Thiện Nhân những ngày mới về với gia đình "mẹ Còi".
Năm 2006, cả nước chấn động với câu chuyện cậu bé sơ sinh bị bỏ rơi trong rừng, bị thú dữ ăn mất một chân và bộ phận sinh dục ở Quảng Nam. Với tình yêu thương vô bờ bến của "mẹ Còi" Trần Mai Anh, đứa trẻ sơ sinh ngày nào trở thành cậu bé Thiện Nhân và được sống trong tình yêu thương của gia đình.
Hành trình yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân là cuốn sách do chị Mai Anh viết. Sách kể lại hành trình đằng đẵng suốt mấy năm trời, hai mẹ con đã đi nửa vòng trái đất để mong tìm lại “con chim xinh xinh” cho Thiện Nhân và từ đó có thể mở ra hy vọng cho nhiều em bé kém may mắn khác.
Với sự đồng ý của NXB Kim Đồng, xin gửi tới độc giả một số trích đoạn trong cuốn sách.
Bạn hỏi tôi kể về những câu chuyện trong hành trình mong mỏi được làm một người bình thường của cậu bé Thiện Nhân này?
Đó là một câu hỏi khiến tôi lúng túng, lúng túng giống như một đứa trẻ với quá nhiều kẹo trên tay, đến nỗi loay hoay chỉ sợ rơi mất.
Trong hành trình chữa bệnh này, để đến được với nước Mỹ quả thật là một câu chuyện dài, nhiều nỗi đau, và càng nhiều hơn nữa là biết bao tình yêu thương.
Hành trình khởi đầu bằng một đứa trẻ bị bỏ lại trên hai cái lá đu đủ và bị che kín bằng một cái mẹt rách, ở một nơi chẳng mấy người qua kẻ lại. Kiến, côn trùng bu kín vết thương bị cắn xé nham nhở. Và máu khô lại trên cơ thể đã tím đen.
Tôi nhớ lắm cái cảm giác đau đớn và tuyệt vọng của một đứa trẻ khi con cá vàng mình nuôi bị chết. Con cá vàng óng ánh trong mắt của một đứa trẻ, là tôi, ngày bé lộng lẫy đến tuyệt vời. Một ngày, khi tôi đi học về, con cá nằm chết bên cạnh cái bể nước. Cả đàn kiến bu lấy nó. Tôi đã gây ra cái chết này, vì ngu dốt đổ quá nhiều nước nên con cá quẫy mạnh rồi bị rơi ra ngoài bể.
Các ông bố sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác này vì họ không có cơ hội được biết cái cử động đầu tiên của một em bé trong bụng mẹ. Đó là một cái quẫy rất nhẹ, giống như một con cá bé tí xíu quẫy nước. Đó là cảm nhận đầu tiên của người mẹ về một sự sống nhỏ bé bắt đầu lớn lên trong cơ thể mình. Đó là sợi dây đầu tiên kết nối giữa Con và Mẹ. Đó là cử động nhỏ đến mong manh, nhưng lại quyết định niềm tự hào, hạnh phúc hay sự đau khổ của người làm mẹ.
Khi người ta lần đầu tiên nhìn thấy Thiện Nhân, thằng bé không có chút biểu hiện nào của sự sống. Tím đen, bị mất chân phải, mất bộ phận sinh dục, và bị kiến bu đầy.
Không cha, không mẹ, không tên, một “đứa bé vô danh”, một “thằng cụt”.
Nỗi đau đớn đến tột cùng, ranh giới của cái chết và sự sinh tồn khiến không biết bao bà mẹ, bao ông bố đã khóc thương, đã căm giận.
Tôi rất sợ kiến, tôi khóc thương con cá vàng của tôi, tôi chợt thấy tôi đang bỏ quên một đứa con của mình.
Tôi phải đón Thiện Nhân về, để yêu, để bù đắp…
Ngày 2 tháng 9 năm 2008
Theo Zing