Nhìn vào danh mục ngành nghề ấy có thể thấy tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo đất nước khi đó trong đào tạo nguồn nhân lực, vào thời điểm kết thúc chiến tranh, đất nước bắt đầu bước sang giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi học xong phổ thông và thi vào đại học, chúng tôi dành một năm học ngoại ngữ tại Khoa lưu học sinh, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Lớp A5 của chúng tôi có 17 người đến từ mọi miền Tổ quốc. Có bốn anh bộ đội vừa trở về từ chiến trường, họ là thương binh, bệnh binh. Lớp cũng có hai anh là con em miền Nam ra Bắc theo đường giao liên 559 từ vùng căn cứ cách mạng “R” tận Nam Bộ xa xôi. Còn lại là đám học sinh phổ thông. Mọi người hăng hái học tiếng Nga với sự háo hức của tuổi trẻ để khám phá một ngôn ngữ mới, một nền văn hoá mới.
Tôi còn nhớ thầy Trần Ngọc Kim, trưởng Khoa Lưu học sinh và thầy Nguyễn Hồng Thanh, chủ nhiệm lớp. Chúng tôi học phát âm, ngữ pháp, luyện viết, nghe, nói,… Tiếng Nga thật là khó. Nhưng nhờ thầy, cô và bạn bè, nỗ lực bản thân, chúng tôi tiến bộ từng ngày.
Tác giả đứng thứ 2, từ trái sang, hàng trên cùng |
Lúc đó, đất nước còn rất khó khăn, thiếu thốn mọi thứ. Chúng tôi ngủ giường tầng, 12 học sinh nam trong một phòng ở tầng ba của toà nhà D2, tắm rửa sinh hoạt ở bể nước công cộng dưới sân, phía cuối dãy nhà. Ăn uống ở nhà ăn tập thể, thường không đủ no. Canh thịt mỡ nấu dưa chua là món thường trực. Bánh mỳ kẹp rau muống xào là món chúng tôi hay mang ra sân bóng ngồi ăn. Nhưng “cái ăn” cũng không phải là cái chúng tôi bận tâm nhất. Ngoài những giờ học thì sinh hoạt tập thể luôn là hoạt động chúng tôi thích nhất.
Một năm học tập thấm thoát trôi nhanh. Một ngày tháng Sáu, chúng tôi được yêu cầu tập hợp ở sân trường để nghe thông báo về ngành học do nhà nước phân công và thành phố mà mình được chỉ định đến học.
Trong lớp có anh Việt là thương binh, bị cụt một tay, không đủ điều kiện đi học, còn lại 16 người được phân công học 16 ngành nghề khác nhau, ở nhiều thành phố khác nhau thuộc số nước cộng hoà thuộc Liên Xô. Đó là mô hình kế hoạch hóa tập trung điển hình vốn rất phát huy tác dụng trong những năm tháng chiến tranh trong việc sử dụng nguồn lực ít ỏi của nhà nước.
Ngày 24/7/1975 chúng tôi ra Ga Hàng Cỏ lên tàu liên vận quốc tế đi Liên Xô. Khi tàu hỏa đến thành phố Irkutsk bên bờ hồ Bai-can rộng lớn tận vùng Xiberi, chúng tôi có thể giao tiếp khá thoải mái với các bạn sinh viên Nga sống gần nơi chúng tôi dừng chân để kiểm tra sức khỏe và dịch bệnh truyền nhiễm trước khi được “thả” vào Liên bang Xô Viết chuẩn bị cho mấy năm học hành.
Nhóm chúng tôi hầu hết vào học ở các trường danh tiếng ở thủ đô của các nước cộng hoà hay các thành phố lớn như Moscow, Minsk, Leningrad (nay là St. Petersburg), Krasnodar, Kishinhev, Voronhesh… Các ngành nghề chúng tôi được đào tạo cũng rất đa dạng từ kỹ sư chế tạo máy, kỹ sư vận tải biển, kỹ sư trắc địa công trình, kỹ sư xây dựng, kỹ sư công nghiệp thực phẩm, kỹ sư in đến các ngành luật, tâm lý giáo dục mầm non, sư phạm toán…
Nhìn vào danh mục ngành nghề ấy có thể thấy tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo đất nước khi đó trong đào tạo nguồn nhân lực, vào thời điểm kết thúc chiến tranh, đất nước bắt đầu bước sang giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn mươi năm đã đi qua nhóm chúng tôi, những người đầu tiên ấy vẫn duy trì liên lạc, gặp gỡ nhau để cùng nhớ về một thời thanh niên sôi nổi, một thời gian khó và để cùng thấy đất nước đã chuyển mình, cuộc sống đã tốt hơn hồi đó rất nhiều.
Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Lưu học sinh Nga 1975-1981