Bài viết dưới đây được VnReview chuyển ngữ từ những chia sẻ của Jimmy Chan, nhiếp ảnh gia chụp cưới sinh sống tại Montreal, Canada được đăng tải trên chuyên trang Petapixel. Mặc dù các quan điểm trong bài viết này chủ yếu thể hiện góc nhìn của một nhiếp ảnh gia chuyên "trị" thể loại đám cưới, song về cơ bản chúng có thể được áp dụng với bất kỳ ai có nhu cầu quản lý và lưu trữ ảnh kỹ thuật số.
Năm nào giới nhiếp ảnh gia chúng ta cũng được nghe những câu chuyện dạng như thế này: các cặp đôi mới cưới thay vì dành thời gian hạnh phúc, vui sướng ngắm nghía album hình cưới của mình, thì lại phải cáu cắt và "nổi khùng" vì nhiếp ảnh gia vô ý làm mất các tập tin ảnh quý giá của cuộc đời họ. Ở thời đại mà nhiều mẫu máy ảnh chuyên nghiệp đều được trang bị hai khe cắm thẻ nhớ để dự phòng, và giá của ổ cứng máy tính thì ngày càng lao dốc, sự bất cẩn của con người đang là nguyên nhân số một dẫn đến những sơ suất không đáng có như trên.
Hậu quả của việc không cẩn trọng sao lưu hình ảnh của khách hàng có thể hết sức nghiêm trọng. Không chỉ dừng lại ở việc những kỉ niệm giá trị vĩnh viễn bị mất đi, mà thậm chí nhiếp ảnh gia còn có thể phải đối mặt với những thiệt hại tài chính đến từ các vụ kiện. Thậm chí, một nhiếp ảnh gia mới đây còn phải nhập viện cấp cứu vì lên cơn đau tim sau một tình huống như vậy. Chưa kể, khi tên của bạn xuất hiện "nhan nhản" trên Google kèm theo những scandal như thế, thì danh tiếng và công việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực như thế nào.
Vậy tại sao các nhiếp ảnh gia không bỏ chút thời gian nghiên cứu những quy tắc dưới đây để loại bỏ hoàn toàn những rủi ro trên?
Khi bạn có càng nhiều kinh nghiệm, thì hồ sơ của bạn sẽ ngày càng dày lên một cách tự nhiên. Tôi có thể hiểu vì sao những nhiếp ảnh gia mới bắt đầu thường cung cấp những gói chụp với giá rất rẻ bởi tên của họ chưa được biết đến nhiều trên bản đồ của giới nhiếp ảnh. Nhưng dần dần, chúng ta đều có khao khát kiếm được nhiều tiền hơn, và chúng ta sẽ tăng giá. Nhưng giá tăng thì trách nhiệm và áp lực cũng tăng. Và đặc biệt với đề tài đám cưới, một trong những khoảnh khắc thiêng liêng chỉ diễn ra có một lần đối với đa số mọi người, chúng ta – cả tôi và bạn, với tư cách là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho bản thân nếu vì một lí do nào đó chúng ta không thể trả ảnh cho khách hàng. Vì vậy, quy trình sao lưu ảnh dự phòng là yếu tố giúp phân biệt giữa một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và một tay máy "a-ma-tơ". Lý do tôi quyết định viết bài này là để nhằm giúp nâng cao nhận thức của mọi người về khía cạnh thường bị lãng quên này, nhằm giúp họ có thể chủ động giảm thiểu tối đa rủi ro và thực hiện công việc của mình tốt hơn.
Nhân tiện, tên tôi là Jimmy, một nhiếp ảnh gia chụp cưới đến từ Montreal (Canada). Trong bài này, tôi không chỉ chia sẻ một số mẹo vặt đơn giản để giúp bạn cải thiện quy trình sao lưu ảnh của mình, mà tôi sẽ còn đưa ra lời giải thích chi tiết cho bạn vì sao. Nếu bạn đang tìm kiếm những bài hướng dẫn đơn giản dành cho người mới bắt đầu và chưa biết bắt-đầu-từ-đâu, thì bạn đã đến đúng nơi rồi đó!
Cân nhắc sử dụng những máy ảnh có hai khe cắm thẻ nhớ
Trong bức ảnh này, người cha bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư nhưng vẫn quyết giữ lời hứa dắt tay con gái vào lễ đường làm đám cưới. Không lâu sau đó, ông đã qua đời. Khoảnh khắc này đối với người con và gia đình cô là vô giá.
