- Buổi trưa ở tịnh xá Ngọc Tuyền (Tổ 17, thôn Tân Hạnh, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) khá tĩnh mịch với những đứa trẻ mặt mày lem luốc chạy vui đùa trên sân trước tịnh xá với đầu để 3 chỏm… Nơi đây đang là nơi ở của một bà mẹ và gần 30 đứa trẻ mồ côi hay trẻ bị bỏ rơi được bà cưu mang.
Chuyện về những sinh linh bé nhỏ
Sư cô Thích Nữ Giác Liên (tên thật là
Phạm Thị Nương) một mình chăm sóc, nuôi dưỡng đến nay đã 45 đứa trẻ. Chúng lớn
lên trong tiếng kinh và sà vào vòng tay nhân ái của sư cô để vượt qua giông bão
cuộc đời. Chúng là sản phẩm lỗi lầm của những ông bố, bà mẹ vô trách nhiệm.
Những đứa trẻ mồ côi ở tịnh xá của sư cô Giác Liên |
Tịnh
xá được xây dựng nhỏ nhắn và nằm nép mình trong một con đường nhỏ bằng đất đỏ,
xa trục đường chính 5km. Khi chúng tôi đến thăm, lũ trẻ vắng hơi cha mẹ từ khi
mới lọt lòng đang lóc chóc chạy nhảy, một số vừa đi học mới về.
Những đứa trẻ tóc để chỏm lon ton chơi đùa đón chúng tôi bằng tiếng cười nói
trong veo. Chúng lon ton theo sau nhóm khách lạ và sà vào lòng đùa giỡn chúng
tôi dù không biết là quen hay lạ.
Sư cô Giác Liên kể: “Tôi bắt đầu việc nuôi trẻ bị
bỏ rơi như một duyên số với chúng. Cháu đầu tiên tôi nuôi khi tịnh xá còn là một
lều tranh nằm ẩn sâu trong rừng hoang vắng. Tính đến nay tôi đã nuôi 45 cháu mồ
côi hay bị cha mẹ bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ. Một số cháu lớn đã đi sang chùa hay
tịnh xá khác, hiện còn 28 cháu đang sống cùng tôi.
Chúng rất tội nghiệp và mỗi cháu có một hoàn cảnh riêng éo le khác nhau. Những
đứa trẻ ở đây hầu hết là cha mẹ đem đến bỏ cổng chùa, có đứa được lượm ngoài con
suối, gốc cây gần tịnh xá... Giờ em lớn nhất đã học lớp 9 và đứa bé nhất là 3
tháng. Tất cả các con đều được làm khai sinh theo họ của tôi ngoài đời trước khi
xuất gia, là họ Phạm”.
Phạm Hải Tuệ là anh lớn nhất của các em trong tịnh xá nay đã 15 tuổi, đang học
lớp 9. Hải Tuệ hàng ngày dùng xe gắn máy chở các em đi học (xa tịnh xá cả 5 km),
sau khi học về lại lo chăm sóc chúng.
Hải Tuệ bị bỏ rơi khi được 3 ngày tuổi. Lý do chú
bé bị bỏ rơi và bị cha nhấn xuống suối cho chết vì nghe đâu người mẹ ngoại tình
mà sinh ra em. Sư cô nhặt được cậu bên bờ suối khi em đã tím tái và không bú
được. Sư cô phải lấy sữa bò (loại cô đặc) quết lên đầu ngón tay trỏ và cho vào
miệng để cậu nhấp từng chút một. Nhiều tháng sau đó, cũng bằng cách cho ăn này,
Hải Tuệ đã mút mòn ngón tay của sư cô và dần lớn lên.
Phạm Hải Hoàng năm nay 6 tuổi, chuẩn bị đi học lớp 1 thì bị một cái bớt đen bao
quanh mắt bên trái. Theo chính cha mẹ em kể lại trong nước mắt thì vợ chồng họ
từ Cà Mau lên Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống. Do quá chênh lệch về tuổi tác nên khá
nhiều người biết và để ý họ: chồng 70 tuổi và vợ chưa đến tuổi vị thành niên vì
cô sinh con khi mới 17 tuổi. Giấu bụng bầu và giấu gia đình nên khi sinh ra Hải
Hoàng chỉ chưa đầy 1kg và quanh mắt trái có vòng bớt màu đen. Quá sợ hãi, người
vợ vứt con vào sọt rác. Còn người cha thấy tội quá bèn lén mang con đến để lại
tịnh xá.
