Đã có không ít vụ trẻ em tự sát gây chấn động vì bị bắt nạt trên mạng trong vài năm trở lại đây, làm dấy lên hồi chuông báo động về một vấn nạn hiện hữu nhưng đang bị nhiều bậc phụ huynh thờ ơ, lơ là.

Theo trang Nobullying.com, tháng 10-2006, cô bé đã treo cổ tự sát trong phòng ngủ ở thành phố Dardenne Prairie, bang Missouri (Mỹ).

{keywords}

Câu chuyện của cô bé 13 tuổi Megan Meier đáng để tất cả những ai làm cha làm mẹ phải giật mình.

Khi cảnh sát tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc, họ phát hiện Meier luôn tự tin về việc quá cân. Vài tuần trước khi tự sát, cô bé đã kết bạn qua mạng xã hội MySpace vớimột cậu bé 16 tuổi tên Josh Evans. Không hiểu vì lý do gì, Josh luôn chê bai Megan, thậm chí còn bình phẩm: “Thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu không có mày”. Sau đó, một số bạn cùng lớp của Megan trên Myspace cũng viết các tin nhắn độc địa phỉ báng cô bé. Quá đau đớn, Megan đã treo cổ tự sát.

Ba năm sau, vào năm 2009, một cô bé cũng 13 tuổi khác là Hope Sitwell ở Florida đã treo cổ tự sát sau khi bức ảnh hở ngực mà cô bé gửi cho bạn trai bị tung lên mạng, chia sẻ khắp 6 trường học gần đó. Thậm chí những kẻ bắt nạt cô bé còn lập hẳn một trang trên MySpace với tiêu đề "Hội những người ghét Hope".

Ngay tại Việt Nam, một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai mới đây cũng đã phải tự tử vì bị tung clip nóng lên mạng, cho thấy câu chuyện này không còn xa xôi tận trời Tây nữa.

Theo thống kê của tổ chức NetChildrenGoMobile, cứ 4 trẻ trong độ tuổi từ 12-17 tuổi thì lại có 1 em là nạn nhân của bắt nạt Internet dưới nhiều hình thức khác nhau. Hậu quả có thể sẽ trầm trọng: Trẻ trở nên tách biệt, giấu diếm; việc học bị ảnh hưởng và chúng có thể trở nên chán nản, hay gây hấn với người khác hoặc thậm chí có xu hướng tự tổn thương bản thân. Vì thế cha mẹ phải nhận thức được vấn đề và biết cách để đối phó ngay từ những ngày đầu tiên.

Mặc dù Internet chỉ là thế giới ảo nhưng không phải mọi sự đe doạ đều có thể giải quyết bằng công nghệ. Dưới đây là những lời khuyên cho các bậc phụ huynh để bảo vệ con mình trước vấn nạn này, do các chuyên gia của Kaspersky Lab khuyến nghị:

1. Hãy luôn ở bên trẻ, không thành kiến, không phán xét mà chỉ trao gửi yêu thương. Vào lúc này, các em rất cần được an ủi rằng bất kể chuyện gì đã xảy ra hay có làm gì đi nữa, bạn vẫn luôn ở bên ủng hộ.

2. Đừng xem nhẹ vấn đề. Ngay lúc này, điều quan trọng nhất chính là cuộc sống của con bạn. Trong tình trạng tâm hồn tổn thương, con bạn sẽ không có khả năng suy nghĩ một cách lí trí, vì thế hãy để chúng biết bạn hiểu được sự nghiêm trọng của tình hình và thông cảm cho nỗi đau của các em.

3. Đây vẫn chưa là thời điểm để nói lý lẽ. Đừng nói rằng các em đã gây ra vấn đề, dù thậm chí sự thật là vậy. Điều đó có thể là rào cản khiến đứa trẻ nghĩ bạn không hiểu chúng.

4. Sự đồng cảm chân thành thật sự cần thiết. Điều quan trọng là con bạn biết rằng bạn có cùng cảm nhận với chúng. Hãy giải thích rằng bạn đã từng đối mặt những thách thức tương tự - dù không phải trên Internet nhưng vẫn rất khó khăn. Đừng nói rằng bạn còn chịu đựng nhiều hơn thế hay bạn đã mạnh mẽ đối đầu như thế nào. Hãy nói rằng những lúc ấy điều bạn cần nhất chính là một người lắng nghe, thấu hiểu và bên cạnh.

5. Chỉ khi bạn đã có được sự tin tưởng của đứa trẻ - điều cần thời gian và không nên vội vàng – thì hãy bắt đầu nói đến vấn đề. Đừng đoán xem chúng đang định nói gì. Hãy để chúng tự bắt chuyện và kể với bạn về điều đó theo cách của chúng. Điều này rất quan trọng để con bạn có thể tự trút bỏ gánh nặng.

Trong chiến dịch chống lại bạo lực Internet, Kaspersky Lab đã phát triển một cổng thông tin tương tác mới “Words Can Save” chứa nhiều thông tin về vấn đề và hướng dẫn các bậc cha mẹ qua các dấu hiệu ngầm của bạo lực Internet ở con trẻ. Trang wordscansave.me giúp các bậc cha mẹ hiểu tầm quan trọng của việc gần gũi với trẻ và giúp đỡ chúng với ngôn từ phù hợp.

Thiên Ý