Trong chuyện tình cảm nói chung và tình yêu, hôn nhân nói riêng, không phải đến bây giờ giá trị của lòng tin mới được nhắc tới. Quý giá không khác gì báu vật, nhưng lòng tin không phải là thứ để cất giữ trong hộp, lại càng không phải là điều mà người ta có thể đem ra ràng buộc hay rẻ rúng nhau...

Từ 1001 kiểu canh giữ lòng tin của người xưa...

Đó là chiếc đai trinh tiết của các chiến binh La Mã ngày xưa. Vì họ thường phải chinh chiến xa nhà suốt nhiều năm, nên không tin tưởng hoàn toàn vào sự chung thủy của vợ. Muốn yên tâm, họ đã sáng chế ra chiếc đai trinh tiết. Điều đáng nói là chiếc đai trinh tiết này ngoài việc dành hai lỗ thoát cho chức năng bài tiết, còn có gắn những cây đinh dài hơn 3cm, có ba cạnh nhọn hoắt như mũi dùi có tác dụng gây đau đớn cho “kẻ có ý đồ xâm phạm”.


Ngày càng có nhiều người thuê thám tử để “đo” sự chung thủy của bạn đời.

Đai trinh tiết chỉ được tháo bỏ khi người chồng chinh chiến trở về vì chính anh ta là người giữ chìa khóa. Đó là vết chấm đỏ như son trên cánh tay trái người con gái ở thời nhà Hán ở Trung Hoa. Vết chấm này được lấy từ máu con tắc kè nuôi bằng chu sa. Tương truyền, khi cô gái thất thân, vết son sẽ biến mất ngay lập tức. Đây cũng là bằng chứng về sự trong trắng của họ trước khi lên xe hoa.

Ở Việt Nam, hẳn nhiều người biết câu chuyện buồn về người con gái Nam Xương (một truyện trong bộ “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ). Chồng đi xa, nhớ chồng và để dỗ con, nàng đã gọi cái bóng chính mình trên tường mỗi tối thắp đèn là chồng mình, là cha của đứa bé. Và để rồi nàng phải chết oan chỉ vì thói nghi kỵ, mất lòng tin của người chồng.

Kể thế mới biết, không riêng gì Việt Nam, văn học, sử học của nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận những kiểu canh giữ và xác tín lòng tin giữa đàn ông và đàn bà, giữa vợ và chồng rất không giống ai.

Đến những “mắt thần” thời hiện đại

Lại nói đến cái đai trinh tiết. Cứ tưởng nó chỉ tồn tại trong chế độ La Mã cổ đại, ai ngờ đến nay, người ta vẫn còn sử dụng đai trinh tiết. Năm 2004, hải quan phi trường Athens, Hy Lạp đã giữ một người phụ nữ lại vì khi chị này bước qua cổng, máy báo hiệu kim loại báo động inh ỏi. Dù chị đã cởi bỏ hết những món bằng kim loại trên người nhưng máy vẫn không tha. Cuối cùng, chị đành khai nhỏ với hải quan rằng: “Ông nhà sợ tôi ngoại tình nên buộc tôi mặc đai trinh tiết bằng thép suốt thời gian đi nghỉ hè ở Hy Lạp”.

Cũng là một kiểu canh giữ, nhưng ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này, nhiều người đàn ông, phụ nữ không còn cần kiểu vật dụng thô thiển như chiếc đai trinh tiết nữa. Thay vào đó là áp dụng những công nghệ mới trong việc... chống bị “cắm sừng”.

Cho đến tận lúc này, khi nhất cử nhất động đã nằm trong vòng cương tỏa chặt chẽ của vợ từ “sự cố đánh rơi lòng tin”, một đại gia đất Hà thành mãi vẫn không thể hiểu là sao mà “sư tử Hà Đông” nhà mình lại biết được từ A đến Z câu chuyện ngoại tình mà đến cả thám tử cũng bó tay. Có gì đâu, đơn giản đó chỉ là câu chuyện của công nghệ. Chiếc máy ghi âm chỉ bé bằng phân nửa bao diêm, thiết bị định vị nhỏ bằng cúc áo, giá rẻ như bèo, rao bán đầy trên mạng đã giúp bà vợ không những ghi âm lại chi tiết cuộc trò chuyện của chồng mình với nhân tình mà còn kèm theo cả địa chỉ nhà nghỉ mà hai người thường “mây mưa”.

