Mỗi một kỷ vật, hiện vật được sưu tầm là sự khẳng định cống hiến hi sinh lớn lao của các thế hệ công an đi trước, nhắc nhở các thế hệ sau này luôn trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống hào hùng, bảo vệ cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Thời gian ngày càng lùi xa, các thế hệ cán bộ Công an từ những ngày đầu ngày một ít dần đi, thêm vào đó, cuộc sống hiện đại cũng không ngừng làm xóa nhòa đi các dấu tích sự kiện và các di vật gắn liền với những thành tựu, chiến công tiêu biểu của lực lượng Công an và quần chúng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự. Ý thức sâu sắc về trách nhiệm với lịch sử, đồng thời, với mong muốn nhận được sự quan tâm hưởng ứng rộng rãi của lãnh đạo các cấp, các ngành, các thế hệ CBCS Công an và đông đảo quần chúng nhân dân, tháng 11/2012, Bộ Công an đã phát động Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND” với thời gian 3 năm (2012 -2015).
Trong 3 năm thực hiện Cuộc vận động đã có rất nhiều những cá nhân, tổ chức hiến tặng những kỷ vật và những kỷ niệm gắn bó với cuộc sống chiến đấu của họ.
Trong đó những kỷ vật quý giá của các cố Bộ trưởng Bộ Công an, của nhiều nhân chứng lịch sử , cán bộ Công an lão thành, hưu trí ở mọi miền Tổ quốc...của các đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc. Đã một phần thắp sáng ngọn lửa truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân, khơi dậy ý thức tự tôn, tự hào dân tộc, củng cố niềm tin , ý thức, lòng nhiệt huyết và hoài bão của thế hệ trẻ để lớp trẻ biết và trân trọng những trang sử hào hùng của Công an nhân dân, khích lệ họ tiếp bước, xứng đáng truyền thống của cha anh.
Nhìn lại những thành tựu và kết quả đạt được trong suốt 3 năm qua, tối 21/8 vào lúc 20h10, chương trình giao lưu nghệ thuật “Những chiến công đi cùng năm tháng” được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trung tướng Nguyễn Xuân Mười - Trưởng ban tổ chức Cuộc vận động nhấn mạnh: “Những thành tích, chiến công của lực lượng CAND trong gần 7 thập kỷ qua đã ghi những trang vàng trong lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc và để lại nhiều kỷ niệm, dấu ấn sâu sắc trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ Cán bộ Chiến sĩ (CBCS), CAND qua các thời kỳ”.
Đến nay, Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử Công an nhân dân” với hình thức xã hội hóa đã nhận được hơn 5000 kỷ vật lịch sử. Trong đó, 4000 kỷ vật đã được hoàn thiện hồ sơ khoa học, 200 tư liệu hiện vật tiêu biểu đã bổ sung trưng bày tại Bảo tàng CAND.
Trong chương trình đại biểu và khán giả đã rất xúc động khi xem 2 phóng sự, đặc biệt là Phóng sự: Nghẹn ngào bên những kỷ vật của cán bộ Công an đi B. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lực lượng CAND là một trong những lực lượng chi viện chiến trường miền Nam sớm nhất, nhiều nhất, đúng lúc, kịp thời, kiên trì vượt qua mọi nguy hiểm, anh dũng quên mình vì nhiệm vụ. Càng gian khổ, đau thương càng thắp sáng trong họ ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, họ vẫn tiếp tục chiến đấu với tâm thế lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi trước mắt của dân tộc. Những ngày chiến đấu anh dũng đã bộc lộ một cách rực rỡ hình ảnh cao đẹp của người lính.
Chương trình còn giao lưu gặp gỡ, trò chuyện cùng các đại biểu CAND ưu tú đại diện cho từng thế hệ.
Đó là Thiếu tướng Phan Văn Lai - Anh hùng LLVTND, Trưởng Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện miền Nam thời kỳ KCCM cứu nước. Qua những lời kể gần 10 năm ở chiến trường Trị Thiên Huế, Thiếu tướng cùng các đồng đội trải qua nhiều giây phút sinh tử, khó khăn và gian khổ. Đến nay, cuộc chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ vẫn ghi đậm trong ký ức tôi về lá thư tiếp lửa của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gửi cán bộ, chiến sĩ An ninh Khu Trị Thiên Huế sau cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1968 ở Huế.
Mô tả |
Đó còn là Đại tá cựu cán bộ Công an, họa sỹ chiến trường Lương Mạnh Tâm. Trong tập tranh "Khoảnh khắc chiến trường", ông Tâm bằng nghề cầm cọ, bút vẽ đã vẽ lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
“Chính nhờ vẽ tranh rồi văn hóa văn nghệ đã tạo cho tôi cùng các đồng đội sự hứng khởi để quên đi bệnh tật, đói khát, để sống và chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng. Để bây giờ ngắm lại, từng kỷ niệm ngày xưa ùa về tôi như đang cảm nhận từng giọt mồ hôi mặn chát, từng lời nói ấm áp của đồng đội, hay cả những giọt nước mắt mất mát đau thương. Tôi đã luôn giữ và hiến tặng "gia tài" quý báu này của tôi cho BTC Cuộc vận động "Sưu tầm & Tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND" và may mắn là đã được BTC Cuộc vận động xuất bản thành tập tranh quý giá này” – ông Tâm nói.
Ngoài ra, còn có Thượng úy Nguyễn Xuân Dương - Công an huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cháu nội của chiến sỹ CAND Nguyễn Minh Sơn với cuốn Nhật ký là cả một gia tài quý báu, với nhưng trang giấy nhàu nát, cũ màu vì thời gian và bom đạn.
“Cuốn Nhật ký "Gửi lại mai sau" của ông tôi đó là những trang viết về nội tâm của một con người hy sinh ở tuổi 37 được tôi luyện trong khói lửa kháng chiến, và cuốn sổ tay ngày nào đã trở thành tài sản tinh thần vô giá mà liệt sĩ Nguyễn Hải Trường - ông nội tôi gửi lại cho con cháu và thế hệ hôm nay. Quyết định trao tặng Cuốn Nhật ký cho Cuộc vận động để tôi cùng thế hể trẻ ngày hôm nay và mai sau có thể học tập và tiếp nối được thế hệ ông cha đi trước” – Thượng uý Dương nói.
Có thể nói, mỗi một kỷ vật, hiện vật được sưu tầm là sự khẳng định sự cống hiến hi sinh lớn lao của các thế hệ Công an đi trước, qua đó nhắc nhở các thế hệ sau này luôn trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống hào hùng, ra sức phấn đấu để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Lê Sơn