Tokyo sẽ phê chuẩn thỏa thuận xuất khẩu linh kiện quân sự lần đầu tiên trong nhiều thập niên, nhật báo Nikkei đưa tin.
Các thiết bị cảm biến do Nhật sản xuất sẽ được lắp vào hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-2 của Mỹ để rồi tiếp tục được xuất sang Qatar.
Theo Reuters, tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi đã sản xuất các bộ cảm biến theo dõi-tìm kiếm hồng ngoại hiệu suất cao- bộ phận then chốt của tên lửa trong hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-2, theo ủy quyền của công ty sản xuất vũ khí Mỹ Raytheon. Nhật đã từ lâu sản xuất bộ cảm biến cho lực lượng phòng vệ của nước này.
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Abe hồi tháng 4 đã nới lỏng các quy định xuất khẩu vũ khí, cho phép xuất khẩu công nghệ quân sự lần đầu tiên kể từ năm 1967. Hiện giờ, các thỏa thuận như trên là hoàn toàn hợp pháp và chỉ chờ chính phủ phê duyệt.
Theo Nikkei, do Ratheon đã đổ toàn bộ năng lực sản xuất vào việc nâng cấp bộ cảm biến cho hệ thống tên lửa đánh chặn thế hệ mới PAC-3 nên để thỏa mãn đơn đặt hàng của Qatar, Raytheon đã chọn ủy quyền cho Mitsubishi của Nhật.
Mặc dù các thỏa thuận quốc tế cấm xuất khẩu công nghệ quân sự sang những nước đang có xung đột quân sự, Tokyo và Washington vẫn có thể đi tới nhất trí rằng việc giao PAC-2 cho Qatar không ảnh hưởng tới bất kỳ quốc gia nào khác.
Hiện, có nhiều báo cáo nói Qatar, một đồng minh của Mỹ đồng thời là nơi có căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ, đang tích cực tham gia vào hàng loạt cuộc xung đột trong những năm gần đây, như lật đổ lãnh đạo Libya Qaddafi vào 2011 và cuộc nội chiến đang tiếp diễn ở Syria.
Sau nhiều thập niên duy trì lập trường hòa bình, vốn được ấn định trong hiến pháp thời hậu chiến và cấm buôn bán thiết bị, công nghệ quân sự, chính phủ của Thủ tướng Abe đã mở rộng ngành quốc phòng của nước này, cho phép tham gia vào các chương trình phát triển vũ khí quốc tế, nới lỏng quy định xuất khẩu các sản phẩm quân sự để đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp này.
- Hoài Linh