CHỦ ĐỀ: “Nhiệm vụ và giải pháp phát triển dịch vụ logicstic ở Hậu Giang gắn với trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị”.

Trước hết, Tỉnh Hậu Giang trân trọng bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và tràn đầy niềm tin vững chắc vào thành công của Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 13) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có vị thế, vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững của cả nước. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị; 5 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và huy động được sức mạnh của nhân dân trong vùng, các chủ trương Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của vùng, nhất là các thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao. Giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khẳng định vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của cả nước, giữ vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn trái đứng đầu cả nước (đóng góp hơn 55% sản lượng lúa cả nước và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Sản lượng trái cây chiếm 60%, Sản lượng thủy sản của vùng chiếm 55,7% sản lượng của cả nước…).

Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, là vùng đồng bằng trù phú được thiên nhiên ưu đãi (địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa), nguồn lao động dồi dào, song phát triển của vùng ĐBSCL chưa tương xứng và đang chậm lại so với cả nước. Chất lượng tăng trưởng giảm, năng suất lao động thấp, cấu trúc nền kinh tế chưa bền vững, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, di cư đến các thành phố lớn và các trung tâm kinh tế gia tăng, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội ngày càng giảm so với cả nước. Mặc dù được Trung ương quan tâm đầu tư ngân sách nhà nước cho vùng chiếm gần 20%, nhưng thu ngân sách cả vùng chiếm chưa đến 10% thu ngân sách của cả nước. Trong khi đó vùng đang đang đứng trước những thách thức lớn: Sụt lún; sạt lở; ngập lụt, xâm ngập mặn; thay đổi dòng chảy sông Mê kông; khả năng cấp ngọt và tiêu thoát nước…

Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đem đến luồng gió mới tạo cơ sở đột phá quan trọng cho khu vực trong giai đoạn phát triển mới. Nghị quyết xác lập quan điểm (điểm mới so với NQ 21) “Vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước…”; với mục tiêu đến năm 2030 “xây dựng vùng ĐBSCL hiện đại, sinh thái, văn minh phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước, là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hoá lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới…”

Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ về phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.; trong đó có nhiệm vụ “phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logicstic ở Hậu Giang…”

Tại Hội nghị này, Tỉnh Hậu Giang xin tham luận với chủ đề: “Xây dựng nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang gắn với Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ”.

1. Thực trạng phát triển logistics ở ĐBSCL và tỉnh Hậu Giang.

ĐBSCL có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ Logistics và vận tải thủy, đặc biệt trong các lĩnh vực trung tâm phân phối hàng hoá và logicstic phục vụ chế biến và xuất khẩu nông, thuỷ sản. Khu vực có cửa ngõ giao thông đường bộ tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, có hệ thống sông kênh dài 28.000km, trong đó 23.000 km có khả năng khai thác vận tải chiếm 70% chiều dài đường sông cả nước, với hơn 2.000 cảng sông và xếp dỡ có điều kiện nhưng chưa có một cảng biển, cảng sông quy mô lớn nào. Hạ tầng logicstics thiếu qui hoạch đồng bộ, thiếu tính kết nối đang ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh của phát triển công nghiệp và kinh tế nông nghiệp toàn vùng.

Hậu Giang có nhiều lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển dịch vụ logistics, cụm ngành logistics thời gian gần đây đã có sự phát triển, một số dự án có qui mô đầu tư kho lạnh và tổng kho phân phối đã được đầu tư, tuy nhiên hình thức vận chuyển, thuê kho bãi mới chỉ dừng lại ở từng lĩnh vực riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các ngành và các tỉnh trong vùng, liên vùng.

2. Tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang gắn với Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ.

Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL và là cửa ngõ kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu, có địa giới hành chính tiếp giáp 5 tỉnh: phía Bắc tiếp giáp thành phố Cần Thơ; phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng; phía Đông giáp sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu.

Nằm giáp ranh với Thành phố Cần Thơ – Trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật vùng ĐBSCL, kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội rất thuận lợi cho các nhà đầu tư như: Sân bay quốc tế Cần Thơ; Cảng quốc tế Cái Cui; các trường cao đẳng - đại học đa ngành, chuyên ngành; bệnh viện tầm cỡ khu vực. Các dịch vụ về khoa học kỹ thuật, tài chính, thương mại, giải trí, các cơ sở an sinh ở khu đô thị mới…đã có sẵn trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và khu vực lân cận.

Hậu Giang là tỉnh có tỷ trọng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản lớn trong vùng. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý thuận lợi về kết nối giao thông và đón cơ hội hưởng lợi lớn khi nằm ở giao điểm kết nối với hai tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Sóc Trăng chạy qua, Hậu Giang đang đón nhiều nhà đầu tư khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất đặt nhà máy, cơ sở sản xuất tại huyện Châu Thành và Châu Thành A. Hiện nay đã có 6 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ phủ lấp từ 80 – 100% diện tích. Theo kế hoạch, các khu công nghiệp của tỉnh tới đây sẽ có lượng hàng hoá trung bình 1 ngàn tấn/ha/năm, nguồn hàng hóa cần vận tải từ địa bàn khu vực khoảng 500 ngàn tấn/năm.

