Tại hội nghị giao thương trực tuyến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản 2021 vừa tổ chức hôm nay (10/6), ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho hay với việc tận dụng hiệu quả các điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, khung khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã ký kết, các hoạt động ngoại thương của Việt Nam thời gian qua đã ghi nhận nhiều khởi sắc.

Theo ông Vũ Bá Phú, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

{keywords}
Doanh nghiệp Nhật Bản thường xuyên có các chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động VN (ảnh: TN)

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

 
Doanh nghiệp Việt tìm đường vào chuỗi sản xuất Nhật Bản

Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như: sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa-cao su kỹ thuật; săm lốp các loại.

Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.

Nhiều cơ hội hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp CNHT Việt Nam và Nhật Bản

Phân tích những thách thức của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Akutsu Michio, chuyên gia tư vấn Hiệp hội Các nhà tư vấn kinh doanh quốc tế Nhật Bản, nêu rõ năng suất doanh nghiệp của các địa phương còn khá thấp; thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Việc cấp vốn để đầu tư trang thiết bị còn khó; thiếu thông tin của các nhà cung cấp nguyên vật liệu chất lượng và giá rẻ ở nước ngoài...

{keywords}
Môi trường làm việc của doanh nghiệp Nhật Bản tại VN chuyên nghiệp (ảnh: TN)

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm; có biện pháp hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Akutsu Michio cũng lưu ý sản phẩm công nghiệp được tạo thành từ hàng nghìn bộ phận, nếu thiếu một bộ phận, dây chuyền lắp ráp sẽ bị dừng. Do vậy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải xác định được khả năng cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thường xuyên.

Ngoài cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều cơ hội cung cấp cho những doanh nghiệp lắp ráp chế tạo cuối cùng tại nước ngoài.

Xác định ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ là động lực phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện, cơ chế tốt nhất để phát triển nhóm ngành này.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp; trong đó, có các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc tìm kiếm đối tác cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, tháng 6/2020, Bộ Công Thương đã khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin này có hơn 3.600 doanh nghiệp đầy triển vọng của Việt Nam trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, ôtô, điện tử, dệt may, da giày. Những dữ liệu này đã tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Minh Đức