Đến chiều 23/3, người dân sống trong hẻm 84 Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình, TPHCM, vẫn chưa hết bàn tán vụ vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (35 tuổi, quê Quảng Ngãi) mua ve chai “trúng” 5 triệu yên Nhật (tương đương hơn 1 tỉ đồng Việt Nam).
Tiền yên Nhật tưởng tiền giả
Tiếp chúng tôi trong căn nhà thuê chật chội nằm sâu trong hẻm 84 đường Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình, chị Hồng vẻ mặt chưa hết hoảng sợ kể lại câu chuyện.
Hai vợ chồng anh Vương chị Hồng kể lại câu chuyện với PV |
Cuối năm 2013, trong lúc đi mua ve chai trên đường Trần Văn Quang, chị được một người đàn ông trung niên bán cho 1 chiếc thùng loa đã cũ với giá 100 ngàn đồng. Do thời điểm đó giá sắt đang rẻ nên chị để dành khi nào sắt lên giá sẽ đập ra bán kiếm lời.
Khoảng 15h ngày 21/3, chị Hồng cùng chồng là anh Trịnh Minh Vương (35 tuổi) đem chiếc loa ra đầu hẻm đập để lấy sắt.
Khi đập chiếc loa ra thì thấy bên trong có 1 chiếc hộp bằng gỗ ép. Mở hộp gỗ ra, lập tức nhiều tờ tiền bay tung tóe ra ngoài đường. “Khi đó tôi cứ nghĩ là tiền giả, chứ đâu biết là tiền Nhật”, chị Hồng nhớ lại.
Con hẻm 84 Trần Văn Quang nơi anh chị Hồng đập chiếc loa có chứa hơn 5 triệu yên Nhật |
Lúc tiền bay tung tóe thì mọi người xung quanh tập trung lại lượm. Trong số những người nhặt tiền của chị Hồng thì có một người đàn ông nhận ra đây là tiền Nhật có giá trị lớn. Khi thông tin chị Hồng trúng gói tiền Nhật trị giá cả tỉ đồng lan truyền thì nhiều người kéo đến nhà trọ vợ chồng anh chị Hồng đang ở để xin tiền.
Do lo sợ bị người dân kéo đến xin tiền và làm phiền nên 2 vợ chồng anh Vương chị Hồng đã đem nộp toàn bộ số tiền trên cho công an phường. Hiện tại số tiền được phát hiện là hơn 520 tờ mệnh giá 10.000 yen Nhật (tương đương hơn 1 tỉ đồng Việt Nam) đã được công an niêm phong.
Sáng 23/3, rất đông người dân tập trung tại nhà chị Hồng |
Mong trả lại số tiền cho chủ cũ
Nói về số tiền rất lớn tình cờ phát hiện, chị Hồng tâm sự: “15 năm trong nghề mua bán ve chai tôi mới gặp trường hợp này. Nếu mọi người không kéo tới thì tôi cũng đem ra công an giao nộp. Cái gì không phải của mình thì nên trả nó về chủ thật sự của nó”.
“Sau khi giao nộp hết số tiền cho công an, tôi thấy người nhẹ nhõm. Tôi chỉ mong đủ sức khỏe để làm ăn nuôi hai con ăn học khôn lớn để sau này bọn nó không khổ như tôi là được rồi”, chị Hồng tâm sự.
Căn nhà nơi vợ chồng anh Vương chị Hồng cùng nhiều người đi mua ve chai trú ngụ |
Được biết sáng 23/3, Công an phường 10, quận Tân Bình tiếp tục mời chị Hồng cùng một số người liên quan tới trụ sở để lấy lời khai.
Theo quy định tại khoản 2, điều 241 Bộ Luật Dân sự, sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
(Theo Dân trí)