Nghị quyết 13 mở ra cơ hội to lớn để vùng ĐBSCL vươn lên phát triển mạnh mẽ, nhất là chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Từ đó là yêu cầu tất yếu cho phát triển dịch vụ logicstics. Với vị trí địa lý trung tâm và thuận lợi kết nối giao thông vùng, định hướng nhiệm vụ phát triển cụm ngành logicstics ở Hậu Giang gắn với Trung tâm đầu mối tổng hợp thành phố Cần Thơ là tích cực ở cả cấp độ địa phương, vùng và liên vùng.

3. Triển vọng phát triển logistics của tỉnh Hậu Giang

  Hậu Giang có đủ điều kiện phát triển và đưa hoạt động logistics lên một tầm cao mới. Thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của cả vùng nói chung và của Hậu Giang nói riêng đang ngày càng sôi động. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19, năm 2021, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn Tỉnh vẫn đạt gần 600 triệu Đô la Mỹ. Tỉnh có 42 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó 20 doanh nghiệp xuất khẩu và 22 doanh nghiệp nhập khẩu. Cơ cấu nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực là các nhóm hàng thủy, hải sản chế biến các loại, hàng may mặc, giày dép và giấy, còn lại là nhóm nông sản, dệt may và một số nhóm hàng hóa khác. Nếu được đầu tư phát triển mạnh, logistic sẽ là đòn bẩy quan trọng trong thành công về xuất khẩu cho tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần thơ và hiệu ứng lan toả vùng.

4. Một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang gắn với Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị. Tỉnh Hậu Giang xác định tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

(1) Tập trung triển khai các cơ chế chính sách của Tỉnh uỷ về phát triển dịch vụ logistics, cụ thể: Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 -2025 và các năm tiếp theo; Chương trình phát triển công nghiệp và logistic tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 -2025;

(2) Phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hậu Giang, đặc biệt là nguồn nhân lực cung ứng cho dịch vụ logistics.

(3)Triển khai rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các trung tâm dịch vụ logistics để tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng định hướng Nghị quyết số 13-NQ/TƯ.

- Chủ động rà soát quy hoạch phát triển của ngành để điều chỉnh theo hướng thành lập các trung tâm dịch vụ logistics gắn với phát triển công nghiệp và nông nghiệp của địa phương, theo định hướng trở thành trung tâm dịch vụ logistics mạnh liên kết chặt chẽ với Trung tâm đầu mối tại thành phố Cần Thơ.

- Đến nay, Hậu Giang đã có 3 trung tâm dịch vụ logistics đi vào hoạt động. Theo quy hoạch, sẽ hình thành thêm 2 trung tâm logistics. Tất cả 5 trung tâm này kết hợp với các đơn vị logistics vệ tinh được phân bổ đều trên các trục giao thông trọng yếu, gần với các vùng nguyên liệu chuyên canh để nhanh chóng xử lý sau thu hoạch, sơ chế nông sản và vận chuyển đến Trung tam Logistics, các nhà máy chế biến, đồng thời vận chuyển các sản phẩm từ nhà máy đến các thị trường trong và ngoài nước.

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ theo hướng kết nối với các trục đường cao tốc, các quốc lộ quan trọng trên địa bàn, rà soát các cầu có tĩnh không thấp làm ảnh hưởng đến giao thông thủy để cải tạo, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho dịch vụ logistics phát triển.

(4) Tăng cường liên kết vùng, liên kết khu vực để tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics:

Tăng cường nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng trong việc liên kết, kết nối khu vực trong phát triển dịch vụ logistics; chỉ đạo ngành giao thông tham mưu đề xuất các phương án kết nối, trước mắt là kết nối thông giữa các địa phương, kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh với các tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa bàn.

- Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 3 tuyến cao tốc đi qua và sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có 02 tuyến triển khai giai đoạn 2022-2025. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho Hậu Giang phát triển công nghiệp và dịch vụ logistics, do đó Hậu Giang tập trung mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Bộ Giao thông vận tải, các địa phương có tuyến đường bộ cao tốc đi qua quyết tâm hoàn thành 02 tuyến cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2025 (Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng).

- Rà soát và tập trung nguồn lực để đầu tư các dự án kết nối nhằm tăng cường liên kết hệ thống giao thông địa phương với các tuyến đường bộ cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả dự án cao tốc, đồng thời đẩy mạnh điều kiện phát triển dịch vụ logisitcs.

- Triển khai nhanh các dự án giao thông đường bộ quan trọng để kết nối với tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời sẽ phối hợp với thành phố Cần Thơ tiến hành đầu tư mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C); để hình thành trục hàng lang kinh tế Cần Thơ - Hậu Giang - Kiên Giang, nhằm tăng  cường kết nối, lưu thông hàng hóa và tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics.

- Về cảng biển, Hậu Giang đã xây dựng và đưa vào sử dụng cảng biển Hậu Giang tại Khu trung tâm Logistics Hậu Giang do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang làm Chủ đầu tư, Trung tâm này sẽ phối hợp với cảng Cái Cui để từng bước hình thành và phát triển mạnh cụm cảng Sông Hậu, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển dịch vụ logistics của khu vực.

Với nhiệm vụ và giải pháp trên, tỉnh Hậu Giang tin tưởng rằng, “Dịch vụ logistics ở Hậu Giang gắn với trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ” sẽ phát triển đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW, của Bộ Chính trị và theo Quy hoạch vùng ĐBSCL.