Bên cạnh những chiếc điện thoại thông thường và những chiếc smartphone ấn tượng với tính năng vượt trội, trên thế giới còn có rất nhiều điện thoại kì lạ và độc đáo chỉ dành cho người có tiền hoặc những sở thích đặc biệt để sở hữu.


Không chỉ vậy, những mẫu điện thoại này được sản xuất với số lượng cực ít, thậm chí là chỉ có một cái duy nhất trên đời. Sau đây là một số mẫu tiêu biểu nhất.

Điện thoại dao găm

Điện thoại này có cái tên khá mĩ miều, Goldvish “Le million” (của hãng Goldvish chuyên sản xuất điện thoại cao cấp ở Thụy Sĩ ) nhưng khi nghe đến giá, có thể nhiều người sẽ phải sởn tóc gáy, 540 ngàn bảng Anh (838.000 USD) là yêu cầu tối thiểu để sở hữu được nó. Lẽ dĩ nhiên, khi đi ra ngoài với chiếc điện thoại này, bạn cần một dàn bảo vệ trang bị tới tận răng, xe hơi bọc thép và những món quần áo trang sức xa xỉ khác để có thể… xứng với nó.


Trong lịch sử của mình, chỉ có duy nhất 100 chiếc Goldvish được sản xuất và những người mua nó được giữ bí mật tuyệt đối. Khi vừa ra đời, những chiếc điện thoại này có lúc được bán với giá trên 1,45 triệu dollar. Thiết kế với hình chiếc dao găm, với hai đầu có thể mở ra để nhét các vật dụng nhỏ vào, nó là điện thoại đầu tiên có thêm chức năng của chiếc ví, một chiếc ví đắt tiền. Goldvish được trang bị đầy đủ tính năng cơ bản của điện thoại nhưng lại không hỗ trợ công nghệ Wi-Fi.

Ngay sau khi vừa xuất hiện, Goldvish “Le million” đã được đưa vào sách kỉ lục Guinness với danh hiệu là chiếc điện thoại đắt nhất thế giới. Điều khiến nó đắt như vậy, là vì trên toàn bộ vỏ bọc bên ngoài với hình chiếc dao găm, nó được gắn thêm 1.800 viên kim cương nặng 120 carat, tất cả chúng được đính trên nền của 18 carat bạch kim phủ khắp thân máy. Để chế tạo ra nó, người ta phải mời những nghệ nhân kim hoàn giỏi nhất của Châu Âu và chế tác bí mật trong môi trường tiện nghi tối đa kèm theo sự bảo vệ còn hơn dành cho một nguyên thủ quốc gia. Nó có khả năng nghe radio kèm theo một bộ nhớ trong có dung lượng 2 GB, có thể nó hoạt động không mạnh bằng các chú “dế” khác nhưng chắc chắn không điện thoại di động nào trên thế giới có thể sánh ngang về sự sang trọng so với Goldvish. Nhà thiết kế kiểu dáng cho điện thoại này là Emmanuel Gueit, người mua nó đầu tiên là một tỉ phú người Nga, ông mua tặng vợ nhân sinh nhật của bà.

Điện thoại gỗ

Trong khi các hãng sản xuất điện thoại chọn nhựa, kim loại, vàng, bạc, bạch kim để thiết kế điện thoại thì một hãng khác lại chọn gỗ để làm những chiếc dế của mình, đó là hãng Mobiado với chiếc Professional EM. Mặc dù làm bằng gỗ, nhưng giá của nó không hề rẻ, khoảng 1027 bảng Anh (tức 1.600 USD) cho bất kì ai muốn sở hữu siêu phẩm gỗ này. Phiên bản Mobiado này sử dụng khung gỗ Cocobolo, một loại gỗ tương đối quý và hiếm, chỉ có dọc bờ biển Mexico và Trung Mỹ, cùng gỗ Rosewood của vùng Honduras (thuộc Trung Mỹ). Cả hai loại gỗ này chuyên dùng để sản xuất báng súng, chuôi dao của các nhà quý tộc ngày xưa, hoặc dùng trong các nhạc cụ cao cấp, bởi chất gỗ khỏe, chắc, chống xóc, và đặc biệt ít chịu tác động của khí hậu và môi trường.


