- Khi kinh tế thế giới tiếp tục vật lộn để phục hồi thời hậu khủng hoảng, Trung Quốc đã trải qua một năm đầy sôi động trên vũ đài thế giới 2010.
Năm 2010, Trung Quốc “say sưa” với vị thế một cường quốc “mới” khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng vẫn đối mặt với những thách thức từ một cường quốc “cũ” trong việc trở nên có trách nhiệm hơn khi gánh vác các công việc quốc tế.
Kêu gọi cải cách chính trị
Trước kỳ họp thường niên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), báo chí Hong Kong và đại lục đã đăng tải những tin tức, câu chuyện cho rằng, 2010 sẽ là năm bắt đầu của cải cách chính trị sau quá trình chuyển dịch kinh tế đồ sộ suốt 30 năm qua ở nước này.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Ảnh: Wordpress
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time (Mỹ), ông Ôn Gia Bảo nói: "Tôi tin rằng, tự do ngôn luận là không thể thiếu với bất kỳ nước nào. Tôi thường nói rằng, chúng ta không nên chỉ cho phép mọi người tự do ngôn luận; chúng ta cần tạo điều kiện để cho phép họ chỉ trích công việc của chính phủ".
Sau đó, trong cuộc phỏng vấn phát sóng đầu tiên ngày 3/10 trên CNN, ông Ôn khẳng định: "Mong mỏi của mọi người, sự cần thiết cho mọi người, dân chủ và tự do là không thể cưỡng lại được. Những ai đi cùng xu thế này sẽ thịnh vượng, những ai đi ngược lại sẽ thất bại".
Ông Ôn Gia Bảo dường như đã tập trung kêu gọi cải cách hệ thống chính trị của Trung Quốc từ tháng 8. Khi ấy, phát biểu nhân kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến, ông nhấn mạnh: "Không tiến hành tái cơ cấu chính trị, Trung Quốc có thể mất những gì đã đạt được trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và các mục tiêu hiện đại hóa cũng có thể không thành công".
Trung tuần tháng 10, một nhóm gồm 23 nhân sĩ, trí thức và cựu quan chức cao cấp của Trung Quốc, bao gồm cả thư ký cũ của cố lãnh tụ Mao Trạch Đông, ông Lý Nhuệ, đã gửi thư ngỏ đề nghị Quốc hội nước này bỏ chế độ kiểm duyệt với báo chí, chấm dứt các hạn chế về tự do ngôn luận. Trong số những người ký tên vào lá thư, có rất nhiều cựu quan chức cao cấp của các ngành lập pháp, tuyên giáo của CPC, quân đội cùng các giáo sư đại học.
Sau nhiều sự kiện, một cuộc tranh luận về cải cách chính trị đã nổ ra ở Trung Quốc. Một số tờ báo trong nước bao gồm cả Tin tức Bắc Kinh, Bưu điện Buổi sáng Phương Đông của Thượng Hải - đưa ra những tin bài bàn luận sôi nổi về cải cách chính trị.
Thế hệ lãnh đạo mới xuất hiện
Trong một cuộc họp kín vào tháng 10, các quan chức cấp cao CPC đã nhìn nhận ông Tập Cận Bình, 57 tuổi, con trai một nhà cách mạng, là người sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào để trở thành Chủ tịch tiếp theo của Trung Quốc vào năm 2013.
Thông cáo của Hội nghị Trung ương 5 khóa 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10 đã đưa ra thông tin: Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) - mở ra con đường kế nhiệm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.
Ông Tập Cận Bình là con trai cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân. Ảnh hưởng của ông ngày càng mở rộng kể từ khi là thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc năm 2007.
Một vị trí trong Quân ủy Trung ương có ý nghĩa đặc biệt với với giới chính khách Trung Quốc. Thành viên dân sự duy nhất hiện tại là ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Quân ủy, vị trí được coi là biểu tượng của quyền lực với một vị lãnh đạo tối cao nước này.
Theo giới phân tích, con đường kế nhiệm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào của ông Tập Cận Bình, 57 tuổi, phụ thuộc vào lá phiếu Phó Chủ tịch Quân ủy - cơ quan giám sát quân đội Trung Quốc (PLA) với lực lượng lên tới 2 triệu người.
Còn có rất ít thông tin để biết rõ quan điểm chính trị của ông Tập Cận Bình, chỉ biết ông dường như là người ủng hộ thị trường, nhưng khá thận trọng về cải tổ chính trị.
Ngoài ra, giới phân tích còn đề cập tới ông Lý Khắc Cường, người được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Nếu ông Tập Cận Bình có khuynh hướng phát triển kinh tế để trở thành cường quốc trước thì trái lại, ông Lý Khắc Cường đại diện cho khuynh hướng “dân túy” lo cho dân trước, quốc gia hùng mạnh sẽ theo sau.
Ông Lý Khắc Cường được đào tạo như một nhà kinh tế học dưới sự giảng dạy của một giáo viên uy tín ở Đại học Bắc Kinh, có bằng luật sư. Kinh tế là chuyên môn của ông. Ông nổi tiếng bởi thúc đẩy quá trình hồi sinh công nghiệp phía đông bắc Trung Quốc vốn ì trệ. Ông cũng nắm giữ cương vị lãnh đạo tại các tỉnh như Hà Nam, một tỉnh nông nghiệp và Liêu Ninh, một tỉnh công nghiệp nặng, giúp cho ông có cái nhìn rõ ràng về các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế quốc gia.
