm tới chuyện bảo vệ lãnh thổ của Nhật hay không”. 

Trước đó, theo thông tin của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), chuyến đi của các nhà hoạt động Trung Quốc này nhằm đáp trả việc 50 nghị sĩ Nhật Bản dự kiến tới Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 19/8. CCTV còn dẫn các thông tin từ Tokyo nhấn mạnh rằng, Nhật Bản đã đặt lực lượng phòng vệ bờ biển trong tình trạng báo động cao và tăng cường các chuyến tuần tra ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đài này nói rằng, các quan chức Nhật đã rất ngạc nhiên khi một nhóm nhà hoạt động Trung Quốc được phép rời Hong Kong, khác hẳn với trước đây khi họ bị ngăn cản làm vậy. 

Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố có chủ quyền. Thủ tướng Yoshihiko Noda cuối tháng trước khẳng định, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật sẽ không cho phép bất kỳ tàu nước ngoài nào tới vùng biển ở quần đảo không có người ở và được tin là rất giàu tài nguyên khoáng sản này. 

Thái An (theo Japantimes)