Đây là một chủ đề gây tranh luận rất nhiều trong giới nhiếp ảnh. Đã có một thời, trên thị trường chỉ có những chiếc máy ảnh chụp phim và máy ảnh kĩ thuật số với một khe cắm thẻ nhớ duy nhất. Trong trường hợp này, chúng ta không có sự lựa chọn.
Đơn giản mà nói thì: thừa vẫn luôn hơn thiếu. Có một chiếc máy ảnh với hai khe cắm thẻ nhớ vẫn hơn. Những nhiếp ảnh gia nào tự tin rằng "số mình may" hoặc chưa bao giờ trải qua tình cảnh mất dữ liệu có thể sẽ không mấy quan tâm đến tính năng này và tiếp tục cầm máy đi chụp chỉ với 1 chiếc thẻ. Không ai bắt bạn phải dùng máy hai thẻ nhớ cả, bởi nó có thể sẽ tốn kém hơn rất nhiều! Trong khi đó, những người đã từng trải qua hoàn cảnh bị hỏng thẻ nhớ (trong đó có tôi) chắc chắn sẽ đồng tình rằng đây là một khoản tiền "bảo hiểm" cần thiết. Nếu khoản đầu tư đó giúp bạn có thể ngủ ngon hơn hằng đêm, thì đó chắc chắn là một khoản đầu tư hợp lý.
Một vấn đề khác đó là nhiều nhà sản xuất sử dụng "khe cắm thẻ nhớ đôi" làm chiến lược kinh doanh và "phân chia" thị trường. Dòng sản phẩm hướng đến những người dùng "chuyên nghiệp" thường sẽ có tính năng này, trong khi dòng máy "tiêu dùng" thông thường sẽ không có. Đi kèm với điều đó là mức giá dành cho những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp thường rất cao, nằm ngoài tầm với của những nhiếp ảnh gia mới vào nghề. Do đó, lời khuyên của tôi là bạn vẫn nên sử dụng những chiếc máy ảnh có hai khe cắm thẻ, nhưng không nhất thiết phải mua những chiếc máy đời mới nhất và tốt nhất.
Chiếc máy ảnh Sony a7 III có tất cả những tính năng trên mà bạn cần với mức giá khoảng 2000 USD, nhưng bên cạnh đó cũng có những lựa chọn giá "mềm" hơn, chẳng hạn như Canon 5D Mark III hoặc 7D Mark II cũng cung cấp hai khe cắm thẻ nhớ. Về Nikon, bạn có thể cân nhắc những chiếc máy như Nikon D800, D810 và D500, vốn đã được sử dụng để tạo ra những bức ảnh đẳng cấp thế giới. Còn fan hâm mộ của hãng Fujifilm có thể lựa chọn dòng máy X-T2.
Mức giá của những chiếc máy ảnh này đã giảm nhiều trong thời gian vừa qua, và khoản đầu tư cần bỏ ra sẽ còn thấp hơn nữa nếu bạn chọn mua những máy đã qua sử dụng. Dĩ nhiên, kinh phí là một rào cản với những người mới bắt đầu, song bạn hoàn toàn có thể bán lại chiếc máy đã qua sử dụng đó chỉ sau một đến hai năm.
Chụp file RAW hay JPEG? Cả hai đi!
Mẹ của cô dâu trẻ này qua đời từ khi cô còn rất nhỏ. Bức ảnh này được đặt ở hàng ghế đầu của lễ cưới, với mong ước rằng người mẹ đang ở đâu đó cũng có thể dõi theo đám cưới của con gái mình.
Ưu tiên của tôi là chụp bằng cả hai định dạng trên. Hãy lưu ảnh RAW vào một thẻ nhớ để phục vụ chỉnh sửa hậu kỳ, còn ảnh JPG vào thẻ còn lại nhằm mục đích sao lưu, do ảnh JPG có dung lượng nhỏ hơn. Trung bình, tôi chụp khoảng 2.000 tấm ảnh tại mỗi lễ cưới và với mỗi tập tin JPG có dung lượng trung bình khoảng 20 MB, tôi cần phải sao lưu khoảng 39 GB dữ liệu ảnh. Dưới đây là chi tiết cách làm của tôi.
Ý tưởng về việc sử dụng hai thẻ nhớ nằm ở chỗ bạn có thể cất chúng riêng rẽ ở các nơi khác nhau. Trước khi rời địa điểm tổ chức sự kiện, tôi sẽ lấy thẻ chứa ảnh JPG ra và cất vào ví. Chiếc thẻ đó sẽ phải "ngoan ngoãn" nằm trong ví tôi cho tới khi trả ảnh xong cho khách. Nếu bạn có một người trợ lý tin cậy, hãy dành ra 10 phút sao chép toàn bộ ảnh JPG dự phòng vào laptop của anh ấy hoặc cô ấy (hoặc vào một chiếc thẻ nhớ khác).