Ngoài ra, khung điện thoại còn được sản xuất theo công nghệ CNC cho phép cắt các chi tiết chính xác đến từng mm. Mỗi điện thoại đều có một vẻ riêng, không có chiếc nào giống nhau, bởi không có thớ gỗ nào có cùng vân gỗ. Điện thoại này hoạt động với tần số mạng quốc tế GSM 900/1800/1900 Mhz, hỗ trợ kết nối mạng với chuẩn GPRS/EDGE. Đây cũng được xem là một đồ trang sức dành cho doanh nhân thành đạt với việc tích hợp kết email, bluetooth, hồng ngoại, có nhạc chuông đa âm sắc và có hỗ trợ Java. Khi cần giải trí, bạn có thể nghe đài FM, nghe nhạc MP3/AAC/M4A có hỗ trợ Push-to-Talk thật tiện dụng. Điện thoại tích hợp camera 1,3 MP – khá yếu nhưng bù lại, nó có bộ nhớ trong RAM 32 MB, hỗ trợ thẻ nhớ MMC 512 MB để lưu trữ dữ liệu.

Điện thoại đĩa bay

Tên đầy đủ của chiếc điện thoại này là Samsung/Bang & Olufsen Serenata, với giá 675 bảng Anh (khoảng 1.040 USD) nó được khá nhiều thành phần trung lưu ưa chuộng. Chiếc điện thoại với thiết kế kì lạ này là “con cưng” của Bang & Olufsen và Samsung. Được thiết kế theo dạng nắp trượt nhưng hình dáng điện thoại được làm cong khiến nó giống như chiếc đĩa bay khi bạn đẩy mặt màn hình ra khỏi bàn phím. Nhiều người còn gọi điện thoại này là chiếc điện thoại vỏ sò nhưng tên gọi đĩa bay vẫn phổ biến hơn. Màn hình chính của Serenata lại ở mặt dưới, bàn phím và loa ở mặt trên, điều đó khiến nó đặt biệt thích hợp với người thuận tay trái.


Ấn tượng nhất của Serene là bàn phím được thiết kế theo cách chưa ai từng nghĩ ra, các phím số và chữ được bố trí hình tròn, các chế độ back, OK, play và stop cũng nằm trên vòng tròn đó. Khi muốn duyệt menu thì người dùng chỉ việc xoa nhẹ điều khiển giống như điều khiển click wheel trên iPod. Điện thọai được trang bị đôi loa cao cấp do Bang & Olufsen sản xuất và loa của máy nằm ở giữa thân máy, khiến nó giống như “bệ đáp” của đĩa bay sau khi hạ cánh.

Ngoài Samsung/Bang & Olufsen Serenata, hai hãng Samsung và Bang & Olufsen còn bắt tay nhau sản xuất chiếc điện thoại Samsung/Bang & Olufsen Serene cũng có giá tương đương nhưng được thiết kế theo hình dáng của một chiếc la bàn gồm có mặt màn hình và mặt số gập lại với nhau giống y chang màn hình và bàn phím của một chiếc máy tính xách tay. Khi sử dụng, người dùng chỉ việc mở nắp lên, đặt mặt có bàn phím xuống rồi điều khiển. Điểm đặc biệt của phiên bản điện thoại này, đó là bàn phím được thay đổi lại thành một vòng bánh xe, muốn làm gì, bạn thao tác trên bánh xe ấy.


Điện thoại xe hơi


Chiếc điện thoại kì lạ trên có hình dáng cực kì độc đáo mà không một dòng máy nào khác trên thế giới này giống nó. Về cấu trúc, nó là một khối kim loại vuông vức với vị trí các loa và đầu cắm bố trí bên hông tạo cảm giác nó trông giống một chiếc xe hơi sang trọng. Trên lưng điện thoại là miếng da cá sấu càng làm nó trở nên kì quái. Một trong những chi tiết đáng chú ý khác của mẫu điện thoại trên, đó là nó không phải do một công ty sản xuất điện thoại tạo ra mà lại do nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sĩ là Tag Heuer chế tác. Tên của sản phẩm này Tag Heuer Meridiist, chiếc điện thoại được hợp thành từ 430 thành phần và thân máy được làm từ thép 316L chống ăn mòn.


