Nhà tiểu họa - cuốn sách đọc để thấy chút tàn dư của thế ký XVII vẫn đang sống mạnh mẽ, len lỏi giữa thế kỷ 21 tưởng chừng đã văn minh.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Jessie Burton – Nhà tiểu họa từng bước đưa người đọc vén bức màn bí mật và tận mắt chứng kiến chuỗi câu chuyện ly kì nhưng không kém phần quyến rũ, phức tạp với hệ thống các nhân vật được thiết lập tại Amsterdam thế kỷ 17. Dưới ngòi bút của Burton, bức tranh hiện thực tàn khốc của xã hội Hà Lan lúc bấy giờ được tái hiện một cách chân thực qua từng chi tiết, từng hơi thở của thời đại. Đọc cuốn sách, không ít lần độc giả sẽ phải giật mình nhận ra đâu đó, chút tàn dư của thế kỷ 17 giáo điều và vô cảm vẫn len lỏi đâu đó trong xã hội hiện đại ngày nay, như một vòng tròn lởn vởn mãi không có hồi kết.
Nhà tiểu họa đã thực sự tạo ra cơn sốt tại Anh ngay khi vừa ra mắt Jessie Burton chọn cho mình cách sắp xếp mạch truyện phần lớn dựa theo tuyến tính các nhân vật. Ngay từ lúc bắt đầu, các nhân vật trong gia đình Brandt lần lượt xuất hiện với tính cách nhạt, kì cục và có đôi phần khó hiểu. Thế nhưng, theo nhịp điệu nhẹ nhàng của mạch thời gian, các diễn biến trong truyện không khác gì một đòn bẩy vững chắc góp phần đẩy con người vào những vòng xoáy, bi kịch và buộc họ biến đổi mạnh mẽ, ấn tượng nhất hết mức có thể.
Các tình tiết truyện cũng dần hé lộ ra biết bao nỗi lo lắng và phân biệt: chủng tộc, giới tính, tình dục, quấy rối, giới hạn xã hội... Tất cả được lồng ghép một cách khéo léo qua mạch truyện tựa hồ một nhắc nhở về nỗi thống khổ của số phận. Dường như, ở thế kỷ 17 tại Hà Lan, mọi thứ đều rất mơ hồ từ cuộc sống cho đến số phận của chính con người. Ở đó, gia đình Johannes Brandt giàu có đến nỗi “mọi cô gái nguyện mất cánh tay để được làm vợ Johannes”, lại là nơi chứa đựng tầng lớp bí mật được xem là xấu hổ nhất, xấu xa nhất.
Thế nhưng, người ta nào hay biết rằng, chính sự xấu hổ, nhục nhã đó lại mang tầm vóc thời đại với nhiều ý nghĩa lớn lao về chủ nghĩa nữ quyền và chấp nhận tự do tình dục con người. Dù là thế kỷ 17 hay 21 thì câu chuyện nữ quyền vẫn luôn nóng hổi. Hàng loạt những câu hỏi về các mối quan hệ giữa các chủng tộc, sự độc lập, quyền bình đẳng của phụ nữ và câu chuyện về người đồng tính được Jessie Burton đưa ra như một câu hỏi không mang tính đúng – sai.
Thoạt nhìn qua, ta cứ ngỡ tìm thấy ngay đáp án một cách dễ dàng nhưng bản chất câu trả lời ấy lại hóc búa vô cùng, khiến người đọc chỉ biết đành lòng chấp nhận buông xuôi. Ở thế kỷ 17, mọi thứ dễ dàng bị chỉ trích vì bất cứ điều gì. Ấy vậy mà Jessie Burton đã đem hết thảy những điều gây sốc trong thế kỷ 17 vào câu chuyện của mình để làm nên giá trị thông điệp đích thực rằng: Mọi tình yêu đều có nghĩa, bất chấp điểm xuất phát và điểm dừng của nó, dù ai cho ai nhận cũng đều đáng quý. 4 thế kỷ đằng đẵng trôi qua, con người lần lượt đấu tranh thành công cho những quyền tự do bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc của chính mình.
Hà Đoan