Trừ phi tôi bị cướp giật mất túi xách khi đang đi bộ trong bãi đỗ xe, hoặc gặp một vụ tai nạn xe hơi khủng khiếp làm tan nát chiếc máy ảnh và thẻ nhớ dự phòng (và có thể là cả cơ thể tôi nữa), thì sau đó tôi sẽ tiếp tục thực hiện các thao tác sau đây để giữ gìn cẩn thận những tập tin quý giá.
Trở về nhà, tôi sẽ sao chép các tập tin ảnh RAW vào máy tính. Bạn cũng có thể sao lưu những bức ảnh JPG dự phòng lên một dịch vụ đám mây nào đó trong lúc ngủ. Dù bạn chọn phương pháp nào, nguyên tắc vẫn luôn là không được chần chừ khi sao lưu dữ liệu. Càng sớm sao chép hình ảnh ra nhiều bản thì dữ liệu của bạn sẽ càng được an toàn.
Bộ nhớ lưu trữ ngày càng rẻ. Thực sự rất rẻ!
Bạn không chỉ chụp ảnh để lưu giữ khoảnh khắc cho đôi trẻ. Bạn còn đang giúp gìn giữ những kỷ niệm cho cả người thân, bạn bè của họ, những người cũng là một phần của đám cưới này.
Giá thành của các phương tiện, thiết bị lưu trữ máy tính đang ngày càng sụt giảm và chưa bao giờ dễ mua như hiện tại. Nếu bạn đã có thể có đủ tiền để mua những thiết bị chụp ảnh đắt tiền, thì không có lý do gì mà bạn không trang bị cho mình thêm nhiều thẻ nhớ và ổ cứng ngoài để dự phòng.
Ở thời điểm tháng 6 năm 2019, khi tôi viết bài này, một chiếc ổ cứng dung lượng 4 TB thương hiệu WD có giá chỉ 92 USD. Một chiếc thẻ nhớ SD 128 GB của SanDisk cũng chỉ tốn có 30 USD. Nếu "căn ke" hơn, bạn thậm chí có thể mua thẻ microSD 128 GB chỉ có giá 20 USD, rồi sau đó dùng adapter chuyển để cắm được vào khe thẻ SD của máy ảnh. Chưa kể, những thiết bị này còn thường xuyên được giảm giá!
Cùng với đó, các nhiếp ảnh gia chụp cưới nên tập thói quen sử dụng nhiều thẻ dung lượng nhỏ hơn để chụp cùng một sự kiện thay vì dùng 1 hoặc 2 chiếc thẻ nhớ dung lượng lớn. Lý do ở đây là bởi nếu một trong số những chiếc thẻ không may gặp trục trặc hoặc bị lỗi, thì chúng ta chỉ mất một phần nhỏ số ảnh chứ không phải toàn bộ. Nhờ sự phổ biến của những chiếc máy ảnh có hai khe cắm thẻ nhớ, nên việc sao lưu hình ảnh thành 2 bản có thể được thực hiện ngay khi chúng ta bấm chụp. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân của tôi thì lại khác: tôi không muốn "loay hoay" với việc đổi thẻ để rồi lại bỏ lỡ những khoảnh khắc đáng giá, nên tôi chỉ đơn giản cắm chiếc thẻ có dung lượng lớn nhất mà mình có vào và đi chụp cả ngày! Việc không phải lo lắng xem chọn thẻ nào, dùng ra sao… cũng giúp tôi tập trung hơn vào công việc của mình.
Dần dần, sau khi bạn đã kiếm được một khoản thu nhập ổn định từ công việc nhiếp ảnh, bạn có thể cân nhắc đầu tư thêm vào các hệ thống sao lưu dữ liệu hiện đại hơn.
Quản lý hình ảnh một cách khoa học
Các cô dâu, chú rể thường miêu tả ảnh của tôi có vẻ đẹp của sự đơn giản. Và tôi muốn đưa triết lý đó vào trong việc quản lý và sao lưu dữ liệu của mình.
Tôi thường tuân thủ một số quy tắc đơn giản khi quản lý thư viện ảnh của mình:
- Luôn tạo một thư mục riêng cho mỗi đám cưới hoặc sự kiện mà tôi tham gia chụp.
