Thông tin do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, cung cấp.

Trong số 71 ca dưới 18 tuổi nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng năm 2023, nhóm dưới 16 tuổi có 27 người; nhóm từ 16-18 tuổi là 44 người. Ngoài ra, 58 người từ 19-24 tuổi; từ 25-44 tuổi là 138 người; từ 45-64 tuổi là 580 người nhập viện; từ 65 tuổi trở lên là 580 người. Không chỉ nam giới mà số nữ giới sử dụng loại thuốc lá mới này cũng không ít (khoảng 10%).

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam (qua nhiều cách khác nhau) trong gần 10 năm trở lại đây.

Các loại thuốc lá này có sử dụng nhiều hương liệu, nguyên liệu, hóa chất khác nhau. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hút thuốc lá điếu thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe và kinh tế và cần nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) có thành phần nicotin sẽ nhanh chóng gây nghiện và gia tăng số người sử dụng theo thời gian.

"Khi đó, thuốc lá mới sẽ đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam", PGS Khuê nói.

W-thuocla-thachthao-1.jpg
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam trong gần 10 năm trở lại đây. 

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ở nước ta cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành ở nước ta giảm trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023).

Tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên cũng giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019; nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014) xuống còn 1,9% năm 2022.

Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt là trong giới trẻ đang có xu hướng tăng.

Cụ thể, theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS) cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỷ lệ là 7,3%; sau đó là các nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%); 45-64 tuổi (1,4%).

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 cũng tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.

Theo Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử có chứa nicotin là một hoá chất gây nghiện cao, là nguyên nhân dẫn đến nghiện nicotin và các nguy cơ khác bao gồm các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác. 

Hiện nay các sản phẩm thuốc lá nung nóng rất đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm kết hợp (lai) giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử, pha trộn, tẩm ướp dung dịch điện tử khiến cho việc kiểm tra và nhận biết khó khăn như sản phẩm thuốc lá mới sử dụng công nghệ hybrid, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá.