"Con sẽ không nhận được đồng xu nhỏ nào" - Diễn viên Sean Connery, 77 tuổi, đã nói với con trai như vậy. Con cái của những gia đình giàu có cũng thường được nghe bố mẹ nói những câu tương tự.


Nữ diễn viên Mỹ Gwyneth Paltrow. Nguồn ảnh: Celebrity-Parenting
Tài sản hiện nay của Sean Connery ước tính khoảng 170 triệu USD. Tuy nhiên, nam diễn viên gốc người Scotland vẫn không quên được thời thơ ấu nghèo khổ, khi phải sống trong căn phòng tồn tàn, không có cả phòng vệ sinh.

Những đồng tiền đầu tiên ông kiếm được là nhờ công việc đánh bóng quan tài. Con trai Jason Connery của ông năm nay 45 tuổi. Jason vừa hoàn thành bộ phim thứ hai trong cuộc đời làm đạo diễn.

Mặc dù rất cố gắng, nhưng sự nghiệp điện ảnh của Jason có vẻ là không thành công. Jason cũng không giàu có gì.

"Sean Connery rất muốn Jason thành công trong sự nghiệp và tự kiếm sống mà không sử dụng tài sản của ông ấy"- Vợ cũ của Connery là bà Diane Cliento cho biết như vậy. Bà cũng tiết lộ, rằng Sean không muốn chia tài sản cho con trai. Nghe được tin vợ cũ nói như vậy, Sean rất tức giận. Ông lên tiếng phản đối, nhưng tin đồn người vợ cũ đã nhanh chóng loan đi khắp thế giới.

Ký séc trả nợ bố

Nếu như lời đồn đại như trên là sự thật thì Sean Connery chắc sẽ không cảm thấy cô độc với danh nghĩa "lão nhà giàu hà tiện".

Bà Susan Mackenziem, chủ tịch tổ chức Philantropy UK cho biết: " Ngày càng có nhiều tỷ phú không muốn để lại tài sản khổng lồ cho con cái. Họ muốn để dành cho mục đích từ thiện. Ngày nay, đó là xu hướng thực sự. Chúng tôi quan sát thấy nhiều trường hợp như vậy".

Một trong những người nổi tiếng dành tài sản cho mục đích từ thiện là Bill Gates- nhà sáng lập Microsoft. Thay việc dành tài sản cho 3 người con, Bill Gates quyết định cùng với người vợ lập một quỹ từ thiện  mang tên hai người.

Nhà tỷ phú Warren Buffett (đứng thứ hai trong danh sách những người giàu nhất hành tinh do tạp chí Fobes đưa ra) cũng là quyết định phân tán trên 80% tài sản của mình.

Con gái của ông kể, một lần cô không có tiền lẻ để trả tiền cho chỗ đỗ xe. Buffett cho cô vay 20 USD, sau đó buộc cô phải ký séc trả cho ông ấy.

Khi cô hỏi vay ông tiền để sửa nhà, ông bảo cô ra ngân hàng mà vay. "Các bậc phụ huynh giàu có nên để cho con đủ tiền để bắt đầu làm một công việc nào đó chứ không để lại tiền để con cái không phải làm gì"- Buffett bày tỏ quan điểm.

Một trong những người có cùng quan điểm với Buffett là Nigella Lawson, con gái một chính trị gia và ngôi sao truyền hình nổi tiếng nước Anh.

Nigella Lawson, 48 tuổi, có tài sản trị giá 15 triệu USD (tài sản riêng của chồng là 100 triệu USD). Bà có 3 con ở độ tuổi 11, 12 và 13.

"Tôi quyết định không để lại bảo hiểm tài chính cho chúng. Nếu chúng không phải làm gì, chúng sẽ tự phá hoại cuộc đời" - bà khẳng định.

Nữ diễn viên Mỹ Gwyneth Paltrow cũng nghĩ như vậy. Mặc dù hai con của cô mới lên 2 và lên 4, nhưng cô đã tuyên bố không lập quỹ riêng cho chúng đến 21 tuổi.

Cô giải thích: "Khi biết chắc chắn sẽ có tiền, con người ta sẽ không còn đam mê gì nữa".

Cốt lõi là giáo dục

Ngân hàng Barclays đã thăm dò ý kiến 800 nhà triệu phú về kế hoạch liên quan đến thừa kế tài sản.

Trên một nửa trong số họ khẳng định, họ muốn con cái học hành tử tế, tốt nghiệp những trường đại học hàng đầu  trước khi sử dụng tài sản thừa kế. Một phần ba số người được hỏi cho biết họ đang cân nhắc xem có để lại tài sản cho thế hệ sau hay không.

"Điều này có thể có ảnh hưởng không tốt khi và chỉ khi những đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào tài sản của bố mẹ. Chúng không thấy sự hấp dẫn của thế giới, không tôn trọng đồng tiền, không muốn trải nghiệm những khó khăn trong cuộc sống. Nếu chúng được thừa hưởng tài sản của bố mẹ và không được chuẩn bi cho cuộc sống sau này, chúng sẽ dễ dàng và nhanh chóng phung phí hết số tài sản đó" - Nhà tâm lý học người Anh Jennifer Mcleod giải thích.

Bản thân bà cũng không muốn để lại tài sản cho con trai. " Tuy nhiên - bà nói tiếp- điều quan trọng nhất vẫn là giáo dục. Nếu những đứa trẻ được giáo dục tốt, chúng sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tinh thần, chúng trở nên có tính kỷ luật và tự chủ cao. Chúng sẽ có thể tự làm giàu".

Bà Susan Mackenzie nhận xét rằng nhiều nhà tỷ phú bây giờ không muốn tạo ra "triều đại giàu có". Bà nói: "Những nhà tỷ phú này tự tay làm ra tài sản lớn. Chính vì thế họ có thể làm bất cứ điều gì với khối tài sản đó. Nếu như trước đây họ được thừa kế tài sản, họ sẽ phải có trách nhiệm chuyển giao cho thế hệ kế cận".

Bà Mackenzie nhấn mạnh rằng trong năm 1989, ba phần tư số tỷ phú Anh trở nên giàu có là nhờ gia đình. Ngày nay, tình hình đã khác, chỉ một phần tư số tỷ phú có tài sản nhờ thừa kế.

Theo Giáo dục và Thời đại