- Họ là những phụ huynh "bén duyên" với bục giảng, mong muốn con em không bị tự ti bởi rào cản ngôn ngữ, từ đó lĩnh hội được nhiều kiến thức hơn khi tới lớp.


{keywords}
Chị Lý Thị Dinh trong một buổi trợ giảng tại trường mầm non

Chị Lý Thị Dinh là "bà mẹ trợ giảng" có thâm niên đứng lớp được 5 năm với vai trò trợ giảng ở Trường Mầm non xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa, Điện Biên).

Gia đình có 5 anh em, nhà nghèo nên chị chỉ học đến lớp 9 (trong nhà, người có trình độ cao nhất là trung cấp).

Khi được xã chọn làm trợ giảng cho trường mầm non, chị cũng phân vân vì chưa được đào tạo sư phạm. Sau khi được tham gia một số buổi tập huấn của Tổ chức Tầm nhìn thế giới, chị tự tin hơn.

Công việc hàng ngày của chị là đến sớm đón trẻ, trò chuyện với trẻ bằng tiếng mẹ đẻ, hỗ trợ cô giáo khi gặp tính huống khó xử trong lớp, nhập vai chơi với trẻ. 

Dần quen việc,  có những hôm bận việc gia đình, học trò đến tận nhà gọi "cô trợ giảng" đến lớp. Nhiều trẻ nhút nhát còn bám và quý "trợ giảng" hơn cô giáo chính. Vì khi đến lớp các em không có cảm giác xa lạ, nên tự tin hơn. 

Mỗi tháng, “cô giáo Dinh” được nhận phụ cấp 1.150.000 đồng.

Chị Dinh mong muốn được bổ sung các kỹ năng sư phạm để chăm sóc trẻ được tốt hơn. Hiện tại, chị tự mày mò tài liệu tự cập nhật kiến thức.

Một "bà mẹ đặc biệt khác" - anh Lý Hữu Ngân, đến với công việc trợ giảng được một năm tại Trường Tiểu học bán trú Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái) từ kinh nghiệm làm trưởng ban phụ huynh.

Anh chọn làm trợ giảng "vì danh dự, vì tương lai các cháu".

"Danh dự" theo anh là được đứng lớp, tham gia việc như giáo viên và được học sinh gọi là thầy. Được hỗ trợ giáo viên về tiếng Việt và giải thích bằng tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc với những từ không hiểu.

"Vui nhất là mỗi lần bước vào lớp là lớp trưởng hô các bạn đứng lên chào...thầy" - anh Ngân hào hứng. Mỗi lần lên lớp vắng học sinh, anh thay cô giáo đến tận nhà hỏi thăm, rồi đèo học sinh đến lớp.

{keywords}
Chị Triệu Thị Thương

Cũng như anh Ngân, chị Triệu Thị Thương vào nghề trợ giảng được gần 2 năm nay tại Trường Tiểu học bán trú Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái). 

Hết lớp 12, chị Thương nghỉ học. Đến khi lập gia đình, con đi học, chị cũng loay hoay trong cách dạy con.

Khi có lớp tập huấn về trợ giảng, chị nhận lời tham gia với hai lý do: Muốn có thêm kỹ năng sư phạm để dạy con. Được đứng trên bục giảng, trao đổi với cô giáo và học sinh thường xuyên giúp bản thân tự tin hơn.

Những ngày mới đến lớp, chị gặp rất nhiều khó khăn vì trò lớp 1 chưa biết tiếng Việt, chưa có nề nếp.

Hàng ngày, trước giờ dạy tiếng Việt - chị thường có 10-15 phút để dạy bằng tiếng dân tộc, sau đó giáo viên chính lên lớp dạy bình thường. Khi đó, nhiệm vụ của trợ giảng là ngồi dưới quan sát để hỗ trợ giáo viên những tình huống học sinh không hiểu tiếng Việt, còn cô không thể giải thích cho học sinh tiếng địa phương.

