Những tưởng chẳng còn gì trước cơn bão Tembin, nhờ những cây cầu mới dựng bà con vùng hoa kiểng miền Tây đã kịp thời chạy bão và đón một cái Tết ấm.
Mở đường buôn bán cuối năm
Những ngày này, dòng người đã bắt đầu đổ về Tân Thiềng, Chợ Lách, Bến Tre, “vương quốc” hoa kiểng này sôi động hẳn lên. Ít ai nghĩ rằng chỉ vài ngày trước, cơn bão Tembin suýt tàn phá cả vùng hoa kiểng này. Hàng ngàn hộ gia đình được một phen lao đao hú vía. Cũng may có cây cầu Dr Thanh - Tân Thới vừa được cất lên tức thì, bà con mới đỡ vất vả trong những ngày chạy bão.
Với người dân Tân Thiềng, cây cầu Dr Thanh - Tân Thới được cất lên trước giờ bão nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi của kỹ sư, công nhân, của tập đoàn Tân Hiệp Phát, nhãn hàng Trà Thanh nhiệt Dr Thanh này đã “cứu thua” cho bà con một phen.
Trước đây, cứ đến cuối năm người Tân Thiềng lại phập phồng đón Tết bởi nút thắt về đường bộ khiến chi phí vận chuyển hàng hóa đường thủy tăng cao. Hoa kiểng, trái cây lưu thông chậm làm rớt giá và mất luôn cơ hội buôn bán đến các tỉnh thành xa.
Cây cầu Dr Thanh - Tân Thới được cất lên góp phần giúp giao thông được kết nối, hoa kiểng, trái cây được chở thẳng qua cầu ra quốc lộ 57 để đổ về tứ xứ. Vừa rút ngắn quãng đường, thời gian, vừa tiết kiệm chi phí vì không mất một lần đò.
Kết nối miền biên viễn
Xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, Long An nằm sát biên giới Campuchia, đây là nơi đón đầu mùa nước nổi hàng năm từ thượng nguồn sông mẹ Mekong đổ về Việt Nam.
Ở miền biên viễn đất phèn này, một năm 9 tháng mùa khô, 3 tháng nước nổi. Sinh kế người dân dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản trong các rừng tràm bạt ngàn là chính.
Cũng giống như các khu vực khác của vùng Đồng Tháp Mười, xã Bình Phong Thạnh có kênh rạch chằng chịt, giao thương chủ yếu bằng ghe xuồng qua lại. Hàng năm mùa nước nổi về, cả vùng trắng xóa trong nước, nhấp nhô những cây cầu dân sinh nghiêng ngả.
Mùa khô, người dân nơi đây lại đánh đu với cây cầu dân sinh nguy hiểm tại trung tâm xã. Thày Nguyễn Văn Dinh, giáo viên tiểu học trong xã kể: “Giữa cây cầu này là 2 điểm trường. Cả phụ huynh lẫn học sinh hàng ngày qua lại đều sợ vì thường xuyên có những cảnh ngã cầu té sông”.
Cây cầu ván trụ bê tông này được bà con hùn hạp xây từ năm 2010 giờ đã xuống cấp nghiêm trọng, cản trở vận chuyển nông sản, đi lại của người dân. Vào mùa thu hoạch, chỉ cần chậm vài ngày là lúa dễ mất giá. Giao thông thủy thì gặp khó bởi nạn lục bình tràn ngập mặt sông. Ai ai cũng mong mỏi, trông ngóng có được cây cầu mới vững chãi hơn.
Ngày 26/12/2017 cây cầu Dr Thanh - Cả Gừa được khánh thành. Cây cầu dài 50m, trị giá 840 triệu đồng này sừng sững mọc lên giữa những ngày bão gió, ngay tại nút giao thông lớn trong vùng.
Trong ngày khánh thành, giữa niềm vui tột cùng của hàng ngàn người dân, cụ Nguyễn Văn Lang bồi hồi: “Cây cầu cũ trước đây do địa phương khó khăn nên tôi vận động bà con cùng làm, ai có thì năm trăm, ít thì ba trăm, hai trăm,... Vài năm nay cầu xuống cấp, giờ được thay thế bằng cầu mới. Thay mặt bà con, tôi xin cám ơn tập đoàn Tân Hiệp Phát suốt đời, bởi tôi năm nay đã 62 tuổi rồi, tôi không thể vận động bà con làm được phân nửa cái cầu này”.
Không chỉ nối liền 2 bờ vui, giúp giao thông thuận tiện, cầu Dr Thanh - Cả Gừa còn góp phần quan trọng kết nối vùng biên giới như cụ Lang cho biết: “Cầu này liên thông tới 3 xã Bình Hòa Đông, Bình Phong Thạnh, Bình Thạnh và xuống Tân Hiệp ở dưới, đồng thời ra ngoài chợ, lên Kiến Tường, xuống Thạnh Hóa, qua luôn Tân Thạnh”.
Việc kết nối toàn vùng mở ra cơ hội giao thương, đi lại cho bà con, thúc đẩy du lịch rừng tràm phát triển. Có thể nói, vươn lên từ giữa bão, những Nhịp cầu ước mơ đang mang Tết sớm đến với những vùng quê nghèo, mở ra một năm mới với nhiều hy vọng, an khang và thịnh vượng hơn.
N. Dung