Kỳ họp thứ 8 QH khóa XII vừa qua kết thúc với phiên chất vấn "bỏng rẫy" những câu hỏi khó dành cho Thủ tướng. Bản lĩnh của người hỏi và tư thế người trả lời đã làm nên sức nóng ấy.
65 năm trước, ngay trong những ngày sơ khai của hoạt động Quốc hội, cũng đã từng có những phiên chất vấn thẳng thắn và trực diện như vậy dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành viên nội các.
Bác Hồ và đại biểu QH khóa I. Nguồn: Trung tâm thông tin tư liệu, Văn phòng QH
Chẳng hạn, nhiều ĐBQH đã hỏi về việc Phó Chủ tịch QH Nguyễn Hải Thần, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam và Phó Chủ tịch Quân sự ủy viên hội Vũ Hồng Khanh theo chân bè lũ phản động, nên 70 ghế Quốc hội trống mất phân nửa.
Hồ Chủ tịch nói: "Các ông ấy bây giờ không có mặt ở đây. Lúc nước nhà đang khó khăn, quốc dân tin ở người nào mà trao cho những người ấy việc lớn, các ông ấy lại bỏ đi, thì các ông ấy phải hỏi lương tâm thế nào? Trả lời thế là đủ...
Còn cái tin ông Nguyễn Hải Thần tự xưng là Tổng tư lệnh hải, lục, không quân Việt Nam? Việt Nam không có hải, lục, không quân thì ông Nguyễn Hải Thần cứ việc làm tổng tư lệnh, và nếu Việt Nam không có hải, lục, không quân mà ông Nguyễn Hải Thần tổ chức được hải, lục, không quân cho Việt Nam thì cố nhiên chúng ta hoan nghênh".
Về việc ĐBQH Chu Bá Phượng, thành viên phái đoàn Chính phủ đi dự hội nghị đàm phán ở Fontainebleau nhưng mang theo vàng để buôn lậu, Hồ Chủ tịch nói vắn tắt: "Nếu trong Chính phủ còn có những người khác lầm lỗi thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi với đồng bào".
Trả lời về việc xây dựng Chính phủ liêm khiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các ủy ban là đông và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng luật pháp mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết".
Trả lời câu hỏi vì sao Chính phủ lại đưa ra đề nghị thay đổi quốc kỳ, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: "Chính phủ không bao giờ dám thay đổi quốc kỳ, chỉ vì một vài người trong Chính phủ đề nghị việc ấy lên, nên Chính phủ phải để qua Ban Thường trực QH xem xét. Tình thế từ ngày ấy đến giờ biến chuyển nhiều, lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Âu sang Á, tới đâu cũng đuợc chào kính cẩn. Bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào, còn ra không ai có quyền gì mà thay đổi nó".
"Nhà chép sử" Lâm Quang Thự thuật lại: "Nói mấy câu trên, mắt Người sáng quắc lên, giọng Người vang to và dằn mạnh từng tiếng một, trái hẳn với vẻ điềm đạm lúc thường".
Về câu hỏi liệu bản thỏa hiệp tạm thời ngày 14/9/1946 có phải là bản tạm ước bất bình đẳng không, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Với bản tạm ước ấy, mỗi bên nhân nhượng một tý. Ta bảo đảm cho Pháp những quyền lợi kinh tế và văn hoá ở đây thì Pháp cũng phải đảm bảo thi hành tự do dân chủ ở Nam Bộ và thả các nhà ái quốc bị bắt bớ. Còn nói Pháp không thành thật thi hành tạm ước thì ta nói vơ đua cả nắm, Pháp cũng có người tốt người xấu. Tôi có thể nói quả quyết rằng nhân dân Pháp bây giờ đại đa số tán thành ta độc lập và thống nhất lãnh thổ".
Nhận xét chung về những vấn đề các đại biểu chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Chính phủ hiện thời mới thành lập được hơn một năm, hãy còn thanh niên. QH bầu ra được hơn 8 tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà QH đã đặt những câu hỏi thật già dặn, sắc mắc khó trả lời, đề cập tới tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?”.
Sau phiên chất vấn, Hồ Chủ tịch tuyên bố xin từ chức, trao quyền lại cho QH để QH bầu ra Chính phủ mới.
QH sau đó đã thông qua nghị quyết lập Chính phủ mới, ủy nhiệm Hồ Chí Minh lập Chính phủ theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái.
Phát biểu trước QH, Chủ tịch nói: "Tôi xin tuyên bố, Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị mong được thăng quan phát tài... Tuy Nghị quyết QH không nói đến hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố, Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết".
Ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thành viên nội các như ông Vũ Đình Hòe, Huỳnh Thúc Kháng... cũng đã đối mặt với các chất vấn trực diện của Quốc hội về những vấn đề thời sự nóng bỏng.
Quốc hội khóa I ngay từ đầu đã chú trọng vai trò của chất vấn nghị trường, làm nên những phiên họp sôi động và thẳng thắn.
Ngẫm lại bài học xưa, các vấn đề thời sự bức xúc không thời nào không có. Nhưng không khí dân chủ chốn nghị trường phụ thuộc vào sự mạnh dạn của người hỏi cũng như bản lĩnh người trả lời. Nếu không khí dân chủ ấy luôn được các khóa sau đó tiếp nối và phát huy thì có lẽ QH đã sớm có một bước tiến xa.
-
Lê Nhung - Thu Hà
Bài 3: Người mở "kỷ nguyên" nói thẳng, nói thật trên nghị trường