Trong dự thảo báo cáo về tình hình doanh nghiệp năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021, Bộ KH&ĐT làm rõ những ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 đến doanh nghiệp.
Ngoài hàng không, du lịch, dệt may là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề thì bán lẻ và nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng không kém.
Ngành bán lẻ bị giảm tới 70% doanh số; ngành cơ khí, chế tạo gặp khó khăn. Công nghiệp ô-tô tăng trưởng giảm 10% so với 2019. Năm 2021 khi COVID-19 bùng phát trở lại, chính sách giảm phí trước bạ không còn nên sản lượng doanh nghiệp ô-tô giảm từ 32-50% so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhu cầu trong nước và quốc tế giảm, trừ gạo và một số sản phẩm như cá tra, tôm.
Chi phí lưu thông tăng cao khiến cho nhiều doanh nghiệp phải phá sản. “Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản cao cấp, vận chuyển bằng đường hàng không, chi phí vận chuyển tăng quá cao khiến doanh nghiệp không thể xuất được hàng.
Công ty may Hồ Gươm ở Bắc Ninh xuất khẩu lá tía tô đi Nhật do chi phí vận chuyển quá cao nên từ tháng 3-2020 công ty không xuất khẩu được, phải phá bỏ vùng nguyên liệu và cho công nhân nghỉ việc”, dự thảo báo cáo cho biết.
Ngoài ra, thiếu container rỗng và giá thuê container tăng cao cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản. “Giá container đi thị trường Trung Đông tăng từ 2000 USD/container lên 10.000 USD/container”, dự thảo cho hay.
Ngành hiếm hoi tăng trưởng là xuất khẩu lâm sản. Năm 2020 ngành này ước tăng 11,5% kim ngạch xuất khẩu so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
“Một trong những nguyên nhân chính đem lại kết quả này là do Nhà nước quan tâm và kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ, lâm sản”, dự thảo cho biết.
Dù Chính phủ có Nghị định 57/2018 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng dự thảo nói doanh nghiệp chưa tiếp cận được. Ngay cả chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cũng vậy.
“Đầu năm 2021 khi COVID-19 tái diễn, doanh nghiệp tiếp tục bị dừng đơn hàng hoặc lưu thông hàng hóa khó khăn, một số doanh nghiệp không tiêu thụ được, phải chặt bỏ cây trồng và đối mặt với nguy cơ thua lỗ”, dự thảo báo cáo nêu.
Ngoài ra, một khó khăn nữa là dù khó khăn về tài chính, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đóng 2% kinh phí công đoàn. Một số quy định mới về môi trường, nước thải sắp được ban hành quá khắt khe cũng là nguy cơ khiến doanh nghiệp có thể mất thị trường.
Ngành vận tải, logistics cũng gặp khó khăn do nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa sụt giảm. Giá thuê container tăng mạnh nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi, chủ yếu là các hãng tàu nước ngoài.
“COVID-19 diễn ra phức tạp nhưng các quốc gia lại có chính sách lưu thông hàng hóa, dịch vụ khác nhau dẫn tới việc vận tải khó khăn, ùn tắc và chi phí tăng. Thảm cảnh này khiến doanh thu của các công ty vận tải biển khó bù được chi phí”, dự thảo cho biết.
(Theo Pháp Luật TP.HCM)
Các hãng vận chuyển đền bù mất hàng như thế nào
Nếu cung cấp đầy đủ hóa đơn, hàng bị mất hoặc hư hỏng có thể được hãng vận chuyển bồi thường 100% giá trị.