- Nghề ăn mày nhìn qua tưởng dễ dàng, chỉ cần ăn mặc rách rưới, giả nghèo giả
khổ là người ta thương rồi cho tiền. Thế nhưng ít ai biết được rằng, làm ăn mày
cũng phải có những kỹ năng nhất định. Kẻ mới vào nghề cũng phải học như người ta
học đọc, học viết, lâu dần sẽ trở nên lão luyện.
Mỗi ăn mày đều có sẵn “bài” do tiền bối truyền dạy hoặc do tích lũy kinh nghiệm để “móc” tiền của khách. Bởi vậy mà thời nay, nhiều người mách nhau: “Ra đường, gặp ăn mày là phải tỉnh!”
Những chiêu thức của ăn mày
“Ở đời, ông to bà lớn không lắm mưu nhiều kế còn chết nữa là thằng ăn mày. Lăn lê ở đời, rồi xã hội nó dạy cho, thiếu gì chiêu, trò! Như cô cũng thế, làm nhà báo là phải mưu mẹo chứ đơn giản đâu, nếu không có mà chết đói tất à” – Ông Trần Văn T (Thạch Thất, Hà Nội) – một “tiền bối” cái bang chia sẻ khi vừa nhận xong khoản thù lao nói chuyện.
Gặp ông T ở bến xe Giáp Bát trong những ngày nắng tháng Tư nảy lửa, ông lão ăn xin đội chiếc nón lá rách te tua, đôi tay gầy guộc nhăn nheo, không ngừng run rẩy. Ông ngồi ngay cạnh lối đi vào bến xe, hễ ai đi qua ông đều lấy điệu bộ khổ sở nhìn vào mắt họ rồi chỉ tay xuống cái thau nhôm đựng tiền lẻ trước mặt, ý bảo cho ông xin đồng. Không ai bảo ai, ai đi qua cũng rút dăm ba đồng tiền lẻ đặt xuống thau cho ông.
Ăn mày xin tiền trên đường phố. |
Khi tôi bắt chuyện với ông, ông lập tức tỏ ra tinh quái. Ông bảo: “Cô là nhà báo à? Viết bài chứ gì? Ừ thì ngồi xuống đây, hỏi gì thì hỏi, cho lão ít tiền để bồi bổ sức khỏe tuổi già là được”. Tôi rút ví, đưa cho ông lão ăn xin 50 ngàn.
Ông bảo, ông cũng có con cháu đề huề như người ta, chúng nó cũng được ăn, được học, gia cảnh cũng không đến nỗi nào nhưng ông quen làm cái nghề này rồi, thu nhập vừa cao lại vừa không tốn sức, chỉ cần có cái mẹo là kiếm tiền dễ ợt.
“Cái đầu tiên là phải “chỉnh trang” bề ngoài, làm sao cho thật nghèo, thật khổ thì người ta mới thương, mới cho. Dù già dù trẻ nhưng ánh mắt đừng tỏ ra tinh tường quá, không người ta sẽ nghi ngờ” – ông T nói.
Làm ăn mày thì phải ăn mặc nhếch nhác, rách rưới, giả nghèo, giả khổ. Ánh mắt, khuôn mặt phải phờ phạc, mệt mỏi như ốm đói. Có vậy mới lấy được lòng thương của thiên hạ. Đây cũng là chiêu thức đầu tiên, cơ bản nhất mà cái bang phải nắm được.
Thứ hai là “học thuộc bài”. Bài ở đây là những lời ai oán, bi thương mà ăn
mày sẽ nói với khách khi kể về hoàn cảnh khó khăn của bản thân, gia đình. Ví dụ
như trẻ con thì nói là cha mẹ mất sớm, phải nuôi em nhỏ hay người già thì nói bị
con cái bỏ rơi, phải tự mình nuôi thân lúc già yếu không có ai chăm sóc... Các
“bài” này có thể được thay đổi tùy vào điều kiện cụ thể.
Có lần, tôi bắt gặp hai em bé dắt nhau đi ăn mày. Chốc chốc lại thấy chúng dấm
dúi giở tờ giấy nhàu nát ra, lẩm nhẩm những câu kiểu như: “Chị ơi, chú ơi, bác
ơi... bố mẹ con mất sớm, em của con đang bị bệnh nằm nhà, không có tiền mua
thuốc, chú thương, chị thương cho con xin chút tiền chữa bệnh cho em con”. Hóa
ra là chúng đang “học bài”.
Ông T kể, những người lành lặn, bình thường đi xin người ta cũng khó. Vì dân bây giờ họ tinh lắm, họ bảo lành lặn, có sức khỏe không tự lao động mà kiếm sống lại còn đi ăn xin. Bởi vậy mà những người tàn tật lại luôn có lợi thế.
“Người nào tàn tật thì coi như là trời cho cái duyên làm ăn mày. Chỉ cần phơi ra cho thiên hạ thấy những chỗ què cụt cũng bằng nói cả trăm lời. Không phải kêu gào làm gì cho mỏi mồm, người ta thấy thế, tự khắc sẽ thương mà cho.
Cũng có khi tàn tật, chỉ cần ngồi một chỗ, người ta đi qua sẽ cho, nhưng như thế thì không được nhiều. Cứ cho đứa què cụt ngồi trên xe lăn, cho một thằng giả làm bố, làm ông gì đấy cũng được, nó chở đi, đi đến đâu thu tiền đến đấy” – Ông T nói.
