Từ hành động tử tế của một anh công an và một thầy giáo và nhiều người nữa, gia đình anh Chánh đã nhìn thấy được tương lai tươi sáng.

Dù đang trăm bề vất vả, những thách thức nặng nề ngay trước mắt nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Chánh, 56 tuổi và chị Lưu Thị Bạch Tuyết, 47 tuổi, ở khóm 4, phường 9, TP Cà Mau vẫn không chút nao lòng. Niềm tin của anh chị không chỉ ở thành tích học hành của hai con yêu mà còn ở sự tử tế của cuộc đời với gia đình mình.

{keywords}
Anh Chánh lấy việc học của con cái làm niềm vui lớn nhất của đời mình

Những đóm lửa soi sáng tương lai

Vợ chồng anh nghèo từ thuở nằm nôi đến khi tóc bạc. Nay anh chị đã đi qua hai phần ba cuộc đời nhưng vẫn chưa có căn nhà để ở, chưa một ngày dám ăn ngon, mặc đẹp. Hiện thời, để thay một cái vỏ xe 250.000 đồng, anh phải lên kế hoạch tăng năng suất chạy xe ôm cả tuần mới thực hiện được. Những thành viên khác trong gia đình cũng đang hằng ngày vật lộn với cuộc sống.

Thế nhưng so với 15 năm về trước, gia đình anh hôm nay là huy hoàng. Anh Chánh kể: “Trước khi nhà tôi bị anh trung úy công an tên Kiếm kiểm tra hộ khẩu, tôi chắc rằng gia đình mình sẽ phải đen tối thêm nhiều thế hệ nữa”.

Đó là vào một đêm rất khuya cách đây 15 năm tại một dãy trọ gần Đầm Sen, TP.HCM. Mọi người đang ngủ vùi thì công an đến đánh thức để kiểm tra. Lúc bấy giờ cả nhà anh Chánh đang ở đây, sống bằng nghề bán hủ tiếu gõ.

Khi nghe anh báo thằng bé con anh là Nguyễn Lưu Nhân bảy tuổi, chưa đi học, anh công an tên Kiếm hạch hỏi tại sao làm cha mẹ để con dốt. “Sáng hôm sau, anh ấy lại đến tìm tôi để giúp đưa con tôi vào lớp 1 Trường Hồng Đức bên quận 8. Thời đó, chuyện hộ khẩu, học hành ở TP.HCM đâu có dễ dàng như bây giờ nhưng anh ấy giúp được. Tôi mang ơn, đề nghị đãi anh ấy ăn hủ tiếu miễn phí nhưng bao giờ anh cũng trả tiền” - anh Chánh kể.

Lưu Nhân đạt học sinh xuất sắc ngay năm học lớp 1 và được học bổng Lá xanh của Hội Đông du Nhật Bản. Niềm hy vọng bắt đầu le lói trong anh. Thế nhưng cuộc sống rày đây mai đó, với nghề nghiệp không ổn định, đến khi Lưu Nhân học xong lớp 5 tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, An Giang thì anh quyết định cho con nghỉ học vì hết khả năng. Cả gia đình về lại Cà Mau tiếp tục cuộc mưu sinh với nghề bán vé số dạo. Mỗi ngày hai cha con chia nhau hai ngả đi bán vé số. Trong một lần về điểm hẹn chờ cha, Nhân đang ngồi co ro nhai bánh mì thì có người đàn ông đến thộp áo xem phù hiệu mang tên Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Người này sau khi biết rõ lý do Nhân phải nghỉ học đã bảo anh Chánh đến Trường THCS phường Tư (Cà Mau) gặp mình. Hóa ra đó là thầy Dũng, hiệu trưởng của trường lúc bấy giờ. Đích thân thầy Dũng đã liên hệ với Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm để rút toàn bộ hồ sơ về trường mình để Nhân tiếp tục vào lớp 6.

