- Ngẫm lại, những người làm từ thiện cũng có dăm bảy đường, có loại hành thiện để đánh bóng tên tuổi có người toàn tâm toàn ý, sẵn sàng hy sinh tiền bạc, thời gian, thậm chí phần nào cả bản thân vì những hoàn cảnh khốn khó.

Hành thiện, làm những việc từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đang trở thành một phong trào rộng rãi, thu hút hàng nghìn tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước. Để phần nào giúp bạn đọc hiểu thêm về những việc làm ấy, xin trích đăng những dòng nhật ký của một người đã có nhiều chuyến đi thực tế làm từ thiện.

Ngày…

Sáng nay, xong việc nấu cơm từ thiện, có chút thời giờ rảnh rỗi, được ngồi thỉnh giáo sư thầy. Thầy bảo, người đi tu có hai hạng. Hạng thứ nhất là tu để phục vụ chúng sinh. Hạng thứ hai là tu để chúng sinh phục vụ.

Ngẫm lại, càng thêm niềm tin vào Phật pháp. Đâu đó vẫn xảy ra những chuyện không mấy thiện lành nơi cửa Phật, nhưng đó chỉ là thiểu số, không mang tính chất đại diện cho nhà Phật. Con đường bất biến của Phật pháp vẫn là cứu độ chúng sinh, thoát khổ, được vui. Trên con đường ấy, có vài vũng lội, vài ổ gà… âu cũng là chuyện bình thường.

{keywords}
Ảnh: Huy Quân

Ngày…

Ngẫm lại, những người làm từ thiện cũng có dăm bảy đường. Loại thứ nhất, là những người làm từ thiện với mục tiêu chủ yếu để đánh bóng tên tuổi của mình. Hoặc thậm chí, là một hình thức PR cho thương hiệu doanh nghiệp. Những người ấy, tuy không hẳn vì người khác, nhưng hành động của họ cũng phần nào đáng trân trọng. Bởi lẽ, theo Phật dạy, khởi tâm động niệm nghĩ đến việc hành thiện cũng đã là đáng quý. Hơn nữa, dù sao thì những người ấy cũng đem lại được cho những hoàn cảnh khó khăn ít nhiều những giúp đỡ cụ thể.

Loại thứ hai là những người “tiện thì hành thiện”. Đó là những người có tâm, nhưng họ không chủ động làm từ thiện. Chỉ khi gặp những hoàn cảnh thương tâm, họ động lòng, mới ra quyết định giúp đỡ.

Loại thứ ba là những người hành thiện tích cực hơn. Những người này chủ động trong việc làm từ thiện. Họ sẵn sàng tìm đến những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu gặp khó khăn, có thể họ sẽ chùn bước.

{keywords}
Ảnh: Huy Quân

Loại thứ tư là những người rất tích cực hành thiện. Họ sẵn sàng đi tới vùng sâu, vùng xa, vượt khó, vượt khổ để giúp đỡ đồng bào đang chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi. Tuy nhiên, những người này vẫn có “nhược điểm” nho nhỏ. Đó là, việc hành thiện của họ thường là sự kết hợp với những cuộc offline, tức là kết hợp giữa hành thiện và tụ tập đi chơi.

Loại cuối cùng là những người hành thiện toàn tâm toàn ý, sẵn sàng hy sinh tiền bạc, thời gian, thậm chí phần nào cả bản thân vì những hoàn cảnh khốn khó.

Ngày…

Sáng nay, quyết định vào một viện nhi. Chẳng là hôm trước lượn vào một trang web xã hội, đọc được một tin: Hai vợ chồng quê Nghệ An, vợ làm ruộng, chồng bị tai nạn giao thông đã liệt nửa người, cậu con trai thứ 2 mới 5 tháng tuổi phải mổ tim những 2 lần.

11giờ trưa vào đến bệnh viện. Giời ạ, sao mà nhiều người khổ thế! Em bé của vợ chồng người Nghệ An đã mổ xong, đang chờ hồi sức. Thằng bé như một túm giẻ, nằm oằn oẹo trên tay mẹ. Người bố thì cố đứng dậy nhường ghế cho khách, nhưng tay vẫn phải vịn vào cọc giường để giữ thăng bằng.

