- Gần đây, hàng loạt vụ án liên quan đến ma túy khi được đưa ra xét xử phúc thẩm tại Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đều đã bị tuyên hủy, nhiều bị cáo tạm thoát án tử hình. Dù đã nghe tuyên án, dù tạm thoát án tử nhưng nhiều tử tù vẫn chưa thực sự hiểu rõ lý do dẫn đến quyết định này của cơ quan tố tụng.
Những bị cáo tạm thoát án tử
Được tòa tuyên hủy án để xét xử lại, tử tù Nguyễn Văn Vĩnh (SN 1969, ngụ Bình Phước) lật đật với lấy đôi nạng gỗ cùng con rể là Nguyễn Quang Long (SN 1985, bị cáo trong vụ án) lên xe về trại. Chiếc còng số 8 khóa chặt cổ tay nhưng Long luôn bám sát cha, làm chỗ dựa cho những bước đi xiêu vẹo.
Tử tù Nguyễn Văn Vĩnh (chống nạng gỗ) tạm thoát án tử. |
Dù bị cụt một tay và một chân sau một tai nạn nhưng Nguyễn Văn Vĩnh trước đây vẫn là tay buôn phế liệu, đồ gỗ cũ có tiếng. Giữa năm 2012, trong một lần ra Nghệ An mua phế liệu, Vĩnh quen biết đối tượng tên Bảy (người dân tộc H Mông). Cuối năm đó, Vĩnh tình cờ gặp lại bạn cũ là Nguyễn Hữu Đức (SN 1968, TP.HCM), người này hỏi Vĩnh đi nhiều nơi có biết “mối” bán ma túy không để bán lại cho Đức kiếm lời. Câu hỏi ấy khiến Vĩnh nghĩ đến Bảy và bắt đầu sa chân vào con đường mua bán “cái chết trắng”. Tổng cộng, Vĩnh đã mua bán 1.327 gram heroin và chế phẩm heroin.
Cuối tháng 5, vụ án được đưa ra xử sơ thẩm, gã đàn ông tàn tật phải trả giá bằng bản án tử hình. Là đồng phạm giúp cha, Nguyễn Quang Long lãnh án 20 năm tù còn Đức lãnh án tù chung thân. Sau phiên tòa, cha con Vĩnh kháng cáo xin giảm án.
Sau khi xem xét, HĐXX quyết định tuyên hủy toàn bộ bản án với lý do bản án của cấp sơ thẩm chưa đáp ứng được tinh thần của Thông tư liên tịch số 17/2007 và công văn 234 của TAND Tối cao mới được ban hành vào ngày 17/9 vừa qua. Tòa hủy toàn bộ bản án, trả hồ sơ để cơ quan tố tụng giám định lại hàm lượng chất ma túy trong tổng số hơn 1.327 gram heroin và chế phẩm heroin bị cáo đã mua bán.
Trong một phiên tòa khác, nữ bị cáo Donna Buenagua Mazon (39 tuổi, quốc tịch Philippines) cũng được TAND Tối cao tuyên hủy bản án tử hình về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy” để xét xử lại từ đầu.
Là người nước ngoài, bị cáo chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì còn 2 đứa con thơ nhưng khi nghe nữ thông dịch cho biết tòa hủy án, gương mặt cô ngơ ngác. Lý do hủy án cũng vì bản án trên chưa đáp ứng được tinh thần của công văn 234 nói trên.
Mới đây nhất, ngày 11/11, Phạm Trung Dũng (37 tuổi, Việt kiều Úc) - bị cáo từng bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình về hành vi xách thuê gần 3,5kg ma cũng được tòa tuyên hủy án vì lý do tương tự.
“Giải mã” từ một công văn
Liên quan đến lý do hủy án, nội dung công văn 234/2014 ban hành ngày vào ngày 17/9 vừa qua của TANDTC ghi rõ như sau: để thực hiện đúng quy định tại chương XVIII của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 quy định với “Các tội phạm về ma túy”, Bộ Công an-Viện kiểm sát nhân dân Tối cao – Tòa án nhân dân Tối cao – Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch 17/2007 ngày 24/12/2007, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999.
Bị cáo Donna Buenagua Mazon (người Philippines) tại phiên phúc thẩm. |
Tuy nhiên, trên thực tế TAND Tối cao phát hiện nhiều vụ án HĐXX chỉ căn cứ vào kết quả giám định về trọng lượng của các chất nghi là ma túy thu được để kết tội bị cáo chứ không yêu cầu giám định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu được đó. Theo TAND Tối cao, như vậy là áp dụng không đúng quy định của BLHS và hướng dẫn của liên ngành, dẫn đến hậu quả nhiều bị cáo có thể bị xử oan, sai.
Thế nhưng, tại một hội nghị chuyên đề về ma túy mới đây do VKSND TP.HCM tổ chức với sự tham gia của Viện kiểm sát, Tòa án và Công an, đại diện các cơ quan này cho rằng: việc giám định hàm lượng chất ma túy chỉ cần thiết trong các trường hợp như đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch (như dung dịch thuốc phiện, dung dịch heroin dùng để tiêm, chích) hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng.
Việc quy định “trong mọi trường hợp…” đối với tiền chất ma túy cần phải xác định hàm lượng là không cần thiết. Bởi lẽ việc xác định hàm lượng không đơn giản, tốn nhiều thời gian, công sức, kéo dài thời gian, thậm chí gây “quá tải” tại cơ quan giám định.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, luật sư Trần Ngọc Quý cho rằng thực chất nội dung công văn 234/2014 của TANDTC không phải là mới, bởi yêu giám định hàm lượng từng được quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007. Việc xét xử không chỉ đảm bảo thực hiện các quy định pháp luật mà còn phải đảm bảo sự khách quan, công bằng, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo.
Luật sư Quý lấy ví dụ: chẳng hạn 2 bị cáo trong 2 vụ án khác nhau cùng mua bán 1kg ma túy dạng chế phẩm, nếu hàm lượng ma túy trong đó khác nhau thì trách nhiệm của các bị cáo phải khác nhau, sao có thể chỉ dựa vào khối lượng bằng nhau mà đánh đồng hình phạt?
Việc giám định hàm lượng biết là khó khăn, có thể kéo dài thời gian giải quyết các vụ án nhưng quyền lợi của các bị cáo sẽ được đảm bảo hơn, việc xét xử sẽ chính xác, công bằng hơn. Do vậy, quy định tại công văn 234/2014 của TAND Tối cao là cần thiết và nhìn ở một khía cạnh nào đó nó có tính nhân văn vì bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo.
M.Phượng