Riêng chiếc màn hình 1,9 inch của nó được làm từ 60,5 carat sapphire chống trầy xước. Bên dưới màn hình là những phím bấm với đường cắt mạnh mẽ, dễ khiến người ta liên tưởng tới dòng máy Sirocco đắt giá của Nokia. Trong các thử nghiệm, phím bấm của Meridiist được đánh giá là dễ sử dụng và có độ nhạy cao. Một trong những điểm nổi bật của Meridiist chính là chiếc màn hình thứ 2 nằm ở phía trên đầu máy có khả năng hiển thị thời gian – một phong cách rất ư là quen thuộc của nhà sản xuất đồng hồ này. Chiếc màn hình OLED này có thể “xác định” hướng của máy, chính vì thế, hình ảnh hiển thị thời gian sẽ được xoay theo chiều người dùng cầm máy. Những con số hiển thị thời gian này sẽ biến mất khi máy để ở chế độ tiết kiệm điện năng.

Điện thoại cuốn sách


Tên của điện thoại là Innuendo – một cái tên khá lạ và hãng sản xuất ra nó, đại công ty Sanyo cũng là một tên tuổi lạ trong ngành sản xuất điện thoại mặc dù đây là một đại gia trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng và sản phẩm trong các ngành công nghiệp khác. Chiếc điện thoại này là một sản phẩm hợp tác của Sanyo với nhà mạng Sprint của Hoa Kì trong đó Sanyo giữ vai trò là nhà sản xuất còn Sprint thì giúp phân phối nó. Innuendo có hình dáng bên ngoài giống như một quyển sách mềm mại có khả năng gập vào và lật ra một cách uyển chuyển. Những bố trí liên quan đến màn hình và bàn phím khiến nhìn từ xa, khó ai biết được rằng đây là một chiếc điện thoại di động.


Sản phẩm được thiết kế với hai màn hình tích hợp màn phím QWERTY. Màn hình phụ OLED có chức năng hiển thị ngày giờ và trạng thái được đặt ở bên ngoài. Màn hình chính có kích thước 2,8 inch WQVGA được đặt ở vị trí bên trong. Máy được tích hợp camera 3,2 megapixel cùng những tính năng giải trí cơ bản khác. Ngoài ra, các file nhạc lưu trữ trên thẻ nhớ microSD không những chạy được trên điện thoại mà cả những thiết bị hỗ trợ Sprint TV và Video YouTube. Bên cạnh đó, sản phẩm này còn hỗ trợ push email có nguồn gốc từ các tài khoản IMAP/POP3 trực tuyến. Innuendo đang được bán tại thị trường Mỹ với giá khoảng 50 USD kèm theo hợp đồng mạng.

G'zOne Type-V

Chiếc điện thoại có hình dáng trông lực lưỡng nhưng không phải là một “siêu mẫu điện thoại”, với kiểu dáng lạ nửa quyến rũ, nửa xấu xí lại trở thành một sự đảm bảo rằng nó sẽ tồn tại bền lâu. Thiết bị thiếu kết nối Bluetooth, khả năng phát nhạc và khe cắm thẻ nhớ mở rộng. Bù lại, sản phẩm có chất lượng cuộc gọi tốt, chụp ảnh 2 MP và hỗ trợ mạng 3G EV-DO. Mẫu di động này được phân phối qua hãng di động Mỹ Verizon Wireless với giá 149,99 USD cùng 2 năm hợp đồng dịch vụ. G’zOne Type-S là phiên bản nâng cấp nhỏ hơn mẫu di động Type-V đã được hãng giới thiệu trước đây. Máy đạt tiêu chuẩn chống bụi và hoạt động trong môi trường khắc nghiệt 810ºF của quân đội.


Máy đã được thử nghiệm chống lại sự thấm nước dưới điều kiện mưa và tốc độ gió đạt 40 MPH cùng kiểm định mức độ hoạt động của máy trong môi trường ẩm ướt 10 ngày với độ ẩm lên tới 95%. Thêm vào đó mẫu máy này đã vượt qua thử thách rơi 26 lần từ các góc độ khác nhau từ độ cao 1,524m xuống mặt cứng mà vẫn hoạt động tốt. Type-V của hãng G'zOne sẽ rất phù hợp với những người chơi thể thao. Ngoài các khả năng trên, G’zOne Type-S còn hỗ trợ kết nối bluetooth, một camera, khả năng định vị, chế độ đàm thoại rảnh tay cùng pin sử dụng trong chế độ chờ lên tới 170 giờ.

(Theo TTCN)