Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, tham gia vào CPTPP, hy vọng lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, để bớt sự tập trung quá lớn vào thị trường Trung Quốc như hiện nay, chính là Nhật Bản.
Bộ Công Thương vừa có văn bản lấy ý kiến các bộ về việc báo cáo thực hiện CPTPP và EVFTA.
Trong đó, Bộ Công Thương cho hay, Vương quốc Anh đã chính thức nộp đơn vào đầu năm 2021, trở thành nước đầu tiên xin gia nhập sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Trên cơ sở đó, tại phiên họp Hội đồng CPTPP (cấp bộ trưởng) lần thứ 4 vào ngày 2/6/2021, các bộ trưởng CPTPP đã thông qua Quyết định về việc khởi động quá trình đàm phán gia nhập của Vương quốc Anh và thành lập nhóm công tác gia nhập Hiệp định CPTPP đối với Vương quốc Anh. Theo đó, các nước thành viên CPTPP đã tổ chức phiên họp đầu tiên của nhóm công tác này vào ngày 28/9/2021 để làm rõ và đánh giá về mức độ phù hợp của hệ thống pháp luật và chính sách quản lý kinh tế - thương mại đang được nước này áp dụng vào các quy định của CPTPP.
Hiện tại, các nước thành viên CPTPP đang trong quá trình đàm phán với Vương quốc Anh về yêu cầu nước này mở cửa thị trường trong các lĩnh vực, gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, mua sắm chính phủ, dịch vụ tài chính, doanh nghiệp nhà nước (SOE); song song với việc đánh giá khả năng tuân thủ cam kết Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh. Tính đến tháng 8 năm 2022, các nước thành viên CPTPP đã tổ chức 2 phiên đàm phán mở cửa thị trường đối với Vương quốc Anh.
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, cho đến nay, ngoài Vương quốc Anh, đã có 4 nền kinh tế nộp đơn xin gia nhập là Trung Quốc, Đài Loan, Ecuador và Costa Rica. Tuy vậy, các nước thành viên CPTPP chưa thống nhất được quan điểm chung và định hướng xử lý đối với đơn xin gia nhập của các nền kinh tế này.
Ngoài ra, thời gian qua, một số các nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan cũng bày tỏ sự quan tâm gia nhập Hiệp định CPTPP nhưng tất cả chỉ dừng ở mức tìm hiểu, chứ chưa nộp đơn gia nhập chính thức. Theo đó, Bộ đã luôn chủ động theo sát tình hình các nền kinh tế quan tâm gia nhập, kịp thời xây dựng quan điểm, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Hiệp định đã được ký kết ngày 8/3/2018 tại thành phố Santiago, Chile và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định gồm: Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Đối với Việt Nam, Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.
Các nước CPTPP chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD. Việc tham gia CPTPP là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh...