Nhìn cô bé Lê Nhã Khanh, 5 tuổi ở Hà Trung, Thanh Hoá chơi đùa vui vẻ với các bạn trong ngày khai trường, ít ai biết trước đó cô bé đã bị liệt 2 chân nhiều năm.
Mẹ bệnh nhi cho biết, con gái không thể đi lại, 2 chân rất yếu không rõ nguyên nhân. Khi đưa ra Hà Nội thăm khám, bác sĩ kết luận có khối u xâm lấn, chỉ định phẫu thuật nhưng không loại bỏ được do khối u đã chèn ép lên nhiều bộ phận.
Khối u chèn ép gây biến dạng cột sống bệnh nhi |
Càng ngày, tình trạng của bé Khanh càng nặng, mất hẳn khả năng vận động. Gia đình tiếp tục đưa con đi thăm khám ở nhiều bệnh viện lớn, nhỏ, mong con có thể đi lại như bạn bè cùng trang lứa nhưng đều nhận được những cái lắc đầu của bác sĩ vì bé còn quá nhỏ, không thể chịu đựng được ca phẫu thuật phức tạp.
Không từ bỏ hy vọng, tháng 9/2018, qua lời giới thiệu, gia đình đưa bé Khanh đến BV K thăm khám. Trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, TS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV K chia sẻ, thời điểm nhập viện, bệnh nhi bị khối u xâm lấn mặt trước tủy sống, lan toả 3 đốt sống từ cột sống ngực đến thắt lưng và phát triển vào trong ổ bụng.
Những ngày ở viện, cô bé liên tục hỏi: "Chân con đau quá, con không đi được, các bạn đi học còn con ở nhà một mình buồn lắm. Khi nào con khỏi bệnh con có được đến lớp cùng các bạn không hả mẹ?" khiến cả mẹ bé và các bác sĩ đều xót xa.
“Bệnh nhi đến viện khi không thể đi lại do 2 chân rất yếu, đau nhiều. Cháu bé còn nhỏ vậy mà bị liệt là thiệt thòi và mất mát rất lớn nên chúng tôi đã hội chẩn toàn viện, xem xét kĩ lưỡng trước khi quyết định phẫu thuật cho cháu bé”, TS Liên nhớ lại.
TS Liên cùng ekip phẫu thuật cho bệnh nhi |
Sau nhiều lần hội chẩn, ngày 12/9/2018, TS Liên cùng ekip quyết định phẫu thuật cho bệnh nhi. Ca mổ thách thức khiến các bác sĩ phải cân nhắc cẩn trọng đường mổ, số lần mổ.
“Bệnh nhi còn quá bé, nếu mổ cùng lúc lấy cả khối u ở trong ống sống và khối u ở ổ bụng thì cuộc mổ chắc chắn sẽ kéo dài, nguy cơ thiếu máu, biến chứng cũng như những rủi ro khác có thể xảy đến. Do đó, chúng tôi quyết định chia làm 2 lần. Lần đầu bệnh nhân sẽ được phẫu thuật bóc khối u ở mặt trước tủy sống, cạnh cột sống. Sau khi ổn định, sẽ xử lý tiếp giúp cột sống bám vững”, TS Liên chia sẻ.
Dù tính toán kĩ là vậy nhưng trong ca mổ đầu tiên, các bác sĩ gặp nhiều khó khăn do khối u ở vị trí rất khó thực hiện, để vào được mặt trước tủy sống, các bác sĩ phải cắt bỏ diện khớp phía bên và cắt bỏ toàn bộ khối u phía trước tủy sống và cạnh cột sống, chỉ để lại u phía sau phúc mạc. May mắn, ca mổ thành công khiến cả ekip đều thở phào.
TS Liên cho biết, sau mổ bóc u, cột sống sẽ mất vững, phương pháp thông thường là nẹp vít cột sống, tuy nhiên với bệnh nhi dưới 7 tuổi thì nẹp vít sẽ để lại nhiều di chứng, bệnh nhân có thể bị gù, vẹo, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Bé Khanh cùng mẹ ở lại viện sau khi tháo nẹp |
Do đó, ekip phẫu thuật quyết định chỉ nẹp vít thời gian ngắn, kết hợp với ghép xương. Khi xương ổn định sẽ tháo nẹp.
Tháng 10/2018, bé Khanh tiếp tục trải qua ca phẫu thuật lần 2, bóc tách nốt u sau phúc mạc và khối u trong ổ bụng, đồng thời kết hợp ghép xương, nẹp vít cột sống.
Sau 2 ca phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục rất tốt, đi lại bình thường. Cuối tháng 8 vừa qua, bệnh nhi được tháo nẹp vít, kết quả kiểm tra lại cho thấy, vị trí ghép xương đã ổn định, không có u tái phát. Bác sĩ chỉ định bệnh nhi thăm khám định kỳ để nếu có tái phát cần can thiệp sớm.
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi.
Thúy Hạnh
Hành trình hồi sinh gương mặt xinh đẹp cho cô gái bị thiếu úy tạt axit
- Bác sĩ đã nạo vét rất sâu, cắt bỏ toàn bộ vùng da hoại tử trước khi lấy vạt da lớn ở lưng đắp lên để tạo khuôn mặt mới cho Lan Vy.