Nhật kí thời bão giá của dân công sở
Vung tiền như đại gia đi bar mùa 'bão giá'
Đại gia tiêu tiền “khủng” thời bão giá
Nổi 'bão tình' giữa... 'bão giá'
Ăn trưa bằng... uống nước
Chúng tôi tìm đến một xóm trọ của chị Đào Thị Cúc, quê ở Hưng Yên, và nhiều người lao động tỉnh lẻ khác, ở sâu trong một ngách nhỏ trên đường Cầu Giấy. Một dãy nhà cấp 4 lụp xụp, tường xung quanh đều đã tróc hết vôi, các cánh cửa đều bị gãy nghiêng ngả, xộc xệch, nhếch nhác và đầy bụi bẩn.
Đó cũng là nơi mà chị Cúc đã ở gần bốn năm nay với bốn chị em khác cũng đi làm thuê, làm mướn ở Hà Nội. Gọi là phòng cho “oai”, chứ nó bé tí tẹo, tạm bợ, chỉ để đặt lưng lúc đêm về.
Bốn năm cũng đủ dài so với quãng thời gian bảy năm chị rời quê, ra Hà Nội kiếm sống bằng “nghề” chính là bán rau. Thời buổi giá cả đắt đỏ khiến cái nghiệp bán rau của chị cũng càng trở nên khó khăn.
Chị giãi bày: “Trước đây, rau rẻ còn bán chạy, ngày cũng được 100.
Giờ rau đắt, lại nhiều người bán mà người mua thì ăn ít hơn, nên buôn bán ế ẩm
lắm. Hôm nào nhiều thì được 5 chục, có hôm thì chỉ hòa vốn mà không được xu nào
cả.
Mà lên trên này đâu chỉ có tiền ăn không đâu, còn tiền nhà trọ giờ cũng tăng
liên tục, mới từ 400 đã lên đến 600 rồi. Mà nào có ra cái nhà tử tế, chỉ đủ để
che mưa, che nắng thôi. Tháng nào cũng phải tằn tiện, còn có đồng mà gửi về quê
cho các con”.
'Bão giá' ngày càng gia tăng, làm “vọt” giá các loại thực phẩm tăng lên đến mức
chóng mặt, khiến chị cũng như nhiều người lao động khác trong xóm phải tính chi
li từng bữa ăn.
“Trước đây, ngày ăn 15 nghìn là cũng được một bữa tươm tất rồi.
Giờ cái gì cũng đắt mà có dám ăn hơn đâu, tiền kiếm ngày càng khó. Mấy chị em
cùng phòng cũng rủ nhau góp tiền vào thổi cơm chung cho đỡ tốn” –
chị Cúc thở
dài cho biết.
Bữa cơm đạm bạc của chị Cúc |
Nhìn mâm cơm chị Cúc dọn ra, chỉ có một bát su su luộc với món 'thịt gà rang'. Nghe tưởng chừng như cũng hơi sang, nhưng chúng tôi chưa kịp mừng thầm chị đã chen lời: “Không phải thịt gà đâu cô ạ, cũng là gà nhưng là chỗ xương thôi, mua cái này có 4 nghìn một lạng, rẻ hơn thịt nhiều. Ninh cho nhừ rồi rang mặn lên cũng ăn được mấy bữa đấy”.
Câu nói của chị khiến người đối diện không khỏi phải ái ngại. Chị Cúc cho hay: “Có hôm, buổi sáng trước khi đi chợ ăn vội bát cơm nguội với mắm, thế là no được đến trưa, uống mấy ngụm nước là xong, chẳng bày đặt nấu cơm nước gì, vừa tốn tiền than, vừa tốn tiền thức ăn. Cứ tiết kiệm được bữa nào hay bữa ấy”.
Vậy là đã có những buổi chị phải uống nước thay vì ăn bữa cơm trưa.
