- Tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá: Công tác hiệp thương ở một số nơi chưa đúng dự kiến cơ cấu, công tác nhân sự chưa chuẩn bị kỹ, nhất là ở cấp xã.

Vẫn còn bầu hộ, bầu thay

Theo đánh giá chung, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử ở cả hai cấp trong cùng một ngày nhưng cuộc bầu cử đã diễn ra đảm bảo đúng tiến độ, dân chủ, chọn lựa được những người có đức, có tài vào các cơ quan dân cử.

Tuy nhiên, Hội đồng bầu cử cũng rút ra một số hạn chế cần khắc phục.

Thứ nhất, một số chỉ tiêu định hướng về cơ cấu như người trẻ tuổi, người ngoài Đảng, đại biểu nữ vẫn chưa đạt ngay trong vòng hiệp thương. Vẫn còn nhiều trường hợp phân bổ ứng cử viên trong một đơn vị bầu cử có sự chênh lệch về năng lực, trình độ.

Bà Tòng Thị Phóng: Nên nghiên cứu nâng độ tuổi tái cử với ĐBQH chuyên trách. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhiều nơi, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, gặp gỡ vận động bầu cử còn chưa được thực hiện thống nhất, thậm chí nhiều nơi còn tổ chức rất ít các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ. Trong vận động cũng xuất hiện những trường hợp vận động thiếu bình đẳng. Theo thống kê, vẫn còn bầu hộ, bầu thay.

Cũng theo Hội đồng bầu cử, ở nhiều nơi đã phải hủy bỏ kết quả bầu cử, tổ chức bầu cử lại.

"Tuy trường hợp phải bầu lại, bầu thêm không nhiều nhưng cần rút kinh nghiệm nghiêm túc trong chỉ đạo, điều hành", bà Phóng nói.

Hội đồng bầu cử nhận định, trong các khóa sắp tới đây, cần triển khai sớm hơn việc chuẩn bị về nhân sự. Xây dựng tiêu chí và có cơ chế để địa phương tham gia ý kiến về nhân sự bảo đảm ứng viên được giới thiệu phù hợp với yêu cầu từng nơi. Không nên để ứng viên nữ kiêm nhiều cơ cấu.

Đặc biệt, nên nghiên cứu nâng độ tuổi tái cử với ĐBQH đang làm công tác chuyên trách.

Mặt khác, Hội đồng bầu cử cũng kiến nghị làm rõ thẩm quyền của Hội đồng trong việc xem xét, phân bổ ứng viên một cách hợp lý để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng. Có tiêu chí để phân bổ ứng viên là lãnh đạo cấp cao.

Nên có quy định chặt chẽ về điều kiện với người tự ứng cử cũng như tiêu chuẩn ĐBQH.

Đang giải quyết khiếu nại về ĐB đã trúng cử

Liên quan đến việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Hội đồng bầu cử nhận định, vẫn còn nhiều trường hợp sai phạm chậm được phát hiện. Hoặc có phát hiện nhưng lại chưa xử lý dứt điểm.

"Cá biệt có địa phương đã không dự liệu trước được tính phức tạp trong những vụ việc khiếu nại, tố cáo, nên có khu vực bầu cử tỷ lệ cử tri đi bầu còn chưa đạt 50%", Hội đồng bầu cử đánh giá.

Theo thống kê, tính đến ngày 12/5/2011, Hội đồng bầu cử đã nhận được 595 đơn khiếu nại, tố cáo. Trong đó, có 212 đơn liên quan đến các ứng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 84 đơn thư liên quan đến 59 ứng viên đã đủ điều kiện. Tuy nhiên, qua thẩm tra xác minh, 59 trường hợp nói trên không hề có vi phạm nào.

Đáng chú ý, từ sau thời điểm chốt danh sách ứng viên, Hội đồng bầu cử vẫn tiếp tục nhận được 122 đơn khiếu nại, tố cáo.

Hiện Hội đồng đang yêu cầu tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo xem xét hồ sơ. Với các đơn liên quan đến người trúng cử ĐBQH thì Hội đồng bầu cử sẽ chuyển cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 chỉ đạo giải quyết.

Theo chương trình nghị sự, chiều nay (21/7), Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu sẽ tiến hành thẩm tra tư cách các đại biểu mới trúng cử. Sau đó, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận để chính thức công nhận vai trò của 500 đại biểu Quốc hội khóa mới.

Lê Nhung