Mới tinh đây thôi, các diễn đàn mạng đang truyền tay nhau về một câu chuyện bi hài khi một anh chàng đã phát hiện người yêu ngoại tình bằng iPhone 4. Chuyện kể rằng, có một anh chàng vốn là dân công nghệ hay phải đi công tác xa đã sắm hẳn cho người yêu một chiếc iPhone 4 với mục đích ban đầu là để thi thoảng dùng tính năng FaceTime để chat video cho đỡ nhớ. Lẩn mẩn thế nào, sau một lần rủ người yêu đi chơi bị chối khéo, anh chàng dùng tính năng Mobile Me, để xem chiếc iPhone 4 người yêu dùng đang nằm ở đâu.

Kết quả không tin vào mắt mình khi bảng thông báo máy đang nằm trong khoảng ngõ trên một con phố nhiều nhà nghỉ ở đường Trần Duy Hưng. Với việc khoanh vùng và nắm địa bàn, anh chàng đến ngay đầu ngõ và bắt gặp cảnh “người yêu” mình đi ra từ nhà nghỉ cùng trai lạ.

Thế nhưng, so với nhiều người thì “trình” theo dõi của anh chàng này vẫn chưa siêu, bởi có dạo thiên hạ rộ lên sốt phần mềm Mobile Spy. Chỉ cần ngồi một chỗ, mọi cuộc gọi, tin nhắn, vị trí của đối phương đều bị báo cáo liên tục hết. Chạy đằng trời.

Sự thật bẽ bàng và "cú vỗ vai" của pháp luật

Người ta vẫn nói, với đàn ông, sự thủy chung không chỉ là bằng chứng tình yêu mà còn là niềm kiêu hãnh. Thế nên họ xem chuyện bị “cắm sừng” là nỗi ô nhục lớn, không thể chấp nhận. Do đó, họ đã nghĩ ra nhiều cách độc đáo nhằm giữ gìn trinh tiết của người đàn bà của mình, mà thực chất ra là an ủi cho lòng tin của chính mình. Và người ta cũng nói, đàn bà để canh giữ đàn ông, thỏa mãn cơn ghen thì cũng chẳng kém cạnh trong những chiêu bài vỗ về lòng tin như thế.

Thế nhưng, liệu đã có ai đặt câu hỏi rằng với những người này, đó có còn là tình yêu? Tình yêu, lòng tin vào tình yêu đâu chỉ biểu hiện ở sự tiết trinh của thể xác. Một người vợ hay người chồng tuy cả đời chỉ “quan hệ” với “đối tác” của mình nhưng đầu óc lại luôn tơ tưởng chuyện ngoại tình, thì điều đó có phải là phản bội hay không?

Trong tình yêu, niềm tin muốn vững bền chỉ có thể gắn liền với tình yêu thực sự, thể hiện qua hành động đầy nhân tâm và được bồi đắp mỗi ngày, mỗi giờ. Còn một khi lòng tin đã mất thì thiết nghĩ chẳng cần phải theo dõi, tốn công của vì sự thật vốn bẽ bàng. Đó là chưa kể đến khi thực hiện việc theo dõi này, người theo dõi khi sự việc vỡ lở sẽ nhiều khả năng phải đối mặt với “cú vỗ vai” của pháp luật từ các quy định về xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân.

Điều 71 và Điều 73 Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm, có quyền được bảo vệ thư tín, điện thoại, điện tín, nơi ở. Bộ luật Dân sự quy định cụ thể những nguyên tắc pháp lí trong việc bảo vệ quyền đối với bí mật đời tư của cá nhân. Theo đó, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc nhân thân của người đó đồng ý nếu người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự...

(Theo PLVN)