Một người thu mua đồng nát đi bộ một quãng đường tương đương 25km một ngày. Số phế liệu mà họ có thể gánh được trong một chuyến lên đến 60kg…

TIN BÀI KHÁC

Tại triển lãm có tên Chuyện ở thành phố đang được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội), nhiều góc nhìn cận cảnh về đời sống, kế sinh nhai của những người hành nghề đồng nát ở Hà Nội đã được tái hiện chân thực qua những những hiện vật, thước phim và lời tâm sự của chính những người trong cuộc.

Khoảng không gian quen thuộc của một người thu mua đồng nát.
Mạng lưới xã hội trong nghề

Nghề đồng nát đã có từ lâu và phát triển rất mạnh trong khoảng chục năm gần đây. Việc tái chế đồ cũ hỏng đã tạo nên một mạng lưới xã hội trong nghề. Trong mạng lưới ấy, “đội quân” đồng nát sẽ trực tiếp thu mua đồ phế liệu các gia đình, sau đó bán lại cho các đại lý mua phế liệu. Các xưởng, lò tái chế sẽ thu mua lại từ những đại lý này.

Công việc hàng ngày của người mua đồng nát bắt đầu từ 8h sáng với bộ đồ nghề gồm có đôi quang gánh, cái cân, con dao, cái búa và cái tô vít. Họ sẽ đi rong ruổi khắp các ngõ ngách để mua hàng cho đến cuối buổi chiều mới về bán lại cho đại lý thu mua. Hàng ngày, mỗi người sẽ đi bộ không dưới 20 cây số.

Những tưởng là đơn giản, nhưng công việc này lại đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, từ tìm nguồn hàng, phân loại phế liệu đến mặc cả, vận chuyển, tìm hiểu giá của từng loại phế liệu hàng ngày để tránh mua đắt, bán rẻ…

Những chiếc ghim đánh dấu điểm tập trung của "đội quân" đồng nát.
Một điều ít ai biết về đội quân đồng nát ở Hà Nội là phần lớn họ đều đến từ huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Quan hệ dòng họ và láng giềng đã gắn kết họ với nhau không chỉ tại quê nhà, mà còn ở đô thị.

Nghề đồng nát cũng là một nghề lắm mồ hôi nước mắt. Để theo được nghề, chị em phải lăn lộn, học hỏi nhau để tránh tay trắng về quê bởi tuy là nghề phụ nhưng đây lại là thu nhập chính của gia đình. “Nghề này tuy vất vả nhưng thu nhập cao hơn làm ruộng ở quê. Vì thế, chúng tôi vẫn cố gắng theo nghề để có tiền cho gia đình chi tiêu, nuôi con cái ăn học”, tâm sự của chị Trần Thị Mi, 43 tuổi.

Trong giới đồng nát có quan niệm “lộc lá là của từng người”. Có người một tháng làm được 3-4 triệu, nhưng cũng có người chỉ kiếm được 1-2 triệu. Người khù khờ đi có khi lại được mối hàng lớn, người nhanh nhảu nhiều lúc không được gì, lại còn mất tiền oan.

Những tài sản quý giá nhất mà họ có...
Dưới đây là câu chuyện về một tai nạn nghề nghiệp của chị Đinh Thị Hoa: “Có lần trời sắp tối, mừng lắm vì cuối ngày lại có người đến bán cho cuộn dây điện rất to. Hai người đàn ông mặc quần áo thợ điện nói vừa sửa đường dây, có vài trăm mét dây điện hỏng bán lại cho mình. Mình mua hết 300.000 đồng. Không ngờ lúc sau cắt ra thì bên trong vỏ bọc dây điện không phải lõi đồng mà là xi măng, bê tông vụn. Hôm đấy coi như lỗ nặng…”.

Ban đầu chỉ làm nghề đồng nát, dần dần các chị làm cả những việc như lau nhà, quét dọn, rửa bát cho đám cưới, giặt quần áo, dọn nhà, chở đất… để có thêm thu nhập. Do kiếm tiến rất vất vả nên chi tiêu phải rất tiết kiệm. Thu nhập được chia thành từng khoản: tiến gửi về quê để nuôi cha mẹ, tiền cho con cái học tập, tiền ăn uống hàng ngày, tiền cho việc hiếu hỉ.

Những ước mơ từ gánh đồng nát

Thuê nhà thành phố rất đắt nên họ thường ở chung trong những phòng trọ chật chội. Mọi người phải rất thông cảm và chia sẻ với nhau trong mọi sinh hoạt, kể cả trong những việc rất “riêng tư”. Chị Đào Thị Yên, 34 tuổi, cho hay: “Mỗi cặp vợ chồng nằm một giường, ngăn cách nhau bởi cái màn. Cũng bình thường thôi, việc của ai người ấy làm, mình cũng thế, ‘hàng xóm’ cũng thế, có gì mà ngại đâu”.

Dù cuộc sống vất vả, bon chen đủ đường nhưng những người buôn đồng nát vẫn có khoảng không gian tâm linh thiêng liêng của riêng mình. Vào ngày mùng 1, ngày Rằm họ vẫn có hương hoa để thắp, vẫn đi lễ chùa. Những người theo đạo thì chủ nhật họ cũng đi nhà thờ.

Nhiều ước mơ cất cánh từ những gánh đồng nát đơn sơ.
Mỗi khi Tết đến hay giỗ chạp, hiếu hỉ, họ lại trở về quê hương để hòa vào không khí vui tươi của gia đình, họ hàng, làng xóm. Đó chính là bến bờ, là nơi bình yên họ hướng tới sau những cuộc mưu sinh nơi phố thị.

Với đôi quang gánh trên vai và lời rao “đồng nát dép hỏng bán đê”, nhiều người đã nâng ước mơ trên giảng đường đại học của con mình. Và đôi vai dù oằn mình dưới sức nặng của hánh hàng phế liệu đã được bù đắp lại bằng niềm vui của thành quả lao động, của gia đình hành phúc, của con cái chăm ngoan.

“Đứa con gái đầu nhà chị học xong rồi, giờ thành bác sỹ rồi. Đứa thứ hai là sinh viên, cũng đi gia sư đấy. Thằng út thì đang học ở quê”, Trần Thị Mị, một thành viên của đội quân đồng nát Hà thành, chia sẻ.

(Theo Đất Việt)