Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động hàng hải của họ ở Biển Đông và Thái Bình Dương, báo cáo quốc phòng hàng năm của Nhật vừa đưa ra cho biết.

Động thái này là diễn biến mới nhất thể hiện sự lo ngại của an ninh khu vực về việc Trung Quốc tăng cường phát triển quân sự.

Trung Quốc và Nhật Bản có những tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông. Ảnh: Getty Images

Sách trắng hàng năm của Tokyo được công bố một tuần sau khi Bắc Kinh chính thức thông báo về chương trình tàu sân bay, còn bày tỏ quan ngại về các cuộc tấn công mạng, đồng thời khẳng định, những dự án hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia Nhật Bản. “Với việc hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc những năm gần đây, thì phạm vi ảnh hưởng của nó đã lớn mạnh vượt ra ngoài các vùng biển lân cận”, báo cáo nói.

"Dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực mở rộng lĩnh vực hoạt động và tiến hành những hoạt động hải quân một cách thường xuyên ở các vùng biển xung quanh Nhật Bản bao gồm biển Hoa Đông và Thái Bình Dương cũng như Biển Đông”, sách trắng cảnh báo.

Trung Quốc đã và đang phô trương sức mạnh ở Biển Đông – vùng biển diễn ra sự tranh chấp chủ quyền giữa nước này và một số quốc gia Đông Nam Á nhiều năm nay.

Nhật Bản – nước cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc về các đảo ở Hoa Đông – đang lên kế hoạch tăng cường số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc. Các chuyên gia cho rằng, đây là động thái chủ yếu nhằm phản ứng với tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc. Sách trắng của Nhật bày tỏ quan ngại về sự gia tăng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc cũng như việc thiếu minh bạch trong chi tiêu, trang bị quốc phòng.

Theo báo cáo quốc phòng trên, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gần 70% trong 5 năm qua, trong khi Nhật Bản với gánh nặng nợ nần, đã giảm 7% cùng giai đoạn.

Trung Quốc luôn khẳng định rằng, nỗ lực hiện đại hóa quân sự của họ chỉ nhằm mục tiêu phòng thủ, và mức chi tiêu quân sự luôn thấp hơn Mỹ.

Báo cáo quốc phòng còn kêu gọi thận trọng chống lại các vụ tấn công mạng sau những vụ việc xảy ra gần đây nhằm mục tiêu vào Qũy Tiền tệ Quốc tế, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ và các nhà thầu quốc phòng như Lockheed Martin .

"Những cuộc tấn công ảo trên mạng nhằm vào mạng lưới thông tin của chính phủ và các lực lượng vũ trang cũng như các cơ sở hạ tầng khác có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Nguy cơ từ không gian ảo cần phải được theo dõi thận trọng”, sách trắng nhấn mạnh.

Sách trắng còn cho rằng, các chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo Triều Tiên cũng như hành động gây hấn của nước này trên bán đảo Triều Tiên là bất ổn an ninh ở Bắc Á. “Đặc biệt, những cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh Nhật Bản, làm tổn hại tới hòa bình và ổn định Đông Bắc Á cũng như cộng đồng quốc tế và không bao giờ có thể dung thứ”.

Ngược lại, sách trắng ca ngợi liên minh an ninh cả nửa thế kỷ giữa Nhật và Mỹ là “nền tảng không thể thiếu được cho hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á Thái Bình Dương”.

Nhật Bản có quân đội thường trực vào khoảng 230.000 người, bằng 1/10 Trung Quốc. Mặc dù được trang bị các máy bay chiến đấu và tàu hải quân hiện đại, nhưng khả năng của Lực lượng Phòng vệ (SDF), chính là quân đội của Nhật, chưa được kiểm nghiệm trong chiến đấu.

Thái An (theo Reuters)

Tàu sân bay Trung Quốc và chuyện Biển Đông
Tuyên bố về việc Trung Quốc đã tân trang lại một tàu sân bay dường như khá 'hợp thời' để giành lợi thế ngoại giao trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
 
Báo quân đội Trung Quốc nói đến thế kỷ của biển
Biện hộ cho chương trình tàu sân bay, Nhật báo quân đội Trung Quốc khẳng định một lực lượng hải quân hùng mạnh là lựa chọn không thể tránh khỏi để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Trung Quốc bác yêu cầu của Manila về Biển Đông
Trung Quốc đã bác bỏ những yêu cầu của Philippines về việc hai nước nên đưa những tranh cãi chủ quyền trên Biển Đông ra trước một tòa án được Liên hợp quốc bảo trợ.