Vài năm trở lại đây, trên thị trường tài chính Việt Nam xuất hiện một loại hình dịch vụ mới - cho vay ngang hàng (P2P Lending) - được kỳ vọng giải bài toán nan giải của thị trường vốn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng, lãi suất cao dễ dẫn đến mất khả năng thanh toán, người vay tiền phải chịu các biện pháp đòi nợ kiểu xã hội đen.
Nhiều tiện ích hấp dẫn
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng khi dân số hơn 96 triệu người, trong đó có tới 60% nằm trong độ tuổi lao động. Theo báo cáo của Stoxplus (công ty chuyên cung cấp thông tin về tài chính và doanh nghiệp Việt Nam), giá trị của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam ước đạt 1 triệu tỉ đồng vào năm 2019.
Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động P2P Lending |
Thế nhưng, một thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, 79% người dân khó hoặc không tiếp cận được các dịch vụ tài chính chính thức. Ngân hàng chưa hỗ trợ các dịch vụ vay vốn nhỏ vì chi phí vận hành lớn, không có đủ mạng lưới hoặc nguồn lực con người… Chính hạn chế này đã tạo điều kiện cho tín dụng đen có cơ hội “bủa vây” người dân. Mô hình P2P Lending được xem là giải pháp mới có khả năng giải bài toán nan giải đó.
P2P Lending được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Một ưu điểm của P2P Lending là dựa trên công nghệ Big Data, việc phân tích đánh giá và kiểm soát tất cả thông tin khách hàng hoàn toàn trực tuyến. Qua đó, việc thẩm định thông tin khách hàng sẽ nhanh, hiệu quả và chi phí thấp hơn rất nhiều so với hình thức truyền thống. Bên cạnh đó, lãi suất được tính dựa trên cơ sở phân tích thông tin khách hàng, tài khoản mạng xã hội, tín nhiệm xã hội… và khách hàng sẽ được chia thành các nhóm tương ứng như của ngân hàng truyền thống. Hơn nữa, nhiều phân tích cho rằng, P2P Lending được xem là giải pháp giảm thiểu tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ”, cho vay trái pháp luật.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Phạm Xuân Hòe cho hay, với P2P Lending, người cho vay sẽ thu lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm thông thường, người cho vay có thể tiếp cận được nhiều người vay một lúc, có thể phân tán rủi ro. Ngoài ra, P2P Lending giúp cho các kênh dẫn vốn trên thị trường trở nên đa dạng, tăng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc siêu nhỏ khi có nhu cầu vốn ngắn hạn có thể tiếp cận nguồn tín dụng dễ dàng hơn.
“Nếu mô hình P2P Lending được quản lý tốt sẽ thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế. Việc phân bổ nguồn lực tài chính hiệu quả hơn theo nguyên tắc thị trường”, ông Phạm Xuân Hòe nhận định.
Thực tế, P2P Lending đã phát triển ở nhiều nước kể từ khi xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 2005. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có quy định của pháp luật nhưng hiện có 40 doanh nghiệp P2P Lending đang hoạt động, trong đó có 10 doanh nghiệp có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số doanh nghiệp từ Indonesia và Singapore.
Bà Dương Nguyễn - chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): “Hiện chưa có một chuẩn mực quản lý thống nhất trên toàn cầu đối với P2P Lending. Xu hướng chung là các nước cố gắng cân bằng giữa rủi ro và lợi ích, giữa tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo và sự lành mạnh của thị trường tài chính”. |
Rủi ro khó kiểm soát
Nói về những mặt tích cực của P2P Lending, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng từng thừa nhận, nếu được quản lý tốt, P2P Lending sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống ngân hàng chưa phát triển, người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng với chi phí thấp, ít thủ tục.
