Thời kỳ đầu lịch sử của xe buýt
Xe buýt đã có một chặng đường lịch sử phát triển lâu dài kể từ khi được ra mắt vào năm 1662 tại Paris, Pháp. Cha đẻ của loại xe này chính là nhà toán học lỗi lạc Blaise Pascal.
Dĩ nhiên, thời đó xe buýt không được trang bị động cơ mà chỉ hoạt động bằng sức ngựa. Khoang hành khách chứa tối đa được 8 người. Giá vé cho mỗi lượt đi là 5 xu, một số tiền không nhỏ vào thời điểm đó nên hầu hết người sử dụng phương tiện này đều thuộc tầng lớp thượng lưu. Vì hoạt động không hiệu quả, giá vé cao, những chiếc xe buýt sức ngựa chỉ hoạt động trong thời gian khoảng 15 năm rồi tạm ngừng hoạt động.
Những chiếc xe buýt sức ngựa đầu thế kỷ 19. Ảnh: adamsmithinstitute |
Phải tới 150 năm sau, vào năm 1812, xe buýt sức ngựa mới quay trở lại trên đường phố. Lần này, những chiếc xe buýt sức ngựa đã được thiết kế khoang hành khách kín, có mái che mưa nắng, tiện nghi hơn trước rất nhiều. Chúng được gọi là “Omnibus” (và sau này là bus), trong tiếng latinh có nghĩa là xe cho mọi người.
Đến những năm 1830, với sự ra đời của động cơ hơi nước, những chiếc xe buýt động cơ hơi nước cũng được chế tạo. Tuy nhiên, loại phương tiện này vẫn chưa thực sự phổ biến.
Xe buýt hơi nước được sản xuất nhưng chưa phải là phương tiện phổ biến. Ảnh: wikipedia |
Phải đợi đến những năm 1890, cùng với cuộc cách mạng động cơ đốt trong, xe buýt mới có bước chuyển mình thực sự và trở thành phương tiện giao thông công cộng quan trọng không thể thiếu trong đời sống.
Chiếc xe buýt lớn nhất thế giới
Danh hiệu chiếc xe buýt lớn nhất thế giới đang thuộc về chiếc Gran Artic 300, tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil. Chiếc xe này dài gần 30 m và chứa được tới 300 hành khách. Đây là sản phẩm do hãng xe Volvo, Thụy Điển chế tạo.
Chiếc xe buýt lớn nhất thế giới tại Brazil. Ảnh: Carfromjapan |
Trước chiếc xe này, Volvo đã chế tạo những mẫu xe buýt có sức chứa 150, 180, 210 hành khách. Tuy nhiên, với hy vọng giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm và tiết kiệm chi phí, chính quyền Brazil vẫn muốn một chiếc xe lớn hơn nữa và đó là lí do Gran Artic 300 ra đời. Để dễ dàng di chuyển trên đường phố, chiếc Gran Artic 300 có cấu tạo từ 3 khoang nhỏ được nối với nhau bằng các khớp nối mềm.
Tuyến xe buýt dài nhất thế giới
Tuyến xe buýt dài nhất trong lịch sử được ghi nhận là tuyến xe bắt đầu từ London, Anh tới Calcutta, Ấn độ dài 32.600 km. Trong giai đoạn 8 năm hoạt động (1968-1976), chỉ có tổng cộng tất cả 15 chuyến xe được khởi hành. Còn hiện tại, danh hiệu này đang thuộc về tuyến xe buýt từ Lima, Peru đến Rio de Janeiro, Brazil dài 2.600 km.
Những chiếc xe buýt 3 tầng
Dòng xe buýt 3 tầng được sản xuất từ giữa thế kỷ 20 để phục vụ nhu cầu chở khách số lượng lớn. Tuy nhiên, theo thời gian loại xe này dần biến mất, tới nay chỉ còn duy nhất hãng xe Knight Bus của Anh còn sử dụng xe buýt 3 tầng.
Những fan hâm mộ của bộ phim Harry Potter rất yêu thích chiếc xe này. Ảnh: Daniel Lehman |
Từng xuất hiện trong bộ phim “Harry Potter và tên tù nhân ngục Azkaban” và gây ấn tượng mạnh cho khán giả, hiện tại những chiếc xe buýt 3 tầng của Knight Bus đang rất hút khách du lịch trải nghiệm.
Tại sao xe buýt trường học tại Mỹ có màu vàng?
Theo luật pháp Mỹ quy định, tất cả xe buýt trường học chở học sinh ở nước này đều phải sơn màu vàng. Rất nhiều người thắc mắc rằng, nếu vì lý do an toàn tại sao không sơn xe buýt màu đỏ, một chiếc xe màu đỏ sẽ dễ nhận biết hơn màu vàng. Tuy nhiên sự thực lại không phải vậy, theo nghiên cứu khoa học màu vàng dễ nhận biết hơn màu đỏ tới 1.24 lần. Chính màu vàng mới là màu thu hút nhất, có khả năng hiển thị tốt nhất trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc trong thời tiết xấu. Mắt người có thể nhận biết màu vàng nhanh nhất, kể cả khi chiếc xe xuất hiện từ hướng khóe mắt.
Tất cả xe buýt tại Mỹ phải sơn màu vàng. Ảnh: Tiphero |
Cũng tại Mỹ, xe buýt trường học thường không được trang bị dây an toàn, có nhiều lý do giải thích cho việc này. Thứ nhất, rất khó để thắt dây an toàn cho tất cả học sinh và bắt lũ trẻ phải ngồi yên tại ghế trên suốt chuyến đi. Thứ hai, trong trường hợp khẩn cấp, nhiều đứa trẻ sẽ không tự mở được dây an toàn khiến việc sơ tán trở nên chậm trễ, khó khăn hơn. Vì nguyên nhân này, nhà chức trách sẽ không bắt buộc học sinh phải thắt dây an toàn. Và vì luật pháp không yêu cầu nên các hãng ô tô cũng cắt luôn tính năng này để hạ chi phí sản xuất.
Dù vậy, xe buýt trường học vẫn là phương tiện giao thông an toàn bậc nhất cho học sinh. Do chỉ được chạy với tốc độ thấp, không được chạy trên đường cao tốc, được quyền ưu tiên nhường đường so với các phương tiện khác nên mức an toàn của xe buýt trường học cao hơn 40 lần so với ô tô bình thường.
Ngân Vũ (CarfromJapan)
Bạn hài lòng hay thất vọng về chiếc ô tô của mình? Hãy chia sẻ bài viết review về xế cưng của mình tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Trải nghiệm ‘cực chất’ với xe buýt điện đầu tiên ở Việt Nam
Với những tính năng thông minh và thân thiện môi trường, xe buýt điện VinBus vừa đi vào vận hành đã tạo ra một “làn sóng xanh” ủng hộ khắp cả nước.