Có một nền văn hóa manga/anime
Truyện tranh (manga) và phim hoạt hình (anime) là một ngành công nghiệp mang về cho nước Nhật nhiều tỷ dollar hằng năm và là một phần quan trọng trong nền văn hóa Nhật Bản đương đại. Manga/anime đã mang hình ảnh của nước Nhật đi khắp thế giới qua Songoku, Doraemon, Pokemon hay gần đây hơn là Luffy và Naruto. Mỗi tuần ở Nhật có hàng tá tạp chí truyện tranh được xuất bản trong đó nổi bật là Shounen Jump hay Magazine Special còn anime được phát trên khắp các kênh sóng với rating còn cao hơn các bộ phim truyền hình thông thường. Một số bộ phim của Studio Ghibli còn đem về doanh thu chiếu rạp trên 100 triệu dollar và dành nhiều giải thưởng danh giá. Spirted away là một anime tiêu biểu cho văn hóa Nhật giành giải thưởng oscar cho hạng mục phim hoạt hình xuất xắc nhất năm 2003
Ở Nhật, bạn có thể bắt gặp phong cách vẽ 2D của manga/anime ở khắp nơi: từ những tờ rơi giới thiệu đến những banner treo trên tàu điện hay video quảng cáo trên truyền hình; manga cũng được đặt tại ghế chờ của các phòng khám hay tiệm cắt tóc. Bạn cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy hình ảnh của các nhân vật manga/anime được hóa trang bới các otaku (người hâm mộ manga/anime) ở Akihabara, Shinjuku, Harajuku hay nhiều con phố khác ở khắp nước Nhật. Những mangaka (họa sĩ vẽ manga) cũng được người Nhật kính trọng và gọi là sensei (tiên sinh) như nhà văn, thầy giáo hay bác sĩ. Ngoài ra người ta cũng xây dựng cả một viện bảo tàng lớn ở Kyoto chỉ để triển lãm về văn hóa manga đặc sắc của nước Nhật. Manga được coi như là trái tim của văn hóa đại chúng Nhật Bản bao gồm: manga, anime, phim chuyển thể, game, cosplay,…
Ở Việt Nam, manga được du nhập vào giữa những năm 90 và mau chóng được giới trẻ ưa chuộng; hiếm có người nào thuộc thế hệ 8x và 9x lại không biết đến những Doraemon thân thiện, thám tử Conan thông minh bản lĩnh hay quái kiệt sân cỏ Jindo nghịch ngợm và giỏi võ. Anime được biết đến sau nhưng sớm cũng với manga trở thành “tuổi thơ dữ dội” của giới trẻ: các cô gái thì say mê theo dõi “Thủy thủ mặt trăng”, các chàng trai mải mê tranh luận về sức mạnh của từng chú Pokemon, các em nhỏ thì phiêu lưu cũng những câu chuyện của nhóm bạn Nobita với chú mèo máy Doraemon. Với nhiều người, hình ảnh đầu tiên của nước Nhật trong mắt họ chính là những nét vẽ 2D đặc trưng của manga và anime. Tình yêu với nước Nhật cũng được nuôi dưỡng từ những thước phim hoạt hình, từ những trang truyện tranh gắn liền với tuổi thơ.
Bài học kiến thức sinh động
Một trong những điểm đặc sắc của manga/anime là khối lượng kiến thức đa dạng và phong phú. Phần nội dung của manga/anime được đánh giá còn quan trọng hơn cả phần hình ảnh nên các họa sĩ phải đọc rất nhiều tư liệu để có thể xây dựng những cốt truyện hợp lý và hấp dẫn. Mỗi bộ manga thường gắn với một chủ đề hoặc một nghề nghiệp cụ thể nên bạn đọc có thể thu thập được nhiều kiến thức chuyên môn từ manga/anime mộ cách dễ hiểu và sinh động hơn nhiều cách nghe giảng thụ động ở trường học. Ví dụ các truyện tranh trinh thám như Conan hay Kindaichi cung cấp rất nhiều kiến thức về khoa học và hình sự. Các bộ truyện của Adachi Mitsuru miêu tả rất chi tiết các kiến thức về thể thao như bóng chày, boxing hay bơi lội. “Bác sĩ quái dị” thì cung cấp nhiều thông tin y học bổ ích. Truyện tranh không thể thay thế sách giáo khoa nhưng nó giúp cho những kiến thức chuyên môn gần gũi hơn và giúp người đọc có hứng thú hơn với việc tìm hiểu kiến thức.
