Ngày 23/10, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật Sân khấu Kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”.
Sân khấu hiện tại đang thiếu “gốc”
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của sân khấu kịch hiện nay là một chuỗi liên hoàn những bất cập. Trước hết, việc thiếu hụt khán giả khiến cho nguồn thu từ việc bán vé của loại hình này hiện nay rất thấp, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn.
Chế độ đãi ngộ nghệ sĩ kém, rất nhiều NSND, NSƯT vẫn là các diễn viên hạng 3, hạng 4 với mức lương và chế độ thấp. Chỉ tiêu biên chế hạn hẹp, các quy định về nhân sự nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng thiếu hụt diễn viên trẻ tài năng.
Vì điều này khiến cho nhiều khoa đào tào nghệ thuật sân khấu của các trường đại học nhiều năm gặp khó khăn nghiêm trọng trong khâu tuyển sinh như khó tuyển sinh, khó đào tạo, thiếu hụt lớp kế cận, người nghệ sĩ khó chuyên tâm vào nghệ thuật do không thể chỉ sống bằng nghề...
"Chính những liên hoàn đó khiến cho nghệ thuật sân khấu kịch nói dần mai một trước tác động mạnh mẽ của yếu tố thị trường. Đó là một điều vô cùng đáng tiếc, đáng lo ngại", NSND Trung Hiếu nói.
“Việc sân khấu thiếu vắng khán giả, tôi nghĩ đó là sự thiếu hụt từ “gốc”, từ “gốc” của nguồn “cung”, từ “gốc của nguồn “cầu”. Trên thực tế, hai nguồn nhân lực “cung” và “cầu” này lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tuy vậy, có một thực tế cần phải nhìn nhận thắng thắn, đó là nguồn “cung” vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, chưa đủ sức mạnh để kéo khán giả đến với sân khấu. Sự thiếu hụt nhân sự từ khâu kịch bản, âm nhạc, đạo diễn … đều là vấn đề bức thiết hiện nay”, NSND Trung Hiếu nêu thực trạng.
NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam khẳng định, bên cạnh yếu tố chủ quan từ các đơn vị nghệ thuật chưa thực sự có hướng đi đúng, còn có nhiều cứng nhắc trong cách tiếp cận khán giả, thì yếu tố khách quan từ sự bùng nổ quá nhanh, quá mạnh của nền kinh tế thị trường cũng đã ảnh hưởng đến việc khán giả đi xem kịch, đặc biệt là kịch chính luận.
"Sức cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại khiến sân khấu không còn sức hút như giai đoạn trước, dù những người làm sân khấu nghĩ đủ phương thức để kéo khán giả tới rạp", NSƯT Xuân Bắc cho biết.
Theo NSND Minh Ngọc, Kịch nói đang thiếu những dấu ấn và phong cách sáng tạo riêng, thiếu tính đối thoại, phản biện từ cuộc sống. Kịch nói phải chạm đến góc khuất của những tấm gương hy sinh vì cộng đồng và dự báo một cuộc sống trong điều kiện bình thường mới người dân.
Để sân khấu tìm lại khán giả
Theo đạo diễn Trần Lực, ông chủ của sân khấu tư nhân Lucteam đã rút ra một nhận định có ý nghĩa sống còn đối với các đoàn nghệ thuật hiện nay: "Không phải khán giả đang quay lưng lại với sân khấu mà là chúng ta (những người làm nghề) sẽ cho khán giả ăn món gì". Điều đó có nghĩa, khán giả không từ bỏ sân khấu mà là các nhà hát, các đoàn nghệ thuật sẽ mang tới cho khán giả những vở kịch nói có chất lượng như thế nào?
Nhớ lại thời kỳ đầu sân khấu rơi vào khủng hoảng, để chiều theo thị hiếu của người xem, những chương trình trên sân khấu đã được xây dựng nhanh chóng, đáp ứng theo nhu cầu của khán giả. Đã từng có một khoảng thời gian, người ta đổ xô đi mua vé để xem hài kịch đơn giản hay những chương trình giải trí dễ dãi vào cuối tuần. Sân khấu lúc ý chỉ còn những vở diễn với tiếng cười đơn giản, thậm chí có phần "rẻ tiền" và đôi khi kèm theo các yếu tố sốc, sex. Chính kịch được coi là một "món ăn khó" đối với khán giả và gần như bị lãng quên, bởi không còn khán giả đến xem.
"Kịch nói Việt Nam phải có sự thay đổi, lột xác mạnh mẽ ngay từ hình thức dàn dựng, biểu diễn lẫn phương thức tiếp cận khán giả. Đại dịch Covid-19 cũng là dịp cho nghệ sĩ sân khấu kịch nói nhìn lại và thích ứng để tồn tại. Trước mắt là đội ngũ làm nghề đúng nghĩa không thể buông xuôi mà phải chỉnh đốn ngay những mặt chưa làm được thông qua đề án cải tiến. Sớm kiến nghị với địa phương, tham mưu với chính quyền để giữ cho được những ưu thế đang có", NSND Minh Ngọc chia sẻ.
“Khi nguồn “cầu” là đối tượng khán giả trẻ quay lưng lại với nghệ thuật sân khấu truyền thống, đó là do họ thiếu sự tìm hiểu, hứng thú. Và căn nguyên của sự thiếu hiểu biết, kém hứng thú đó một phần lớn xuất phát từ sự giáo dục. Những giá trị nghệ thuật truyền thống cần được đưa vào giảng dạy trên trường lớp, ngay từ khi còn nhỏ. Vậy mới có cách nói, có khái niệm “con nhà nòi”. Bởi khi được tiếp xúc, định hướng và đào tạo từ nhỏ, được sống và học tập trong môi trường có tính nghệ thuật, năng khiếu nghệ thuật và khả năng, trình độ cảm thụ nghệ thuật của thế hệ khán giả tương lai sẽ được định hướng và nâng cao theo thời gian. Nguồn “cầu” này sẽ là lượng khán giả tiềm năng chính trong hiện tại và tương lai của chính các Nhà hát”, NSND Trung Hiếu nêu giải pháp.
Tình Lê
NSƯT Quang Thắng tham gia vở diễn mới của NSND Trung Hiếu
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội dựng vở 'Làng song sinh' để chuẩn bị tham gia Liên hoan sân khấu diễn ra vào tháng 11 tới.