Hỏi chuyện, anh bố kể, bé Tri bị tổng cộng 4 khiếm khuyết ở tim, phải mổ 2 lần. Cả nhà đã ở viện hơn 2 tháng. Không có tiền thuê nhà trọ, anh bố liệt nửa người phải vạ vật ở hành lang bệnh viện. Mỗi khi bị bảo vệ đuổi, lại lết đi trốn.

Bố bé Tri trước kia làm cho công ty sản xuất nệm Kim Đan trong Sài Gòn, bị tai nạn giao thông, nằm Chợ Rẫy 2 tháng, rồi về quê.

Ở phòng bệnh đó còn có 2 mẹ con người Thanh Hoá. Cậu con cũng mổ tim. 6 tuổi mà gầy không thể tưởng tượng. Người ở cùng phòng mệnh danh cho cậu ta là “chân như tay, tay như tăm”. Trước khi mổ, bé được hơn 11kg. Giờ, chỉ còn 10kg, người lay lắt như ngọn đèn trước gió. Ai đi đến gần là cậu bé phải nép mình lại, tránh xa. Vì có lẽ, chỉ một tác động nhỏ cũng có thể gây thương tích.

{keywords}
Ảnh: Huy Quân

Thăm hỏi, tặng quà tổng cộng được 3 trường hợp. Thấy lòng có chút thanh thản. Nhưng lại chợt nghe phải một tin khiến người nóng sôi lên: Ở khoa bé Tri điều trị, có 2 bác sĩ mang hình ảnh trái ngược nhau. Người thứ nhất tên T, sinh năm 1979. Anh là một bác sĩ cực giỏi, có khả năng mổ một số ca mà không bác sĩ nào ở đó mổ được. Đã thế, T lại không bao giờ nhận tiền bồi dưỡng của bệnh nhân. Thậm chí, có trường hợp, thấy bệnh nhân nghèo quá, anh còn kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ. Người thứ hai tên V, một bác sĩ mổ tim có tay nghề cũng khá. Tuy nhiên, tâm tính thì… không tưởng tượng được. Để được bác sĩ này xếp lịch mổ, mỗi bệnh nhân phải chi ra 16 triệu đồng để bồi dưỡng. Có trường hợp khó khăn quá, mới được “hạ giá” xuống 10 triệu đồng. Còn nếu không có tiền thì… cứ đợi đấy, lịch mổ sẽ bị lùi lên lùi xuống...

Ngày…

Cô Trâm, sinh năm 1978, là một giáo viên đường phố, chuyên dạy bọn trẻ lang thang cơ nhỡ ở Sài Gòn. Cô bị ung thư dạ dày, lại cả u não, đang nằm Viện Y dược TP.HCM.

Tối về, gọi cho Thắng, em trai cô Trâm, xin Thắng số tài khoản. Hôm sau, chuyển chút tiền ủng hộ cô giáo Trâm.

Sáng nay, chợt nhận một tin khiến lòng nửa buồn, nửa bâng quơ. Cô giáo Trâm, cô giáo của trẻ em đường phố đã ra đi ngay trên giường bệnh vì vết mổ u não bị nhiễm trùng. Hơi buồn vì đã không trực tiếp giúp được cô Trâm. Nhưng nghĩ lại, thôi coi đó thay cho nén nhang thắp cho một người tử tế nhưng bạc mệnh. Hơn nữa, khoản đó cũng có thể dùng để góp phần nho nhỏ thanh toán số viện phí lên tới hơn 100 triệu đồng mà gia đình không lấy gì làm khá giả của cô Trâm phải gánh.

Thêm chút bâng khuâng! Một người tốt, làm được nhiều việc tốt, giúp cho nhiều trẻ em lang thang khỏi cảnh thất vọng, vậy mà đoản mệnh. Trong khi ấy, còn biết bao kẻ đáng chết mà vẫn sống phởn phơ. Nhưng nghĩ lại, để tự an ủi mình, cô Trâm mất sớm, mà người tốt như cô, chắc chắn sớm được siêu thoát về miền cực lạc. Đó mới là cái phúc bền lâu của một số kiếp...

Cầu cho cô Trâm sớm được siêu thoát!

Độc giả ngocanhnguyen@...