Cũng như những đồng nghiệp khác, chị được hưởng trợ cấp 1.150.000 đồng/ tháng từ Tổ chức Cứu trợ trẻ em. 

“Tôi mong được tiếp gắn bó với học sinh với vai trò bà mẹ trợ giảng"...chị Thương cho biết.

Chương trình "Bà mẹ trợ giảng" được Tổ chức Tầm nhìn thế giới thực hiện từ năm 2009 tại  Tủa Chùa và Tuần Giáo (Điện Biên), với 3 ba mẹ trợ giảng. Đến nay đã nhân rộng ra 8 trường mầm non, 698/3159 trẻ người dân tộc được hưởng lợi, chiếm 22%, với 26 bà mẹ trợ giảng.

Tổ chức Cứu trợ trẻ em cũng đang triển khai ở một số trường tiểu học tại huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Nhiều hình thức hỗ trợ trẻ vùng cao

Ông Bùi Kim Đống (Phòng GD-ĐT huyện Văn Chấn, Yên Bái) cho biết, chương trình "Bà mẹ trợ giảng" giúp rút ngắn khoảng cách ngôn ngữ giữa cô và trò - giúp các em hứng thú hơn khi đến trường. Đây cũng là một phương pháp giúp thầy cô, các em học sinh vượt qua những khó khăn trong giao tiếp.

Tại buổi tọa đàm "Chính sách vai trò tiếng mẹ đẻ trong giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số" tổ chức tại Văn Chấn, Yên Bái, các đại biểu đã nêu những khó khăn  khi dạy học cho đối tượng đặc biệt này.

Ông Lê Quang Minh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, huyện có 70% học sinh dân tộc thiểu số. Có những điểm trường lẻ - đi từ trung tâm huyện đến cũng phải mất cả ngày đường nên rất khó khăn cho công tác giáo dục.

"Ngoài giải pháp đưa các em ở điểm lẻ về trung tâm thì Văn Chấn triển khai song song mô hình "Bà mẹ trợ giảng" giúp các em không bỡ ngỡ khi tới trường" - ông Minh nói.

{keywords}
70% HS là người dân tộc thiểu số. Ảnh: Vương Anh

Phó GĐ Sở GD-ĐT Yên Bái - Hà Thị Minh Lý cho hay, với những học sinh không chịu ra lớp, thầy cô phải kết hợp với chính quyền thôn bản để vận động học sinh đến trường. Đây cũng là một nhiệm vụ khó đối với thầy cô không biết tiếng dân tộc.

Bà Lý cũng cho rằng ở mỗi lớp 1 nên có một phụ huynh bản địa tham gia trợ giảng thì việc giáo dục sẽ có hiệu quả bền vững. 

Bà Trần Thị Tuyết (Phòng GD-ĐT Trạm Tấu, Yên Bái) nói, để HS lĩnh hội được kiến thức, đồng nghĩa các em phải học ngôn ngữ thứ hai là tiếng Việt, huyện cần 19 bà mẹ trợ giảng hỗ trợ cho 19 cô giáo ở 13 điểm trường.

Ông Lưu Văn Minh, Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD-ĐT) cho rằng, vai trò của người trợ giảng trên lớp rất quan trọng - giúp giải quyết những mâu thuẫn trên lớp giữa cô - trò và phụ huynh. Tuy nhiên, về lâu dài chưa phải là giải pháp mang lại hiệu quả bền vững. Thực tế, bộ đã có các chương trình tập huấn tiếng dân tộc cho giáo viên.

Từng nhiều năm gắn bó với vùng dân tộc thiểu số, ông Đặng Văn Bình - Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) chia sẻ, các thầy cô phải sử dụng linh hoạt các giải pháp trên cơ sở đã được bộ đào tạo, hỗ trợ trong học tập. 

"Hãy lựa chọn những gì tốt nhất để giúp trẻ lĩnh hội kiến thức tốt nhất" - lời ông Bình.

  • Nguyễn Hiền