Vấn đề tiền tệ trong quan hệ Mỹ - Trung
Những bất đồng trong quan hệ thương mại Trung Quốc - Mỹ, Trung Quốc với châu Âu tiếp tục gia tăng trong năm 2010. Khi tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ gia tăng, nhiều người đã đổ lỗi cho việc Bắc Kinh giữ đồng nhân dân tệ ở giá trị thấp, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Washington theo đó không ngừng gia tăng sức ép kêu gọi Trung Quốc cho phép tăng tỉ giá đồng nhân dân tệ so với đồng đô la.
Mặc dù Bắc Kinh đã chấp nhận tăng giá tỉ giá lên vài phần trăm, nhưng vẫn bác bỏ việc nâng giá đồng nhân dân tệ ở mức đáng kể, với lập luận rằng, kinh tế Trung Quốc và phần lớn nhà xuất khẩu của họ chưa đủ mạnh để đứng vững trước cú sốc tăng mạnh giá trị đồng bản tệ.
Ngoài ra còn một số tranh cãi thương mại khác như bán phá giá, điều tra bán phá giá, áp thuế cao hơn với hàng xuất khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Giảm tốc" kinh tế
Năm 2010, kinh tế Trung Quốc bắt đầu có những dấu hiệu quá nóng sau hai năm tiến hành chương trình kích thích phát triển kinh tế quy mô lớn, với lạm phát tăng chóng mặt, giá lương thực, nhà đất leo thang tạo ra lo lắng rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng bong bóng đầy bất ổn.
Các nhà hoạch định chính sách lập tức phản ứng, ngăn chặn sự phát triển quá nóng, tăng tỉ lệ lãi suất lần đầu tiên trong hai năm, áp dụng các biện pháp kiểm soát đầu cơ nhà đất, sau hai năm các ngân hàng cho vay “ào ạt” thì năm nay nhiều lần đã nhận được chỉ thị tăng cường tỉ lệ dự trữ vốn.
Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa 17 CPC tuyên bố thông tin, Trung Quốc đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng "ổn định và nhanh vừa phải" trong 5 năm tới. Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được “bước đột phá trong quá trình tái cơ cấu kinh tế” khi những nhà hoạch định chính sách duy trì các biện pháp thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Bắc Kinh đã nhấn mạnh tái cơ cấu nền kinh tế đang bùng nổ - trong quý II năm nay đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - nhằm ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu và đầu tư, sử dụng tiêu dùng trong nước làm động lực lớn hơn của sự tăng trưởng.
"Trung Quốc sẽ thúc đẩy hơn nữa thu nhập của người dân, tăng cường cấu trúc xã hội và tiếp tục cải tổ, mở cửa sâu hơn nữa”, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố hội nghị trên cho biết. Theo tuyên bố này, 5 năm tới sẽ là “giai đoạn quyết định để Trung Quốc xây dựng một xã hội hoà hợp thịnh vượng”. Giới phân tích cho rằng, tuyên bố đã thể hiện sự quan ngại của giới lãnh đạo Trung Quốc về khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng tại nước này.
Một năm gập ghềnh trong quan hệ ngoại giao
Trong năm 2010, đại diện của Trung Quốc ở nước ngoài đã “có tiếng” về kiểu đàm phán cứng rắn. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Copenhagen thể hiện rõ điều này.
Đặc biệt năm nay, trong vấn đề xác định chủ quyền, Bắc Kinh tỏ ra ngày một quả quyết hơn. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đã chọc giận Bắc Kinh hồi tháng 7 khi coi Biển Đông là “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Tham dự Diễn đàn An ninh khu vực ở Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định, Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc đảm bảo tự do thông thương hàng hải, quyền tự do tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Đáp trả những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, những nhận định có vẻ vô tư đó nhằm "tấn công" vào Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc từng khẳng định, khu vực này là “lợi ích cốt lõi” của họ. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ngày 12/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates một lần nữa khẳng định lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông, đồng thời "hoan nghênh cách tiếp cận đa phương" tại khu vực này.
Ngoài Biển Đông, biển Hoa Đông lại lần nữa dậy sóng. Ngày 7/9, Nhật đã bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau vụ va chạm giữa tàu này với hai tàu tuần tra thuộc Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản.
Ngay lập tức, quan hệ bang giao hai nước trở nên rất căng thẳng. Vụ va chạm xảy ra ở gần quần đảo mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền gọi là Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) hay quần đảo Senkaku (theo tiếng Nhật) tại Hoa Đông. Theo giới phân tích, những tranh cãi về vụ va chạm có nguyên nhân sâu xa là chuyện chủ quyền ở một khu vực giàu tài nguyên khí đốt. Vị thuyền trưởng sau đó đã tự do, nhưng quan hệ Trung - Nhật vẫn còn trắc trở.
Mọi nỗ lực hàn gắn bất đồng trước chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Washington đầu năm tới đã gặp trở ngại vào tháng 12, khi quân đội Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc. Bắc Kinh đã từ chối lên án Bình Nhưỡng vì vụ việc này.
Trong khi Washington thúc giục Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế Bình Nhưỡng, Trung Quốc lại kêu gọi nối lại bàn đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Mỹ, Nhật và Hàn Quốc thờ ơ với đề xuất này. Và một năm ngoại giao khó khăn vẫn ở phía trước.
-
Thái An