Tuy nhiên, phân tích ở khía cạnh nguy cơ tiềm ẩn của P2P Lending, nhiều chuyên gia cho rằng, rủi ro không hề nhỏ. Người cho vay có nguy cơ mất trắng tiền khi không có bảo hiểm, hành lang pháp lý bảo hộ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cũng đã lên tiếng khẳng định, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về lĩnh vực này. Vì thế, NHNN yêu cầu các TCTD tìm hiểu, nắm rõ các rủi ro phát sinh từ P2P Lending, đồng thời thận trọng trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty P2P Lending để không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của TCTD và hệ thống ngân hàng.
Mặc dù thừa nhận những mặt tích cực nhưng chuyên gia Phạm Xuân Hòe cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề rắc rối có thể sẽ xảy ra với cả người cho vay lẫn người đi vay. Cụ thể, thông tin người vay có thể bị giả mạo, nguy hiểm hơn là không thể kiểm soát được việc sử dụng vốn nên có thể dẫn tới nợ xấu. Tệ hơn, trong trường hợp hacker tấn công làm sập sàn, mất hết dữ liệu, hợp đồng vay điện tử, chữ ký số mất hết… thì người cho vay lấy căn cứ gì để đòi tiền? Hoặc đối với các sàn cho vay ảo dưới dạng lừa đảo thì hậu quả sẽ ra sao?...
Còn về phía người đi vay, theo ông Hòe, dễ chịu rủi ro khi bị “chặt chém” về lãi suất và phí cao do thiếu hiểu biết. Thông tin cá nhân của người đi vay cung cấp có thể bị rò rỉ, bị bán. Nếu không trả được nợ, người vay tiền có thể phải chịu các biện pháp đòi nợ kiểu xã hội đen.
Phân tích ở một góc độ khác về nguy cơ, TS Cấn Văn Lực cho rằng, hình thức P2P Lending do đôi bên thỏa thuận và không theo quy định nào của NHNN, do vậy lãi suất sẽ rất cao. Lãi suất cao dẫn tới hệ lụy là người đi vay không đủ thu nhập trang trải lãi suất đúng hạn, từ đó dẫn đến lãi chồng lãi, thậm chí có thể mất nhà cửa, tài sản, gây nên những hậu quả xã hội khôn lường...
“Đó là chưa kể đến những biến tướng của P2P Lending như tín dụng đen trá hình hoặc lừa đảo. Trong khi đó, người cho vay lại không có khả năng thẩm định năng lực tài chính của người đi vay, còn các công ty môi giới chỉ đứng ra thu thập thông tin giữa hai bên, hoàn toàn không chịu trách nhiệm gì đối với kết quả của việc vay mượn này. Giữa các bên vay và cho vay lại hoàn toàn không có hợp đồng, không có thỏa thuận, vì vậy rủi ro rất lớn đổ lên đầu cả bên cho vay và bên vay” - TS Cấn Văn Lực cho biết.
Lo lắng những rủi ro ở tầm vĩ mô, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO - cảnh báo: Các công ty P2P Lending không phải là TCTD để chịu sự quản lý của NHNN. Nhà đầu tư có tiền cho vay, trách nhiệm và rủi ro sẽ rất lớn. Ngược lại, rủi ro cho người vay cũng có nếu như dịch vụ tăng lãi suất bất ngờ, thay đổi các điều kiện cho vay và thanh toán... Mô hình này nếu không có quy định cụ thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, cung tiền cho nền kinh tế khi nguồn tiền nhàn rỗi bị hút vào P2P Lending.
Mặc dù chỉ ra những nguy cơ lớn nhưng vẫn không thể phủ nhận những lợi ích mà P2P Lending mang lại. Để P2P Lending hoạt động minh bạch, giảm thiểu rủi ro, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có khung pháp lý và giám sát hoạt động chặt chẽ để không xảy ra biến tướng, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
TS Cấn Văn Lực khuyến nghị: Để P2P Lending đi vào khuôn khổ có 3 việc phải làm: Xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) để nhận diện một cách dễ dàng; có khung pháp lý cho các công ty fintech; có một nghị định về quản lý cho vay ngang hàng.
Theo Petrotimes