– Dịch tay chân miệng đã lan rộng ra các tỉnh phía Bắc. Công tác chuẩn bị đối phó với dịch ở các trường học, đặc biệt là trường mầm non hiện đang được triển khai. Tuy vậy, vẫn có những nơi công tác phòng dịch chưa được chú trọng đúng mức.
TIN LIÊN QUAN:
>>
Thêm một trẻ em tử vong do bệnh tay chân miệng
>>
Dịch tay chân miệng lan
rộng ra phía Bắc
Vệ sinh môi trường, chuẩn bị đủ xà phòng
Để kiểm soát dịch bệnh, nhất là trước thềm năm học mới như ở thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã thành lập 4 đoàn thanh tra, bắt đầu kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với dịch tại các trường học trên toàn thành phố, đặc biệt là 837 trường mầm non. Việc thanh tra này tiến hành từ ngày 22 đến 25/8.
Các trường học đang gấp rút phòng chống dịch tay chân miệng - (Ảnh: N.Anh) |
Hiện nay, các trường học đã bắt tay vào việc vệ sinh môi trường nhưng có những nơi chưa được chú trọng đúng mức.
Ông Đỗ Quang Hợp, hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trường đã tuyên truyền về dịch bệnh trong giáo viên, học sinh theo công văn chỉ đạo của Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố.
Ngoài ra, toàn trường đã tổng vệ sinh môi trường, xử lý lại khu vệ sinh, chuẩn bị đầy đủ xà phòng và yêu cầu các học sinh rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Nếu có bất kể học sinh nào bị sốt, ốm, nhà trường đều yêu cầu gia đình cho con nghỉ học.
“Hiện nay nhà trường tập trung công tác phòng bị, thực tế thì chưa có vấn đề gì xảy ra”, ông Hợp nói.
Tuy nhiên, theo khảo sát của VietNamNet, nhiều trường học, kể cả các trường mầm non, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện vẫn chưa chú trọng đúng mức tới công tác vệ sinh phòng chống dịch cho học sinh.
Nhiều phụ huynh có con theo học tại trường mầm non Gia Thụy (quận Long Biên) cho biết hiện vẫn chưa thấy nhà trường cảnh báo gì về dịch đến các phụ huynh.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận Long Biên như Ngọc Thụy, Bồ Đề, Lâm Du, vv… Tại các trường này, các điểm rửa tay bằng xà phòng cũng chưa được trang bị, tờ rơi tuyên truyền về dịch cũng không thấy dán ở cửa lớp hay cổng trường.
Hiện nay, dù các em học sinh đã đi học rất đầy đủ nhưng việc phổ biến tình hình dịch bệnh và cách phòng chống đến phụ huynh để cùng phối hợp phòng chống vẫn chưa được tiến hành (trong khi đây là một nội dung quan trọng bởi phải phòng bệnh đồng bộ, toàn diện từ nhà đến trường).
Tại trường Tiểu học Cát Linh, học sinh phải có trách nhiệm về nói với cha mẹ về tình hình dịch bệnh và cách phòng chống!
Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội cho biết hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố đều đã có cán bộ y tế song các chuyên gia về dịch tễ, lâm sàng cho rằng điều này cũng chưa thể yên tâm hoàn toàn về công tác phòng chống dịch, bởi các triệu chứng ban đầu của bệnh tay chân miệng cũng rất giống các bệnh nhiệt đới khác.
Vì vậy, nếu không chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức về dịch bệnh cho cán bộ y tế trường học thì việc kiểm soát dịch sẽ khó đạt hiệu quả.
Nguy cơ dịch lan rộng trước thềm năm học mới
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện nay hầu hết các tỉnh miền Bắc đã có dịch tay chân miệng ở mức độ nhẹ và dịch chưa có dấu hiệu lây lan.
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục y tế dự phòng – Người phát ngôn của Bộ Y tế - cho biết nếu không chủ động khoanh vùng dập dịch và chuẩn bị các phương án đối phó thì kịch bản dịch tay chân miệng đang hoành hành ở phía Nam sẽ dễ được tái hiện ở phía Bắc.
Nếu không khoanh vùng, dập dịch kịp thời thì nguy cơ dịch lan rộng là rất lớn, rất là ở thời điểm năm học mới đã bắt đầu (Ảnh: N.Anh) |
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội phát hiện khoảng 120 bệnh nhân tay - chân - miệng, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh xuất hiện rải rác tại gần 70 xã, phường của 20 quận, huyện và chưa có trường hợp tử vong. Tuy vậy, mỗi ngày vẫn có khoảng vài chục ca bệnh mắc tay chân miệng đến khám tại bệnh viện Nhi TƯ và các bệnh viện trực thuộc thành phố. Nếu các biện pháp kiểm soát không hiệu quả thì dịch có nguy cơ bùng phát, lây lan mạnh.
Tính đến nay cả nước đã có 35.623 ca mắc tay chân miệng tại 59 địa phương, trong đó có 83 ca tử vong tại 17 tỉnh thành (chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi).
Cục Y tế dự phòng dự báo tháng 9 đến tháng 11 là tháng cao điểm của dịch tay chân miệng. Vì thế, công tác phòng chống càng phải được làm chặt chẽ, triệt để hơn nữa.
Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết virus gây bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa và thời gian tồn tại lâu. Vì thế, việc giữ gìn vệ sinh đặc biệt phải chú trọng, nhất là bàn tay.
“Bàn tay bẩn là đường lây vô hình và vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần giữ cho bàn tay sạch bằng cách rửa thường xuyên với xà bông diệt khuẩn thì nguy cơ mắc bệnh đa giảm xuống nhiều lần”, ông Dương nói.
N.Anh