- Sử dụng cùng một công thức đặt tên thư mục "YYYY MM DD –- Xuất ảnh đã chỉnh sửa theo thứ tự thời gian chụp bằng cách đặt tên file theo dãy số (ví dụ: Đám cưới Quân và Hạnh 001.jpg)
Bằng cách thêm ngày tháng diễn ra sự kiện vào tên thư mục, tất cả dữ liệu của bạn sẽ được sắp xếp theo thứ tự ngày tháng, kể cả khi thiết lập cách hiển thị mặc định sắp xếp theo tên thư mục. Bạn có thể nhanh chóng tìm và mở được album ảnh mình cần nhờ vào ngày tháng chụp và tên khách hàng. Việc sắp xếp ảnh theo thứ tự thời gian chụp cũng sẽ giúp khách hàng của bạn dễ dàng tìm kiếm một bức ảnh cụ thể. Nói chung, tất cả mọi người đều sẽ được "hưởng lợi" từ cách sắp xếp này.
Chìa khoá của công đoạn quản lý này nằm ở sự nhất quán, nhờ đó bạn luôn có thể kiểm soát được tất cả những dữ liệu mà mình có. Hãy thử nghiệm để tìm ra phương án tốt nhất dành cho bạn cùng các khách hàng của bạn, và duy trì phương thức sắp xếp đó lâu dài.
Sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây
Đám mây không chỉ mang đến sự dịu mát mà còn giúp bạn sao lưu dữ liệu ảnh của mình nữa!
Dưới đây là bảng so sánh mức giá các gói lưu trữ đám mây từ những nhà cung cấp dịch vụ phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại:
Apple gần đây đã giảm giá các gói lưu trữ đám mây trên iCloud đáng kể, do đó bạn có thể không cần tìm đến những lựa chọn bên ngoài nếu đã và đang sử dụng hệ sinh thái phần cứng và phần mềm của hãng. Microsoft cũng nổi bật không kèm với việc tích hợp bộ công cụ văn phòng Office 365 cùng với gói lưu trữ 1 TB, do đó những người thường xuyên sử dụng các phần mềm văn phòng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ dịch vụ của Microsoft. Google One (trước đó là Google Drive) có mức giá tương tự như iCloud, ngoài ra còn linh hoạt cung cấp thêm nhiều gói dung lượng lớn là 10, 20 và 30 TB (tôi không đề cập đến ở bảng trên). Cuối cùng, nếu chỉ xét riêng về giá cả, thì dịch vụ Amazon Drive gần như không có đối thủ.
Thật vậy, chỉ với 1 USD/tháng, bạn đã có thể dễ dàng sao lưu dữ liệu ảnh JPG của 2 đến 3 đám cưới trên Amazon Drive để sao lưu. Tất cả những dịch vụ được tôi nhắc đến ở trên đều cung cấp phần mềm tự động đồng bộ dữ liệu, do đó bạn chỉ cần thiết lập một lần và không cần bận tâm đến nó nữa. Sau khi chỉnh sửa xong hình ảnh của một lễ cưới hoặc sự kiện, bạn có thể xoá file JPG sao lưu dự phòng khỏi bộ nhớ đám mây để lấy chỗ lưu trữ dự án tiếp theo.
Giảm thiểu tối đa rủi ro bằng cách trả ảnh sớm
Thế giới chúng ta đang sống ngày nay rất coi trọng tốc độ. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh cũng vậy, "nhanh thắng chậm" là quy luật luôn đúng. Các nhiếp ảnh gia luôn ao ước có được máy ảnh với tốc độ chụp (khung hình trên giây) nhanh hơn, ống kính lấy nét nhanh hơn, ổ cứng đọc/ghi nhanh hơn, máy tính tốc độ xử lý nhanh hơn để làm hậu kỳ, đường truyền Internet nhanh hơn để tải dữ liệu lên, cái gì cũng muốn nhanh hơn!
Khách hàng cũng có những kỳ vọng của mình và họ luôn muốn thoả thuận về những điều đó ngay từ đầu. Hợp đồng của chúng tôi thường ghi rằng chúng tôi sẽ trả tập tin ảnh kỹ thuật số trong bốn tuần kể từ khi chụp, nhưng tôi thường trả ảnh cho khách chỉ sau một đến hai tuần. Vì những lý do sau:
- Khách hàng sẽ luôn cảm thấy hài lòng hơn khi những gì chúng tôi làm được vượt xa kỳ vọng của họ.
