- “Chồng tôi nắm hết tiền bạc (cả lương anh và lương tôi). Mỗi ngày đi chợ về, anh ấy đều hỏi 1 câu trở thành quen thuộc: Hôm nay đi chợ còn thừa bao nhiêu? Chỉ nghe thế là tôi phải biết đường mà đưa tiền thừa lại cho anh. Mỗi lần đi mua đồ gì (từ gói bỉm cho con đến cái khăn mặt, chai sữa tắm, gói gia vị…) tôi đều phải ngửa tay xin chồng..."

Câu chuyện trong bài viết: “Người yêu lương nghìn đô đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành” đã nhận được rất nhiều phản hồi từ độc giả. Nhiều người đọc cũng chia sẻ những câu chuyện của chính họ hay những chuyện mà họ từng “mắt thấy tai nghe” về người bạn đời tương lai hay người chồng có tính ki bo, keo kiệt.

Bạn đọc Nguyễn Đức Trọng ở Email: Yuechun…@yahoo.com chia sẻ trên VietNamNet: “Em gái tôi cũng đã lấy phải hạng người như vậy. Nhà, ô tô thì ba mẹ chồng mua cho nhưng cả bố mẹ chồng và chồng đều kể công lao ra rả suốt ngày: “Không có mẹ thì nó không có những thứ ấy, không có ba thì sao nó được thế...”. Thậm chí đến tiền lương tháng của em mình cũng đưa cho chồng giữ hộ, mua gì phải xin phép. Mà chồng của em gái mình rất vô tâm, vợ ốm không hỏi han gì còn bịt khẩu trang đi ngủ sợ bị lây...”.

Bạn đọc Lan Thanh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự: “Chồng tôi nắm hết tiền bạc (cả lương anh và lương tôi). Mỗi ngày đi chợ về, anh ấy đều hỏi 1 câu trở thành quen thuộc: Hôm nay đi chợ còn thừa bao nhiêu? Chỉ nghe thế là tôi phải biết đường mà đưa tiền thừa lại cho anh. Mỗi lần đi mua đồ gì (từ gói bỉm cho con đến cái khăn mặt, chai sữa tắm…tôi đều phải ngửa tay xin chồng). Dù không đi chợ nhưng giá cả anh nắm rất rõ, lần nào tôi đưa tiền thối thiếu anh đều cằn nhằn là mua đắt, “có mỗi mua hàng mà cũng không làm được”.

{keywords}

Ảnh minh họa

Cũng lo lắng về người yêu có tính keo kiệt, nickname Bibi_girl cũng chia sẻ trên 1 trang mạng về người yêu của mình.

Bạn viết: “Đi chơi thì thường là chạy vòng vòng ngoài đường, mỗi khi đi ăn món gì đó thì người yêu mình chỉ gọi 1 dĩa thôi. Mình mà kêu 2 dĩa thì anh ấy tỏ vẻ không vui, hoặc anh ấy bảo mình ăn một mình, anh ấy no rồi, không ăn nữa. Xấu hổ nhất là lần đi ăn trứng cút lộn chiên (1 suất có 3 trứng bé tẹo). 2 đứa vào quán mà anh ấy dõng dạc "cho 1 suất đi chị". Chị chủ bán quán quay sang hỏi "Hả? 2 đứa ăn 1 suất hả?" anh ấy quay sang mình giải thích là vì quán lạ nên ăn thử một suất trước xem ngon không, rồi mới gọi thêm. Ăn xong suất ấy, mình bảo trứng chiên ở đây ăn cũng được, nhưng anh ấy chê dở rồi nói: "Thấy chưa, nãy gọi nhiều là chết rồi".