Âm thầm trả nghĩa

Căn nhà của cha con anh Chánh đang tá túc hiện nay nằm sâu trong một con hẻm thuộc khóm 4, phường 9, TP Cà Mau. Đó là một căn nhà xập xệ được cất trên đất mà một người quen thương tình cho mượn từ 10 năm qua.

Thứ quý nhất trong căn nhà này là những câu cảm tưởng của anh và những bức tranh con gái anh vẽ. Nó được dán vào cánh tủ kính, tại nơi trang trọng nhất căn nhà.

Anh viết rất gọn: “Ơn ai dù nhỏ nhớ mang, oán kia dù nhỏ chớ làm mới nên”. Anh lý giải: “Cứ mỗi lần hai đứa con đem giấy khen về nhà, tôi thầm mang ơn anh Kiếm, anh Dũng. Hôm thằng con đậu đại học, tôi xúc cảm quá viết ra hai câu này. Họ đã giúp gia đình tôi thực sự có tương lai tươi sáng”. Anh chị luôn giữ lấy những đóm lửa của những người tử tế đã nhen nhóm.

Cách đây bốn năm, khi Nhân đỗ ĐH KHXH&NV TP.HCM, gia đình anh lâm cảnh khánh kiệt hoàn toàn. Anh bán chiếc xe máy duy nhất của gia đình rồi dẫn con lên Sài Gòn cho nhập học. Con trai nhập trường rồi, anh xin làm bảo vệ cho một công ty gần trường để có tiền cho Nhân chi phí. Rồi lương thấp quá, anh chị đổi phương án. Chị lên Sài Gòn xin một chân rửa chén bát ở quán cơm, anh Chánh về Cà Mau chạy xe ôm nuôi con gái, lúc này mới học lớp 5.

Cứ vậy, hơn ba năm qua, gia đình anh chia làm hai, chị và con trai ở Sài Gòn, anh và con gái ở nhà Cà Mau. Đến hè, anh đèo con gái lên Sài Gòn để gia đình sum họp. Tại bất cứ nơi đâu gia đình anh cũng nỗ lực mưu sinh để hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Ở Cà Mau anh chạy xe ôm, lên Sài Gòn cũng chạy xe ôm. Vợ anh rửa chén bát; con trai đi phát tờ rơi, bán thư pháp, dạy kèm; con gái giúp mẹ rửa chén bát, chạy bàn, sắp vé số thuê…

Cảm ơn những người tử tế!

Qua báo Pháp Luật TP.HCM, anh Chánh gửi lời cảm ơn đến những người đã hỗ trợ, giúp đỡ, động viên gia đình anh thời gian qua mà anh không biết cách gì liên lạc được họ. “Ngoài anh Kiếm và thầy Dũng còn rất nhiều người khác đã giúp đỡ tôi một cách vô tư và kỳ lạ. Tôi nhớ có hai ông anh, cùng ngồi với tôi trước cổng trường đại học chờ làm thủ tục cho con vào ký túc xá. Hỏi thăm qua lại rồi họ móc túi cho tôi người 500.000 đồng, người cho 1 triệu đồng. Một bà chị ở Cần Thơ cũng vậy, hỏi thăm qua lại chút là bảo ghé nhà chị chị gửi 2 triệu đồng. Rồi mấy anh xe ôm ở TP.HCM luôn ưu tiên cho tôi những người khách sộp để tôi có thêm tiền lo cho con ăn học… Tôi suốt đời ghi khắc ơn nghĩa đó” - anh Chánh nói.

___________________________________

Nguyễn Lưu Nhân là học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 12. Em gái của Nhân là Ân cũng là học sinh giỏi từ lớp 1 đến nay, lớp 7 Trường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 9, TP Cà Mau. Hiện nay Nhân đã vào năm ba ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Trong niềm vui, anh chị cũng có nỗi lo riêng vì đang đuối sức trước áp lực học phí cho hai con vào đầu năm 2015. Chi phí ăn học của hai con ngày càng cao mà nghề xe ôm của anh thì ngày càng vắng khách.     

Theo Trần Vũ - Pháp luật TP.HCM