- Dư luận đã bày tỏ nghi vấn đối với hành vi hút cát của những con tàu khổng lồ trên vùng biển Cửa Nhượng đã đăng trên VietNamNet. “Ai dám khẳng định đó là loại cát đơn thuần”, GĐ Sở TN&MT Hà Tĩnh nói.
“Ai biết tàu khai thác cái gì?”
Liên quan đến những thông tin về những con tàu mang quốc tịch Bỉ ngang nhiên khai thác tài nguyên tại vùng biển Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trong gần 1 năm qua, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT khẳng định phải làm rõ.
Ông Đinh cho biết, việc hút cát, khai thác tài nguyên ngoài phạm vi cho phép của những con tàu này là vi phạm pháp luật Việt Nam. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã cử đoàn cán bộ xuống kiểm tra.
Vị GĐ Sở cũng bày tỏ nghi vấn khi không ai dám khẳng định chắc chắn những con
tàu này chỉ hút cát thông thường chỉ để san lấp mặt bằng.
“Chúng tôi báo cáo tỉnh là phải làm rõ hành vi hút cát của các con tàu. Vì sợ đó không phải là loại cát bình thường... Đã hút thì ảnh hưởng đến môi trường rồi, đó là chưa nói có hút cả các rặng san hô và thảm thực vật dưới biển không”, ông Đinh cho biết thêm.
Hình ảnh tàu Vasco De Gama bỏ chạy sau khi phát hiện nhóm PV. VietNamNet mục kích hành vi khai thác trái phép trên biển ngày 4/8 vừa qua. |
Ông Đinh cũng khẳng định hành vi khai thác tài nguyên trái phép này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngư trường đánh bắt của ngư dân ở vùng biển này.
Không chỉ riêng ông Đinh mà trao đổi với VietNamNet trước đó, rất nhiều ngư dân,
lãnh đạo chính quyền xã huyện, đồn biên phòng cũng bày tỏ nghi ngờ khi những con
tàu này ra vùng biển Cửa Nhượng hút cát.
“Việc hút cát này hết sức nguy hiểm, làm hại đến ngư trường đánh bắt, đời sống ngư dân, môi trường trên biển bị đảo lộn. Mà cũng không biết họ lấy cát hay khai thác tài nguyên quý giá gì nữa. Ai dám khẳng định chỉ hút cát?”, ông Trần Hữu Duyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nói.
Con tàu thứ 2 thường ra vùng biển Cửa Nhượng khai thác chính là tàu Batutta, đã từng phản ánh trên VietNamNet. |
Một lãnh đạo Đồn biên phòng Vũng Áng cho biết, cũng đã từng nghe dư luận nghi
vấn con tàu này không chỉ khai thác cát mà có thể có tài nguyên khác. Lực lượng
trinh sát đã điều tra, tuy nhiên không phát hiện chuyện đó.
Những thông số khủng
Theo như miêu tả của người dân và lực lượng biên phòng Cửa Sót, ngoài con tàu Vasco De Gama mà nhóm phóng viên trực tiếp mục kích, bắt quả tang thì còn có con tàu thứ 2, màu trắng thường xuyên ra vùng biển này hút cát.
Hình ảnh lực lượng Hải đoàn 38 (Bộ tư lệnh BP) đang lập biên bản, xử phạt 40 triệu hành vi khai thác cát trái phép vào tháng 3/2013. Tuy nhiên tàu này vẫn bất chấp pháp luật VN, tiếp tục ra khai thác. |
Cùng với sự khẳng định của lãnh đạo đồn Biên phòng Vũng Áng, lâu nay chỉ có 2
con tàu Vasco De Gama và Batutta (đội tàu nạo vét đến từ Vương Quốc Bỉ), có thể
khẳng định “con tàu màu trắng” như miêu tả của ngư dân chính là tàu Batutta – đã
từng được phản ánh trên VietNamNet tháng 6/2012.
Thông tin từ Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh, trong đội tàu nạo vét của Cty Jan De Nul
đến từ Bỉ (hợp đồng nạo vét, hút cát phục vụ công trình Cảng Sơn Dương - Dự án
Formosa) thì 2 con tàu đang tiến hành hút cát trái phép có thông số "khủng" nhất.
Lớn nhất trong số 11 con tàu đến từ Bỉ là Vasco De Gama có chiều dài lên tới
201,4m, trọng tải lên tới 59,325 tấn, thông số GRT (dung tải đăng ký) là 36576
tấn. Còn tàu Batuta có chiều dài 138,5m, trọng tải 8,626 tấn, GRT 8015 tấn.
Việc khai thác tài nguyên, làm hại ngư dân, ngư trường gần 1 năm qua cần được làm rõ và dư luận cũng rất quan tâm đến trách nhiệm các cơ quan quản lý, vì sự việc này ngay từ đầu tỉnh và các cơ quan đều biết. |
Với những con số khổng lồ trên, mỗi lần hút cát, những con tàu này có thể khai thác và chở đi hàng nghìn đến hàng chục nghìn khối.
Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQL KKT Vũng Áng cho biết, những con tàu này chỉ được phép nạo vét hút cát trong phạm vi, vùng biển cho phép tại Vũng Áng. Việc hút cát ngoài phạm vi này là vi phạm.
Ông Tuấn cho biết thêm, sau khi nhận phản ánh từ VietNamNet, BQL sẽ yêu cầu nhà thầu (Cty Jan De Nul) và Cty TNHH Hưng nghiệp Formosa thực hiện nghiêm quy định của Việt Nam, không được phép khai thác tài nguyên tại vùng biển khác.
Chúng tôi đang cố gắng liên hệ với Fomosa và Cty Jan de Nul để có thêm thêm
thông tin, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của những con tàu nước
ngoài này.
Duy Tuấn