- Đề phòng trường hợp phải chụp nhiều đám cưới "gối" lên nhau (đám cưới này chưa trả ảnh xong thì đã phải đi chụp đám cưới khác), và nhiều lý do khác có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ hậu kỳ của tôi
- Quan trọng nhất, tôi có thể giảm thiểu rủi ro ổ cứng bị lỗi bằng cách trả ảnh sớm hơn
Điều này hợp với nguyên tắc tránh mọi sự trì hoãn trong nhiếp ảnh mà tôi đã đề cập đến ở trên. Có thể kể đến một vài tình huống mà tôi không bao giờ muốn gặp phải: file catalog của phần mềm Lightroom bị lỗi bất ngờ, ổ cứng bị hỏng hay trộm vào nhà đánh cắp chiếc máy vi tính quý giá của tôi giữa chừng, ngay trước "hạn chót" trả sản phẩm. Càng chỉnh sửa ảnh sớm được bao nhiêu, tôi càng có thể sớm tiến hành sao lưu dữ liệu được bấy nhiêu.
Hướng dẫn khách hàng làm tương tự
Những bức ảnh này vô cùng quý giá; hãy hướng dẫn khách hàng của bạn cách thức lưu trữ chúng an toàn nhất có thể!
Không phải các cặp đôi cô dâu – chú rể nào cũng là những người "rành" về công nghệ và máy tính. Bất cứ khi nào họ đặt câu hỏi, bạn hãy lấy đó làm cơ hội để hướng dẫn họ nhiều hơn nữa. Dịch vụ khách hàng không nhất thiết chấm dứt hoàn toàn sau khi những thủ tục thanh toán cuối cùng được hoàn tất. Bạn hãy khuyến khích họ sao lưu dữ liệu thành nhiều bản và hướng dẫn họ cách thức sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây nếu cần thiết. Tôi muốn khách hàng của mình có đầy đủ sự hiểu biết và khả năng tự lưu trữ và bảo quản những tấm ảnh đám cưới của chính họ; mặc dù bản thân tôi cũng cố gắng lưu trữ một bản sao album ảnh của khách hàng trên các thiết bị lưu trữ của tôi càng lâu càng tốt.
Tương tự như nhiều nhiếp ảnh gia đám cưới khác, tôi chủ yếu sử dụng dịch vụ Pixieset để gửi ảnh cho khách hàng. Các dịch vụ khác như Smugmug và Shootproof cũng có tính năng và chất lượng tương đương nên bạn có thể chọn dịch vụ nào cũng được. Thông thường thì dung lượng lưu trữ của tài khoản của tôi luôn ở trong trạng thái đầy bởi tôi luôn cố gắng giữ tất cả các tấm ảnh càng lâu càng tốt, tôi chỉ xoá khi không còn lựa chọn nào khác hoặc buộc phải giải phóng bộ nhớ để tải những bức ảnh khác lên. Đây cũng là một trong các phương thức sao lưu trong quy trình làm việc của tôi. Có lần, có một cặp đôi liên hệ với tôi nhiều tháng sau khi đám cưới của họ diễn ra và hỏi:
"Chúng tôi đang tụ họp ở quê nhưng lại để ảnh tại nhà ở thành phố. Chị có còn giữ thư viện ảnh online để tôi có thể cho mọi người trong họ ở đây xem được không?"
Dĩ nhiên là được! Tôi chỉ cần gửi lại cho họ link folder và mật khẩu mà trước đây tôi đã chuyển cho họ, và thế là xong! Chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi thấy khách hàng hài lòng và chính họ sẽ giúp lan truyền danh tiếng tốt đẹp về tôi cho những người thân xung quanh họ.
Qua nhiều năm làm nghề, tôi chưa thấy có khách hàng nào than phiền về việc bức ảnh thành phẩm có quá nhiều nhiễu hạt (noise), độ phân giải hay dải tương phản động của ảnh quá tệ. Các nhiếp ảnh gia chụp cưới thường bị ám ảnh bởi những thông số kĩ thuật và nhiều thứ khác mà thậm chí khách hàng còn chẳng buồn quan tâm! Cái họ quan tâm là liệu bạn có thể gửi trả lại cho họ những tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc quý giá được hay không mà thôi. Tôi hy vọng tất cả các nhiếp ảnh gia nói riêng và mọi người nói chung đều nên dành thời gian và công sức để cải tiến quy trình sao lưu dữ liệu của mình, từ đó bảo đảm rằng các khách hàng có được những sản phẩm họ xứng đáng nhận được, cũng như không bao giờ đánh mất những kỷ niệm quý giá.