Người Nhật cũng dùng manga/anime để giúp thế hệ trẻ có thêm tình yêu với văn hóa lịch sử nước nhà. “Rurouni Kenshin”, “Kaze Hikaru”, … giúp cho thanh niên Nhật Bản quan tâm hơn đến những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước qua những câu chuyện dã sử sinh động và hấp dẫn. Những người anh hùng được 2D hóa như Okita Souji, Date Masamune hay Sanada Yukimura cũng trở nên gần gũi và thú vị hơn. Bên cạnh đõ manga/anime cũng giới thiệu những nét đẹp văn hóa đặc trưng của Nhật như ẩm thực (“Vua bếp Soma”), ninja (“Ninja Hattori”), võ thuật (“Teppi”, “Cậu bé giỏi võ”),… Tình yêu đất nước được xây dựng ngay từ tình yêu đối với văn hóa lịch sử của dân tộc. Với nền văn hóa đặc sắc và lịch sử lâu đời, người Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi cách người Nhật nuôi dưỡng tình yêu văn hóa, lịch sử dân tộc của giới trẻ từ những trang truyện tranh (“Thần đồng Đất Việt” là một ví dụ tiêu biểu và tích cực).
Những thông điệp sâu sắc thông qua những câu chuyện thú vị
Có rất nhiều bộ truyện tranh và phim hoạt hình mang đến những thông điệp sâu sắc qua những cách thể hiện tự nhiên gần gũi mà không hề giáo điều hay cứng nhắc như những bài giảng đạo đức thông thường. Trong Doraemon, nhân vật chính Nobita là một cậu nhóc có tất cả các khuyết diểm của một đứa trẻ bình thường, thông qua những câu chuyện thú vị xung quanh việc Nobita vòi vĩnh bảo bối của Doraemon để giúp mình gian lận thi cử hay chơi nổi với bạn bè , tác giá khiến các độc giả nhỏ tuổi tự biết phê phán những thói xấu của Nobita, bài học đạo đức cho trẻ nhỏ được trình bày một cách hài hước thú vị và dễ thấm.
Những câu chuyện hài hước dở khóc dở cười về gia đình cậu bé hiếu động Shin-chan lại là một ví dụ khác. Shin-chan có thể quấy phá và đôi khi hành động và suy nghĩ không phù hợp với lứa tuổi của mình nhưng lại có thể khóc như mưa khi chị diễn viên hàng xóm thường bị cậu trêu chọc chuyển đi hay bảo vệ bạn bè khi bị bắt nạt. Bố của Shin thỉnh thoảng cũng thích tán tỉnh các cô gái trẻ đẹp giống như con trai mình nhưng thực ra lại luôn làm việc vất vả để chăm lo cho vợ và 2 đứa con. Mẹ của Shin tuy là một bà nội trợ đồng bóng và vụng về nhưng lại là người luôn chăm sóc thương yêu chồng con bằng cả trái tim. Tình cảm gia đình ấm áp hiện ra sau những câu chuyện cười vui vẻ.