Trên Webtretho một độc giả nữ cũng than phiền: “Mình đã gặp trường hợp tương tự. Đây là bạn trai của bạn thân mình. Hôm đó, mình và đứa bạn đi ăn gà tần, gặp 2 người đó cũng đi ăn. Cô bạn thân mình gọi vào bàn ngồi chung, 2 đứa mình cũng ngại nhưng bạn mình rủ mãi nên cũng đành miễn cưỡng ngồi cùng bàn. Bọn mình gọi mỗi đứa 1 suất gà tần và 1 lon nước ngọt. Đến lúc tính tiền bọn mình chưa kịp ra thì bạn trai của bạn mình đã đi ra quầy để thanh toán. Thanh toán xong anh ấy kéo cô bạn mình ra và nói “Bạn của em thì em trả tiền suất ăn của bạn em đi, anh chỉ thanh toán 2 suất thôi bọn mình thôi”. Bọn mình ở gần đấy nghe thấy nên mình vội ra chỗ quầy thanh toán nốt số tiền. Cô bạn mình ngượng quá chỉ bảo “Tụi mày thông cảm có gì về nói chuyện sau”. Liệu đó có phải là keo kiệt không nhỉ?”.

Cùng chủ đề trên, bạn đọc Hoàng An chia sẻ trên VietNamNet: “Gần nhà mình có một anh cũng thuộc dạng “vắt cổ chày ra nước”. Anh này đi làm thu nhập khá, lương trên 10 triệu (vào năm 2010) nhưng lại đòi giữ thẻ ATM của vợ với lý do “vợ đoảng không biết chi tiêu”, chị vợ cũng hiền nên đồng ý. Có đợt, anh này đi công tác 2 tuần mà "quên" đưa tiền cho vợ, chị vợ ở nhà phải vay tiền để đi chợ (nhà có 2 con nhỏ)”.

Độc giả này kể thêm: “Không chỉ có thế mỗi lần đi may quần áo chị này lại thậm thụt, lén lút vì sợ chồng mắng. Mỗi lần thèm ăn gì thì lại giấu chồng mua đồ ăn về nhà rồi nói dối: “Chị A, B, C …ở cơ quan vừa biếu nhà mình”. Nghe thế, anh chồng ăn uống rất vui vẻ".

“Hồi trước, có anh có ý cưa cẩm mình, mình cũng thấy xuôi xuôi vì lão ta sáng láng, công việc ngon lành nhưng sau khi tiếp xúc được vài hôm thì mình “chạy mất dép”, chị Lan Anh ở Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ.

“Hôm đó, anh hẹn mình và 2 chị bạn làm cùng công ty mình đi ăn trưa. Cả 3 gọi 3 suất bún chả và 3 cốc trà đá, tổng cộng là hết 132 nghìn. Sau khi ăn uống xong, anh chàng đột nhiên kêu là có việc gấp mà quên mất và cáo lui về trước. Anh rút ví ra có ý thanh toán thì chị đi cùng mình bảo: “Em cứ về đi tí tụi chị còn gọi thêm đồ ăn rồi thanh toán nốt cho”. Thực ra chị ấy nói thế để lão này đỡ ngại vì 3 chị em mình ăn no lắm rồi cũng chả thể ăn thêm gì.

Chàng ta gặt phắt đi: “Chị cứ để em”. Sau đó, anh ta mở ví ra đếm đi đếm lại rồi vo tròn mấy tờ tiền nhét luôn vào cái ống đựng đũa, thìa. Đoạn, anh ta quay ra khoát tay em phục vụ bảo: “Anh thanh toán đây nhé, để đây không gió nó thổi bay mất”. Khi anh ta về, chị em mình cũng ngồi một lát rồi trở lại công ty làm việc. Đang định đi thì em phục vụ gọi:

- “Chị ơi, bọn chị thanh toán chưa đủ tiền”.

- “Nãy tưởng bạn chị thanh toán rồi”, mình cự lại.

- Bạn chị mới thanh toán 1 suất là 33 nghìn, còn thiếu 99 nghìn nữa chị ạ.

Mình lấy ví ra trả mà mặt mũi đỏ bừng lên”.

Chị Lan Anh nói thêm: “May mà đang lúc tán tỉnh anh ta thể hiện rõ luôn tính nhỏ mọn, ki bo chứ lấy nhau về tính xấu mới bộc lộ thì mình có muốn chạy thì “gạo cũng thành cơm mất rồi”.

Lê Hiếu (Tổng hợp)