"Chú tôi tên thật là Lê Minh Khánh, sinh năm 1940, sinh ra tại Gò Vấp. Trong gia đình tôi không có ai theo nghề ca hát, ngoại trừ người chú này, vì thế ông là người đã mang lại cho tôi niềm tin yêu để bước chân vào con đường nghệ thuật" - nghệ sĩ Kiều Phượng Loan kể.
Thời đó sau khi học xong lớp diễn viên cải lương Trường Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc Viện TP.HCM), bà được cha mẹ lập gánh hát riêng để lăng xê tên tuổi. Với người trong giới thì đó là cơ hội lớn vì một bước có thể lên đào chánh, bởi sự hậu thuẫn của gia đình.
"Tuy nhiên, không ai biết tôi đã mất ăn, mất ngủ, vì còn non nghề nên bước vào các vai diễn nặng tâm lý, tôi rất áp lực. May mắn nhờ có chú tôi hướng dẫn, động viên, từng chút một về về nghề, nhờ vậy mà tôi theo nghề cho tới nay" - Kiều Phượng Loan nói.
"Chú tôi lúc còn học văn hóa, ông đã học về tân nhạc và vọng cổ theo đài phát thanh. Thấy ông có giọng ca tốt, gia đình đã cho ông đi học ca cổ. Nhạc sĩ NSƯT Út Trong là người đặt nghệ danh cho ông là Út Hiền vì tính của ông rất hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ. Và cũng nhờ nhạc sĩ Út Trong giới thiệu, chú tôi về hát cho đoàn hát Thanh Minh vì lúc ấy danh ca Út Trà Ôn tách ra lập đoàn hát Kim Thanh - Út Trà Ôn.
Sau này, chú tôi cũng giới thiệu tôi về Đoàn Thanh Nga, khi chị Thanh Nga qua đời, diễn các vai của chị trong các vở: "Tấm lòng của biển", "Con gái chị Hằng", "Sân khấu về khuya"…
Tôi mang ơn chú Út Hiền cả đời. Cũng nhờ chú Út Hiền mà tôi đã có được nhiều vai diễn hay trên sân khấu thời đó, thậm chí còn sắm xe, xây nhà lầu, tạo dựng sự nghiệp dù tuổi đời còn rất trẻ " - nghệ sĩ Kiều Phượng Loan xúc động nhắc lại.
Giọng ca của nghệ sĩ Út Hiền êm như nhung tơ, ngày xưa diễn ở đoàn Kim Chung 1. Dù chỉ diễn vai kép nhì nhưng ông được hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản mời thu thanh nhiều bài vọng cổ của soạn giả Thu An, để bây giờ đó là những bài ca cổ quý.
"Giọng ca của Út Hiền nghe rất mùi, êm dịu, sâu lắng. Ở cuối câu vọng cổ với hơi ngân dài mênh mang. Bài ca vọng cổ được Út Hiền nghiên cứu kỹ, ca diễn đạt nội dung, gây cảm xúc cho người nghe. Soạn giả Thu An biết rõ khả năng ăn khách của giọng ca Út Hiền nên khi ông rời đoàn hát Thủ Đô của ông bầu Ba Bản, ông đã lập gánh hát Hương Mùa Thu với đào - kép chính là Ngọc Hương và Út Hiền" - NSƯT Diệu Hiền nhắc lại.
Dưới bảng hiệu Hương Mùa Thu, hai nghệ sĩ Út Hiền và Ngọc Hương là một cặp diễn viên xứng đào xứng kép. "Đó cũng là giai đoạn hễ tôi có thời gian thì qua đoàn Hương Mùa Thu xem chú tôi và chị Ngọc Hương diễn, hoặc tập tuồng. Tôi học lóm từ chú rất nhiều" - nghệ sĩ Kiều Phượng Loan kể.
Nghệ sĩ Út Hiền đã diễn các vở: "Lá của rừng xanh", "Ảo ảnh Châu Bích Lệ", "Cô gái sông Đà", "Người anh khác mẹ", "Con cò trắng", "Gánh cỏ sông Hàn", "Chuyến đò thương", "Sài Gòn thác bạc", "Tiếng còi sa mạc"...
Cuộc sống của nghệ sĩ Út Hiền đúng như cái tên Hiền đã được gán cho ông, ông không có gây nên tai tiếng gì, không cờ bạc, không hút thuốc, chỉ có mỗi cái tật là ông nhậu rượu không bao giờ biết ngừng.
"Và cũng vì cái tật uống quá nhiều rượu mà ông bị bệnh ung thư gan và qua đời năm 1986 trong niềm thương tiếc của gia đình, khán giả và đồng nghiệp" - nghệ sĩ Kiều Phượng Loan ngậm ngùi.
(Theo NLĐ)