Những thầy giáo đặc biệt như Onizuka(GTO) hay Hachisuka Goro(Hammer Session) khiến cho những câu chuyện học đường trở nên thú vị hơn. Thầy giáo xuất thân yankee Onizuka tuy không có kiến thức sư phạm nhưng lại luôn lo lắng và bảo vệ cho học sinh bằng cả trái tím. Với phong cách ngông cuồng của mình,Onizuka tuyên chiến với những thế lực bạo lực học đường, không nể nang những học sinh cậy thế “con ông cháu cha” hoành hành trong trường học, đem lại công bằng cho mọi học sinh. Hachisuka Goro thì là một tên tội phạm lừa đảo vì một chuyện tình cờ mà trở thành thầy giáo tại một trường cấp 3 với lũ học sinh được coi như là hư đốn hết thuốc chữa. Hachisuka dùng những chiêu thức lừa đảo độc đáo của mình để đưa ra các “bài học chấn động” cho cả học sinh lẫn phụ huynh của mình để giúp những đứa trẻ tìm lại được nụ cười cả ở trường học cả ở nhà. Cả Onizuka và Hachisuka đều chỉ cho chúng ta biết: trẻ con hư là do lỗi của người lớn và gia đình là chỗ dựa quan trọng nhất đối với bất cứ ai, nhiệm vụ quan trọng nhất đối với người thầy là giáo dục tâm hồn cho học sinh chứ không phải chỉ dạy cho chúng cách vượt qua các kì thi hay trở thành những kẻ có địa vị cao trong xã hội mà thấp hèn về nhân cách.
Và còn rất nhiều thông điệp cảm động khác xuất hiện rất nhẹ nhàng và cảm động trong manga/anime. Đó là bài học y đức của bác sĩ Black Jack, là bài học về tư cách một võ sĩ và một con người ngay thẳng của Rurouni Kenshin, là bài học về tình anh em sâu sắc của Katchan và Tatchan (Touch), là bài học về tình yêu thiên nhiên và môi trường trong Mononoke-hime, là bài học về tình yêu và sự trưởng thành trong Only Yesterday, … Những bài học ấy sẽ giúp giới trẻ hoàn thiện nhân cách và trở thành những người có ích và biết hi sinh vì người khác.
Bệ phóng cho trí tưởng tượng và ước mơ
Nhiều cầu thủ Nhật nối danh ở Châu Âu như Nakata Hidetoshi cho biết tình yêu bóng đá của họ xuất phát từ bộ truyện tranh “Captain Tsubasa”. Nhiều bộ truyện tranh hay phim hoạt hình khác cũng là cảm hứng cho các cậu bé, cô bé tuổi teen định hướng tương lai của mình hoặc phát huy trí tưởng tượng của họ. Những nhân vật truyện tranh sở hữu đam mê và nhiệt huyết và đạt được thành công bằng nỗ lực của bản thân chính là hình tượng để giới trẻ tự tin lựa chọn con đường phía trước . Bên cạnh đó truyện tranh và phim hoạt hình mang lại những hình ảnh mà cuộc sống thức tế không mang lại cho bạn được, khiến cho trí tưởng tượng của người đọc bay bổng, tăng thêm sức sáng tạo cả về tư duy hình tượng lẫn tư duy khoa học. Ví dụ những bảo bối thần kỳ cho Doraemon chính là nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học của thế giới tương lai.
Những điều cần lưu ý
Manga/anime dành cho các đối tượng thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau nên bạn đọc nên cân nhắc chọn những tác phẩm phù hợp với lứa tuổi của mình. Và các bậc phụ huynh cũng nên cẩn thận trước một số tác phẩm manga/anime phục vụ cho một nhóm đối tượng nhất định (mà thường bị xã hội coi là bệnh hoạn, biến thái). Ngoài ra cũng không nên biến mình thành một otaku chỉ biết cắm đầu vào thế giới ảo 2D mà dẫn tới việc xa lạ với thế giới thực bên ngoài như tình trạng của một bộ phận thanh niên Nhật Bản bây giờ. Hãy nhớ rằng, manga/anime là một phương tiện giải trí thú vị và bổ ích và chúng ta nên biết cách học hỏi từ những điểm tốt đẹp của chúng để giúp cho cuộc sống thực của mình vui vẻ và ý nghĩa hơn.
Pi Sama