Cố tình phơi ra những chỗ què cụt để lấy lòng khách. |
Như vậy, những người tàn tật được coi như có lợi thế trong nghề này, được trời phú cho cái vẻ ngoài đáng thương, dễ lấy được lòng thương của khách. Những ăn mày như vậy thường có thu nhập khá hơn so với những ăn mày còn lành lặn. Cũng có khi cái bang lại diễn ra cảnh “hỗn chiến” vì có kẻ hơn, người thiệt.
Cũng vì thế, nhiều ăn mày đã phải rời khỏi địa bàn để đến một nơi khác “hoạt động” chỉ vì bảo kê của “đồng nghiệp” sờ gáy. Tuy nhiên, những cuộc hỗn chiến này thường ngầm xẩy ra chứ không được phơi bày trước mặt thiên hạ, nếu không, cả hai bên sẽ cùng bất lợi.
Những tên ăn mày không có cái tàn tật trời cho đành phải giả tàn tật để móc túi tiền của khách.
Ông T nói: “Cô cứ thử nhìn quanh đây mà xem, thằng ăn mày nào không già cả ốm yếu, không què cụt, bệnh tật thì cũng toàn là giả mù, giả điếc, giả cụt. Tinh ý tí thì nhận ra ngay thôi! Cô xem, cái tên mù đằng kia, lúc nào không có ai để ý là hắn lại mở mắt liếc ngang liếc dọc. Cùng là ăn mày với nhau nên tôi biết rõ”.
Xin nhiều quá khách cũng quen, không cho. Nhiều khi, dân cái bang phải di chuyển địa điểm khác để hoạt động. Những tên ăn mày thường hoạt động ở các bến xe bus, xe khách, trong các đền chùa, ngoài quán nước, dọc vỉa hè...
Ăn mày cũng có nhiều kiểu “biến tấu”. Phổ biến hiện nay là kiểu vừa bán hàng, vừa xin tiền của khách. Những người ăn mày kiểu này thường chuẩn bị sẵn một cái giá nhựa đựng hàng, bao gồm mấy phong kẹo cao su, mấy điếu thuốc lá, mấy gói hướng dương... rồi rong qua các vỉa hè mời khách mua hàng. Ăn xin kiểu này không cần phải tỏ ra quá rách rưới, nghèo khổ. Trông họ phải sạch sẽ để khách khi dùng hàng không bị “ghê”.
Bế theo con nhỏ đi bán hàng để lấy lòng khách Tây. |
Ăn mày kiểu vừa bán vừa xin này thường hoạt động ở vỉa hè, dọc các quán nước hoặc trên bờ hồ Gươm, phố cổ... Đặc biệt, đối tượng để cái bang dạng này tập kích mồi chài là những ông khách Tây. Nhiều ông Tây mới đến Việt Nam lần đầu thường “động lòng” với hoàn cảnh của những người này nhưng sau dần sau họ thường tỏ ra khó chịu và không muốn bị làm phiền.
Chị Taylor, một du khách đến từ Mỹ nói: “Tôi rất ngại từ chối khi những người nghèo Việt Nam mời mua hàng, vì vậy tôi thường phải mua một món hàng nào đó mặc dù không cần sử dụng nó. Nếu không mua, họ sẽ kéo chúng tôi lại”.
Chính những người ăn mày này đã phần nào làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài.
Ăn mày biến thành ăn cắp
Bác Nguyễn Minh Thành (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Đứa cháu gái tôi kể, hôm trước gặp đứa bé ăn xin nhếch nhác, thấy thương nên cho nó tiền. Nó còn bắt chuyện với cháu tôi, kể chuyện về hoàn cảnh gia đình nó. Đến khi về nhà, giở túi xách ra mới biết là bị mất ví, đến khổ. Quay lại tìm thì bà bán nước cạnh đấy bảo thằng bé ăn xin khi nãy, nhân lúc sơ hở nó đã ăn trộm rồi. Bà ấy thấy nhưng không dám nói vì sợ bảo kê chúng gây sự”.
Chỉ vì tiền, nhiều ăn mày sẵn sàng trở thành những kẻ cắp, kẻ trộm, “xử” luôn chính những người vừa giúp mình.
Những người trông thấy tình cảnh đó đành phải khuất mắt trông coi vì sợ bị bảo kê “sờ gáy”. Nạn nhân không ai khác chính là những vị khách hảo tâm, có lòng thương người.
Ăn mày thường trực tại các bến xe. |
Ở các bến xe, đôi khi những người ăn mày trông nghèo khổ, nhếch nhác lại chính là những tên cướp, ăn trộm tiền, vật dụng của khách nhân lúc khách không để ý. Vì vậy, mọi người nên đề phòng, cẩn thận trông giữ đồ đạc, hành lý của mình.
Trong cuộc sống hiện đại, thật khó để có thể phân biệt được thật giả, đúng sai một cách hoàn toàn chính xác. Nhiều người, vì lòng thương người đã không tiếc tiền cho người ăn mày nhiều tiền của. Tuy nhiên, không phải ăn mày nào cũng có hoàn cảnh khó khăn. Việc cho tiền không đúng chỗ vô tình cũng là một hành động tiếp tay cho bọn giang hồ, lợi dụng lòng tốt của mọi người để mưu lợi. Bởi vậy, mỗi người cần phải thật “ tỉnh” khi gặp ăn mày.
Bạch Nga
Ảnh: Internet