Các “đại gia” ở Gia Lai, người mua máy bay, người chi tiền tỷ tài trợ cho thể thao... Thế nhưng cũng chính họ lại “xù” bảo hiểm xã hội của hàng trăm lao động đang hàng ngày tạo ra lợi nhuận cho họ.
TIN BÀI KHÁC


Các “đại gia” nói ở đây là ông chủ của các tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai và Quang Đức.

“Đại gia” tiếc tiền lẻ?

Chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Hức – Phụ trách Ban Nội chính Tập đoàn Đức Long Gia Lai, nơi có các công ty chế biến gỗ, đá quy mô lớn tại Khu công nghiệp Trà Đa. Theo ông Hức, các công ty này hiện có khoảng 2.000 lao động làm việc thường xuyên.

Nhiều công nhân trong số này vẫn chưa hiểu rõ về quyền lợi khi tham gia BHXH.

Ông Hức cũng “khoe” rằng mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước và người lao động, tập đoàn đều thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên khi chúng tôi làm việc với cơ quan BHXH thành phố Pleiku thì được biết: Các công ty của Tập đoàn Đức Long Gia Lai chỉ đóng BHXH cho vỏn vẹn 45 người.

Lãnh đạo BHXH thành phố Pleiku còn “hé lộ” chi tiết: Có một doanh nghiệp của Đức Long Gia Lai mang quyết định lương đến đóng bảo hiểm. Trong khi lương của người lao động là 7 triệu đồng/tháng, họ lại chỉ đóng ở mức tối thiểu (1.050.000 đồng) và giải thích đấy là “quyền” của người lao động (?).

Nhà máy sản xuất gỗ Trà Bá của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có gần 700 công nhân đang làm việc. Thế nhưng theo cơ quan BHXH thành phố Pleiku, chỉ có 480 công nhân được đóng bảo hiểm. Theo ông giám đốc điều hành nhà máy này thì chỉ những công nhân làm việc từ 1 năm trở lên mới được đóng bảo hiểm. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi một công nhân ở phân xưởng phun sơn thì được biết: Chị đã làm việc 2 năm tại đây nhưng chưa được ký hợp đồng.

Một trường hợp khác ở phân xưởng hoàn thiện có mức lương khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng hàng tháng chỉ bị trừ 100 nghìn đồng tiền BHXH. Trong khi theo quy định, lẽ ra người này phải đóng 6,5% mức lương, bằng 162,5 nghìn đồng/tháng. Theo công nhân này thì đó là mức đóng quy định của công ty (?).

Với Công ty Quang Đức, ông Hoàng Văn Trung - Phó Tổng Giám đốc thường trực, phụ trách Tài chính cho biết: Công ty này đã tham gia đóng bảo hiểm cho 800 lao động. Tuy nhiên, ông Trung lại từ chối cho biết số lao động thực tế hiện nay tại công ty.

Theo phản ảnh của ông Chủ tịch xã Ia Puch - nơi Công ty Quang Đức đầu tư trồng cao su thì nhiều lao động làm việc cho công ty này 2- 3 năm nay vẫn chưa được đóng bảo hiểm.

Tỉnh “nể” đại gia?

Một câu hỏi đặt ra: Số lao động thực tế đáng lẽ phải được hưởng quyền lợi BHXH tại Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai và Quang Đức là bao nhiêu? Các “đại gia” này “lách” bảo hiểm của người lao động mỗi năm là bao nhiêu?

Theo số liệu của Phòng Tổ chức Lao động Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: Riêng địa bàn tỉnh Gia Lai, tập đoàn này có hơn 5.000 lao động, nhưng số lao động được tham gia BHXH, theo BHXH thành phố Pleiku, chỉ hơn 1.300 người, và cũng chỉ đóng đến mức lương 3-4 triệu đồng.

Ông Thới Văn Đạo – Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai nói rằng: Chức năng của BHXH chỉ có nhiệm vụ giải thích nghĩa vụ của DN. Những trường hợp nợ đọng, trốn đóng BHXH, cơ quan chỉ làm báo cáo gửi LĐLĐ tỉnh và Sở LĐTBXH, còn việc thanh tra, xử lý là chức trách của 2 cơ quan này…

Đến Sở LĐTBXH, trao đổi với chúng tôi, một vị lãnh đạo thừa nhận là có tình trạng này và ông cho biết: Từ năm 2005 đến nay chưa một lần thanh tra tình hình sử dụng lao động tại các tập đoàn này. Thanh tra sở đã nhiều lần gửi báo cáo đến Thanh tra Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở LĐTBXH và được biết các cơ quan này cũng đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên đến đây thì bị “ách”. Lý do có lẽ là các “đại gia”(?!)

(Theo Dân Việt)