Phạm Hải Lộc năm nay 3 tuổi nhưng đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật vá môi và
chuẩn bị vá thêm một lần nữa mới có thể nói được. Cha mẹ Hải Lộc quê miền Bắc
vào đây sinh sống. Họ đã có 4 đứa con nhưng vẫn suốt ngày cãi cọ và đánh nhau.
Khi có thai được 7 tháng, sau một trận đánh nhau với chồng, mẹ sinh ra cậu thiếu
một mảng môi trên, đỏ hỏn và nặng chỉ 8 lạng.
Người cha đã đào hố toan chôn con mình thì sư cô nghe tin chạy đến. Người cha
phân trần là cháu thiếu tháng, nhẹ ký nên không thể nuôi được. Sư cô móc trong
túi còn được 500 ngàn đồng dúi vào tay người cha và nói “mang cháu đi bệnh viện
để ấp lồng, nếu cháu sống tôi nuôi, cháu chết chôn chưa vội”.
7 ngày sau, cha Hải Lộc đưa em về từ bệnh viện và em đã cứng hơn nhưng không bú
được, phải bón từng chút một. Nhưng sau đó Hải Lộc bị sốt cao, sư cô phải đưa đi
Bệnh viện Nhi Đồng 2 ở TP.HCM khám. Tại đây, các bác sĩ nghi em bị nhiễm HIV nên
cách ly em 10 ngày, chỉ sau khi các xét nghiệm chứng tỏ em không nhiễm căn bệnh
thế kỷ thì cậu bé mới khỏe dần. Sau này, sư cô đưa em đi khám để vá môi và em đã
được phẫu thuật đến lần thứ 3 nên mặt đã bớt dị dạng.
Phạm Hải Thọ hiện đang học lớp 1 có duyên với sư cô Giác Liên là do một người
chạy xe ba gác đưa đến. Theo người chạy xe ba gác thì anh hay thấy Hải Thọ đi
xin ăn lang thang cùng người mẹ tâm thần. Bẵng đi một thời gian, không ai thấy
mẹ chú đâu nhưng nhiều người thấy chú đói lả nằm trên bãi cỏ ở TX Bà Rịa. Người
chạy xe ba gác vốn đã được nghe về tịnh xá có sư cô đang nuôi mấy trẻ bị bỏ rơi
nên vội đưa Hải Thọ tới đây cho em có nơi nương náu.
Và những khó khăn của sư cô Giác Liên
Sư
cô Giác Liên quê ở TX Châu Đốc (An Giang), bà xuất gia năm 18 tuổi. Sau nhiều
năm đi nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ, năm 1992 sư quyết định
chọn nơi đây là chốn dừng chân. Khi mới đến, sư cô phải ở trong hang đá, sau mới
cất lên 1 túp lều tranh nhỏ cạnh con suối. Năm 1997 với sự đóng góp của các Phật
tử bốn phương nên sư cô mới xây dựng được tinh xá như ngày nay.
Các cháu bé mồ côi ở tịnh xá của sư cô Giác Liên đang sống và sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn nhiều thứ |
Tuy
nhiên, sau khi đi một vòng quanh tịnh xá thì thực sự chúng tôi ái ngại cho lũ
trẻ. Do khó khăn nên tịnh xá có diện tích khá nhỏ, chỉ khoảng hơn 1.000 m2,
không có vườn cây hay hoa lợi nào khác ngoài sự từ thiện của các nhà hảo tâm.
Bữa ăn mà chúng tôi chứng kiến là các em ăn cơm với canh rau bí. Các em ngủ trên
2 mảnh ván nhỏ và vài chiếc giường tầng nằm sau tịnh xá khá đơn sơ. Dù còn nhiều
khó khăn nhưng tịnh xá vẫn phải thanh toán các khoản học phí cho lũ trẻ để chúng
được đi học.
Quả thật, dù có vất vả nhưng sư cô Giác Liên vẫn vui vẻ cùng các cháu, trong tịnh xá đầy ắp tiếng cười đùa. Sư cô Giác Liên như người mẹ già ngồi canh từng bước đi chập chững của những đứa con mới nhặt được. Với sư cô, không hạnh phúc nào lớn hơn được canh giấc ngủ, chăm từng miếng ăn và thức suốt đêm bên giường bệnh để săn sóc những đứa con bị bỏ rơi của mình.
- Phạm Đăng Giới