Chị tâm sự: “Ngày nào cũng phải dậy sớm từ 2 - 3 giờ
sáng, đạp xe ra chợ đầu mối mua rau họ bán buôn cho rẻ. Ban ngày thì vừa bán,
cũng lại vừa lo chạy công an. Họ có chỗ bán đẹp thì lại phải thuê mất tiền, mình
không có cứ chỗ nào quang thì ngồi, phải đành chịu cái cảnh
'chạy đồn' thế
thôi. Buôn bán cũng nào có đơn giản, nhàn hạ gì đâu”.
“Chạy ăn” bằng mười nghề
Quê Bắc Giang, nhưng chị Dương Thị Loan có thể thuộc lòng từng ngõ ngách phố
phường Hà Nội. Bởi, chị đã sống và làm ở Hà Nội mười năm nay rồi.
“Những ngày đầu, túng bấn, tôi theo chị em trong làng lên làm thuê trên này.
Thời ấy, sáng đi, tối là tôi lại hì hụi đạp xe về, không dám nghĩ sẽ ở lại thành
phố đầy nguy hiểm này đâu. Một ngày hai, ba chục ngàn đồng là “to” lắm rồi…”.
Bây giờ, sau hơn mười năm, chị Loan vẫn gắn với chiếc xe đạp như một vật bất ly
thân.
“Cám cảnh thân gái dặm trường, nhưng biết làm sao, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Cứ chăm chăm vào mấy sào ruộng thì mòn đời cũng không nuôi được con đại học, xây được nhà mái bằng…”.
Khu trọ nghèo của những lao động nhập cư |
Suy nghĩ ấy đã tiếp sức cho chị trụ lại ở thành phố đô hội. Vậy mà giá cả cứ tăng liên tục, cái suy nghĩ bám trụ của chị cũng đến hồi lung lay.
“Trước kia một ngày đạp xe, thu mua cũng lời lãi đến cả trăm nghìn. Bây giờ đạp xe rã chân cũng chỉ được hơn kém từng ấy. Mà trăm thứ tiền, trăm thứ tiêu pha đều phải tăng, khốn lắm cô ạ!” - chị Loan than thở.
“Nghề gì ở Hà Nội này tôi cũng từng qua cả. Đổi đồng nát, đi phụ hồ, làm ô sin, đi bán hoa tươi… " - xòe bàn tay mười ngón chai sần, nhăn nheo, chị đếm kín cả mười ngón tay số nghề mình đã trải qua.
“Tôi chỉ sợ vài ba năm nữa, xuống sức rồi thì lại lê thân về quê chứ không làm ăn gì được nữa… Bây giờ còn sức khỏe, nghề gì ra tiền tôi cũng làm!” - chị nói.
Không làm không được. Bởi như lời chị tâm sự, chị còn ba đứa con, một đứa lớp 11, một đứa lớp 8 và một đứa lớp 5 ở quê nhà. Chồng chị sớm chiều rượu chè, sau vụ tai nạn đã mất một chân. Gánh nặng gia đình hầu như trút lên vai chị.
“Bây giờ, đến từng bữa ăn, nước tắm hàng ngày cũng phải cân nhắc. Về quê cũng phải ít hơn vì tàu xe tốn kém, lại mất ngày mất buổi. Con ở quê còn ôn thi, còn đóng học, còn muốn mua manh quần, tấm áo… Cái gì cũng tăng, cái gì cũng đắt đỏ” - chị thở dài não nuột.
Bứt khỏi ruộng đồng, những người như chị lẫn vào số đông những người nhập cư đổ về Hà Nội. Họ khát khao một cuộc sống đỡ nghèo khó hơn từ đôi bàn tay lao động. Họ sẵn sàng đánh đổi tất cả: Cái tĩnh tại, an nhiên nơi làng quê đổi lấy cái xô bồ, nghiệt ngã chốn thị thành. Cái hiền lành, chân chất ruộng đồng lấy cái chao chát, chỏng lỏn đường chợ…
“Đỡ ngày nào, hay ngày ấy. Chứ bây giờ về quê, đói rũ cả…” - chị Loan nói khi được hỏi, có nhớ quê, nhớ nhà hay không. Bốn chín, năm mươi tuổi rồi, nhưng nẻo mưu sinh của chị còn gập ghềnh và xa hun hút…